Ông Tạ Quang Chính tâm sự, nếu tìm ở các con cụ Bửu những câu chuyện cụ dạy con cụ thể một điều gì đó thì có lẽ là không có. Nhưng tất cả các con đều biết nhìn những gì cha làm, cách cha ứng xử mà học theo.
“Cụ không nói dài, không thuyết giảng, cũng không nặng lời, mắng mỏ các con bao giờ. Trong mắt chúng tôi, cụ là một người cha luôn nhẹ nhàng, không đao to búa lớn, ít khi thể hiện tình cảm bằng lời nói. Nhưng chỉ cần nhìn ánh mắt là chúng tôi biết cha mình có đang hài lòng hay không.
Cũng có đôi lúc các con làm trái ý, phản ứng đầu tiên của cụ là cáu và sẽ có một hành động nào đó thể hiện là cụ không vừa ý, lần sau không được làm thế nữa. Ví dụ có lần cô em út bị lên một cái thịt thừa ở tay, cụ cho lên Bệnh viện Da liễu để đốt thì cô khóc ghê quá, khiến bác sĩ khó làm việc. Lúc ấy cụ bực mình và có tét vào mông con một cái, quát đúng một chữ: ‘Nín’.
Tính cụ là thế - nói ít, không dài dòng, để cảnh báo con không được làm ảnh hưởng đến việc của người khác”. Còn lại, phần lớn thời gian, trong mắt các con, cụ vẫn là một người cha hiền lành, nhỏ nhẹ.
Ông Chính cho rằng, chính phong thái nhỏ nhẹ ấy của cụ đã có sức ảnh hưởng đáng kể tới lối sống, cách ứng xử của các con về sau, dù rằng mỗi người học từ cha theo một cách khác nhau.
Từng kinh qua những vị trí quan trọng trong ngành giáo dục, nhiều người sẽ cho rằng chắc hẳn GS Bửu rất sát sao với việc học hành của con cái. Nhưng theo lời kể của ông Chính, đó là một sự “thiệt thòi”, bởi vì cha ông không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Quan điểm của cụ là “sức đến đâu học đến đấy”. Cụ chưa từng thúc ép hay cố khoác cho con mình “chiếc áo” quá rộng.
Gần như cả 6 người con của GS đều thấm nhuần tinh thần tự học, tự lực. “Anh cả tôi thông minh, học giỏi thì được đi học nước ngoài từ sớm, 3 em trai chúng tôi học đại học trong nước, bà chị chỉ học hết lớp 10 rồi đi làm công nhân viên, cũng là nhân viên bình thường thôi”.
Một lần hiếm hoi ông Chính thấy cha góp ý về việc học hành của mình là năm ông học lớp 10. Ngày đó, ông bị bệnh khiến một bên chân phải bị teo lại. Sau một thời gian chữa trị theo phương pháp đông y, cuối cùng chân ông cũng khỏi. Vui mừng sau nhiều ngày tháng bị “treo chân”, ông lao vào chơi bóng đá rất nhiều, dành rất ít thời gian cho việc học. Thấy con lơ là học hành, cụ Bửu nói: “Con cứ đá bóng suốt ngày như thế, liệu con có giỏi được như Ba Đẻn không?” (Ba Đẻn ngày ấy là cầu thủ bóng đá nổi tiếng của đội Thể Công).
Chỉ một câu nói của cha khiến ông Chính chợt “tỉnh” ra và lại tiếp tục đèn sách ôn luyện để thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm ấy.
“Lúc tôi thi, ông cụ chỉ bảo ‘có cái (khoa) Toán công trình mới, cũng hay đấy’. Cụ là người đã gợi ý, tư vấn cho không biết bao nhiêu trí thức trẻ về nghiên cứu, học tập. Nhưng với con trai, cụ cũng chỉ gợi ý nhẹ, không ép buộc điều gì. Tôi cũng nghe theo, một phần vì thời học sinh, tôi cũng thích học Toán dù không phải quá nổi trội”.
Ngày ấy phong trào đi bộ đội dâng cao nên sau khi đỗ Bách khoa, ông Chính xin bảo lưu kết quả để đăng ký đi bộ đội. “Ông cụ biết, cũng chỉ nói một câu ‘vất vả đấy, cố gắng’. Cụ chỉ nói những câu ngắn gọn vậy thôi, chưa bao giờ phân tích, thuyết giảng dài dòng với các con. Nhưng khi có bạn bè, đồng nghiệp đến chơi, cụ có thể nói chuyện về công việc, khoa học rất nhiều và say sưa”.
Thiếu tướng Tạ Quang Chính kể, về nhà, cha ông ít khi chia sẻ chuyện công việc. Vợ và các con chẳng biết cụ đang làm gì nếu sau này không được các trí thức cùng thời và bạn bè cụ kể lại. Những ân tình mà cụ Bửu dành cho các thế hệ trí thức cũng chỉ được biết đến khi chính những người hàm ơn cụ nói ra, từ việc tạo điều kiện cho người trẻ có năng lực ra nước ngoài tu học cho đến việc kiếm từng cuốn sách, tư liệu… từ nước ngoài mang về cho những người cần.
