Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy đã được Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đặt ra từ năm 2017. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này chính thức khởi động vào những tháng cuối năm 2024 và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 1 năm 2025.

Ngày 20/9, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương nhất trí cao việc tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới.

Ngày 5/11, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Tổng Bí thư nhấn mạnh thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi.

“Muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, Tổng Bí thư nêu rõ và đề ra hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm.

Ngày 25/11, phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Tổng Bí thư nêu rõ Trung ương yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Ngày 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.

Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u".

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18; trong đó có định hướng về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Các cấp ủy, tổ chức đảng: Nghiên cứu, đề xuất hợp nhất, kết thúc hoạt động và sắp xếp lại một số cơ quan, tổ chức để tối thiểu giảm được 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự đảng, 16 Đảng đoàn trực thuộc Trung ương, tăng 2 Đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Khối Chính phủ: Nghiên cứu, đề xuất hợp nhất, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ để giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghiên cứu, đề xuất hợp nhất, kết thúc hoạt động và sắp xếp lại một số cơ quan để giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng thực hiện sắp xếp, tinh gọn. Trong đó, nhiều cơ quan kết thúc hoạt động như: Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC sẽ kết thúc hoạt động; chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam…

Để việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được diễn ra thuận lợi, ít xáo trộn, Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng tuyển dụng công chức, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử trong thời gian thực hiện sắp xếp.

Ngày 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật không để khoảng trống pháp lý và xây dựng phương án để khi sắp xếp xong thì bắt tay ngay vào công việc.

Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Thực hiện kế hoạch này, bộ máy Chính phủ sẽ tinh gọn từ 30 xuống còn 21 còn đầu mối gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ; giảm 5 bộ, 4 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giảm tối thiểu 15 -20% đầu mối tổ chức bên trong.

Hiện Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và phải hoàn thành trước ngày 20/12.

Ngày 11/12, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến trong tháng 2/2025, Quốc hội họp kỳ họp bất thường lần thứ 9 để sửa đổi các luật liên quan phục vụ triển khai việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy.

Định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính:

-       Người đứng đầu cơ quan mới sau hợp nhất có thể là nhân sự ở trong hoặc ngoài cơ quan đó

-       Số lượng cấp phó có thể cao hơn quy định và giảm theo quy định trong thời hạn 5 năm 

-       Số lượng biên chế của cơ quan mới tối đa không vượt quá tổng số trước khi hợp nhất nhưng phải giảm biên chế theo quy định trong thời hạn 5 năm

-       Quan tâm bố trí sử dụng cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết 

Ngày 12/12, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương; đề cao trách nhiệm, đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, lựa chọn phương án phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, xóa bỏ quan liêu bao cấp, tăng cường chuyển đổi số, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tham nhũng vặt, giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng lưu ý, trong quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống "chạy chọt", chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin cho.