Nếu như GS Hoàng Tuỵ mãi ghi nhớ sự đồng cảm, nâng đỡ tinh thần quý giá của cụ với những người làm toán trong giai đoạn khó khăn, thì GS Nguyễn Tố Như lại mang ơn suốt đời lời hứa của cụ về việc tạo điều kiện để ông đi tu học ở nước ngoài.
Là người chủ trương lấy “thực học” làm đầu trong việc chọn và bồi dưỡng người tài, GS Tạ Quang Bửu cũng là người đề xướng việc tuyển sinh và công bố điểm thi đại học công khai. Cụ đã mạnh dạn xoá bỏ thói quen nhìn lý lịch thay vì thành tích để chọn người học đại học hay đi du học ở nước ngoài. Cũng chính vì quan điểm này mà có vài lần cụ đưa ra những quyết định ngoại lệ cho một số cá nhân xuất sắc (đặc biệt là người trẻ), khi còn làm lãnh đạo thì bằng quyền lực của mình, khi đã nghỉ hưu thì bằng uy tín cá nhân.
GS Nguyễn Văn Đạo - Giám đốc đầu tiên của ĐH Quốc gia Hà Nội - từng kể về cách “xử lý” một trường hợp đặc biệt của cụ Bửu mà ông chứng kiến khi còn là giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. “Năm 1970, khoa Toán - Lý đã tiếp nhận một em học sinh đặc biệt xuất sắc và chúng tôi đã cho em đó hưởng một chế độ học tập đặc biệt - không phải lên lớp dự giờ với một số môn học mà em đã quá giỏi để em dành thời giờ nghiên cứu khoa học”.
Sẵn sàng “phá lệ” cho những người tài xuất sắc, nhưng ngược lại, với những trường hợp nhờ vả mà không đạt tiêu chuẩn thì cụ nhất quyết nói lời từ chối. “Tôi từng chứng kiến một số vị này vị kia đến trình bày nguyện vọng muốn cho con đi học nước ngoài. Khi nhìn bảng điểm thấy không đủ khả năng, cụ thường thẳng thắn nói rằng ‘nếu cháu không có sức học thì việc đi như thế này là vất vả lắm’”.
Với các con, cụ cũng áp dụng nguyên tắc đó - không bao giờ dùng quyền lực của mình tác động để các con được ưu ái hơn người khác.
Sau thời gian trong quân ngũ, ông Chính về lại Bách khoa để tiếp tục học đại học. Lúc này, GS Bửu đang là Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Nhưng trong ký ức của ông, chưa bao giờ ông thấy mình được đối xử đặc biệt hơn những sinh viên khác. “Các thầy biết tôi là con cụ Bửu nhưng rất tôn trọng trình độ của tôi. Và tôi cũng bị các thầy ‘riềng’ cho ra trò, thậm chí có môn phải thi lại 2 lần, chứ không phải là con cụ mà được ưu ái”.
Ông Chính nói, có khi đến tận khi cụ Bửu mất rồi, người ta mới nhắc nhiều đến cụ như thế, chứ ngày cụ còn sống, ông không cảm nhận được nhiều “áp lực” từ cái danh “con cụ Bửu”.
Để có một Tạ Quang Bửu tận hiến với khoa học, không thể không nhắc đến người vợ tận tuỵ vì chồng con đứng phía sau. Nói về mẹ mình - cụ Hoàng Thị Kim Oanh, ông Tạ Quang Chính chia sẻ ngắn gọn: “Mẹ tôi chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là gia đình, đặc biệt là việc chăm lo cho sức khoẻ của cha tôi. Ngoài ra, bà không có tham vọng nào khác”.
Tình yêu và hôn nhân của 2 cụ cũng là một câu chuyện đặc biệt mà theo lời cụ bà từng kể với các con cháu, đó là “tiếng sét ái tình”.
Thời điểm hai người quen nhau, cụ ông ở Huế, cụ bà ở Hà Nội. Trong một lần theo cha vào Huế, cụ gặp cụ ông. Cả hai “ưng mắt” nhau ngay lần gặp đầu tiên. Chỉ sau một vài câu trao đổi, hôn sự coi như đã được ấn định. Đám cưới được tổ chức khoảng chừng hơn 1 năm sau.
Ngày ấy, cùng với bà Hoàng Thị Minh Hồ (con gái nhà nho yêu nước, thương gia Hoàng Đạo Phương, vợ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô) là chị họ con ông bác ruột, cụ bà Hoàng Thị Kim Oanh được coi là một trong những hoa khôi đất Hà Thành, không thiếu người theo đuổi. Vì thế, khi về làng Đại Yên làm đám cưới, dân làng vẫn xì xào “sao hoa khôi mà lại đi lấy ông vừa lùn, vừa đen, vừa xấu thế”.
Ông Chính bảo, đó là câu chuyện vui về “nhan sắc” của cụ ông khi đứng cạnh cụ bà, chứ kỳ thực khi ấy cha ông đã khá có tiếng khi là huynh trưởng của Hội Hướng đạo sinh Trung kỳ.
Điều đặc biệt hơn trong cuộc hôn nhân của 2 cụ là trước đó, Tạ Quang Bửu và nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý - bố vợ cụ - vẫn coi nhau là “anh em”, có mối quan hệ rất gần gũi và thân thiết. Tạ Quang Bửu chỉ kém bố vợ mình 10 tuổi và hơn vợ tới 16 tuổi. Tuy nhiên, trái lại với nhiều dự đoán thông thường, cụ Hoàng Đạo Thuý hết sức ủng hộ mối lương duyên của Tạ Quang Bửu với con gái mình, có lẽ phần nhiều vì trân quý và nể trọng trí tuệ của “người anh em”.
Cuộc hôn nhân của 2 cụ hạnh phúc và yên ấm với 6 người con - 4 trai, 2 gái lần lượt ra đời. Chưa bao giờ, cụ ông nặng nhẹ với cụ bà một lời. Từ khi kết hôn cho tới lúc cụ ông rời xa trần thế, hai người vẫn luôn gọi nhau là “anh - em” - cách xưng hô ngọt ngào mà ở thời ông bà ít người dùng.
Là vợ của một nhà khoa học “chỉ biết đọc sách và nghiên cứu”, hẳn nhiên cụ bà là người quán xuyến, lo toan mọi việc trong gia đình để chồng không bao giờ phải phiền lòng.
Ông Chính vẫn còn nhớ một hình ảnh luôn khắc ghi trong trí nhớ của ông về mẹ. “Mỗi khi có khách của ông tới nhà, bà đon đả ra chào và mời nước. Bà còn nhớ cả sở thích của mỗi vị khách ghé thăm. Nhưng bà chỉ luôn dừng lại ở đó, ngay sau khi rót nước xong, bà lui về ngay phía sau, không bao giờ tham gia vào những cuộc trò chuyện của cha tôi và các vị khách, dù đó là những người đã cực kỳ gần gũi, thân thiết với ông”.
Suốt cuộc đời làm công tác khoa học và đào tạo, GS Tạ Quang Bửu đã “chắp cánh” cho không biết bao nhiêu nhân tài phát triển chuyên môn và sự nghiệp của mình. Nhưng như GS Nguyễn Văn Đạo từng nói: “Đặc quyền duy nhất của GS Tạ Quang Bửu mà tôi được chứng kiến là quyền được vào tận tủ sách của Thư viện Khoa học trung ương để lục sách, một tuần vài lần”. Sự liêm khiết, chính trực của cụ nói riêng và các trí thức cùng thời nói chung khiến những người vợ phía sau luôn phải vận dụng hết sự tháo vát của mình để lo cho gia đình đủ đầy cơm áo.
Ông Chính nhớ rằng dù gặp nhiều khó khăn nhưng mẹ ông chưa từng phàn nàn chuyện tiền nong, cơm áo với chồng. Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, “ngày nào bà cũng lo cho chồng được một tách cà phê, vài lát bánh mỳ vào bữa sáng”. Còn GS Bửu, vốn dĩ chỉ cần tiền để làm 3 việc: mua sách, cắt tóc và thi thoảng hút điếu thuốc - ông Chính kể.
Mãi về sau, khi chứng kiến sự vất vả của vợ con, cụ Bửu mới bắt đầu quan tâm hơn một chút tới kinh tế gia đình. Sau khi sinh cô con gái út, cụ bỏ thuốc để có thêm chút tiền cho vợ xoay xở. Lúc ấy, cụ đang là hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Những năm cuối đời của cụ cũng là giai đoạn khó khăn của người công chức, gia đình nào cũng phải nuôi 1-2 con lợn để tăng gia sản xuất. Mỗi lần nhận nhuận bút viết bài ở đâu đó, cụ lại đưa cho vợ để mua lợn giống.
“Hồi ấy, ông bị bệnh đau lưng lắm rồi nên ông có kế hoạch tập thể dục rất đều đặn. Nhưng ông cũng chỉ đi quanh nhà thôi, mà lúc ấy quanh nhà thì toàn chuồng lợn - ông bà nuôi một chuồng, các con mỗi đứa một chuồng.
Có một chuyện mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ, đó là vào ngày ông mất. Khi một người bạn đến viếng, có hỏi thăm bà ‘chắc những năm cuối đời, cụ Bửu cũng vất vả, khó khăn lắm’. Lúc ấy, bà mới nói một câu: ‘Không, tôi cũng nuôi lợn, nuôi gà, đảm bảo sức khoẻ cho anh (Bửu)’. Câu nói ấy của mẹ tôi có lẽ cũng vừa như một lời trách, vừa coi đó là một chuyện bình thường suốt bao năm qua mà bà vẫn làm”.
Thiết kế: Minh Hoà