Việc Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ hợp nhất là một bước hiện thực hóa cuộc cách mạng chuyển đổi số cũng như cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ban hành (Kế hoạch 141). Trong kế hoạch này, việc hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ đã được xác định.
Tên Bộ mới sau hợp nhất dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông.
Bộ mới sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tên gọi phải bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ
Việc hợp nhất các Bộ nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo yêu cầu đã nêu trong các nghị quyết của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồng thời, việc hợp nhất cũng nhằm điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tên gọi của các cơ quan sau khi hợp nhất, sắp xếp phải bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của bộ.
Theo định hướng Chính phủ đưa ra, với các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin & Truyền thông hiện tại (chuyển đổi số, hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số và báo chí – truyền thông) thì tên gọi “Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông” sẽ phù hợp và bao trùm đủ các lĩnh vực quản lý của 2 Bộ hiện nay.
Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Ban Chỉ đạo chung do lãnh đạo 2 Bộ đồng chủ trì để xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ; sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất hai bộ.
Trong đó có việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông.
Tạo ra bước đột phá trong chuyển đổi số đất nước
Trong bài viết nhân dịp Quốc khánh 2/9 "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra nhiều quan điểm mới đáng chú ý về chuyển đổi số và khoa học công nghệ.
Theo Tổng Bí thư, chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
“Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”, bài viết của Tổng Bí thư nêu rõ.
Một nhiệm vụ mà Tổng Bí thư đã nhắc đến trong bài viết này là cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực… Trong nhiệm vụ này, Tổng Bí thư nêu rõ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới và yêu cầu tập trung xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số, phát triển công dân số.
Cụ thể, tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất.
Với những quan điểm mới về chuyển đổi số, khoa học, công nghệ như Tổng Bí thư phân tích, việc hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Truyền thông hoặc Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ là một bước hiện thực hóa 2 cuộc cách mạng. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số và cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Cũng trong ngày 5/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng (Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18) ký ban hành Công văn số 21 về triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18.
Trong đó, Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, giải thể các bộ, cơ quan ngang bộ theo nội dung gợi ý, định hướng về sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước 15/1/2025 để trình Trung ương.
Chính phủ trình Quốc hội (kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025) hai nội dung:
Một là trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập, giải thể một số bộ (trước ngày 28/2/2025).
Hai là xem xét việc sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, các văn bản luật liên quan sau khi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cho chủ trương về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy (trước ngày 28/2/2025).
Chính phủ ban hành các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ (đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết/Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương) trước ngày 15/3/2025.
Ban Chỉ đạo Trung ương cũng yêu cầu Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp tinh gọn các vụ, đơn vị, tổ chức trực thuộc hoàn thành trước ngày 15/3/2025.
Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 đưa ra từng mốc thời gian đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Dự kiến sau hợp nhất 10 bộ thành 5 bộ mới sẽ có tên gọi như: Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển; Bộ Phát triển Hạ tầng; Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường...
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, muốn tinh gọn bộ máy, giảm biên chế thì phải phân cấp, phân quyền. Tinh giảm là gấp rút rồi, bộ máy đông quá, dân không chịu nổi.
Đề cập đến vấn đề tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đây là việc rất khó khăn, bởi liên quan đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi, lợi ích. Nhưng mong muốn phát triển phải "nhẹ đi mới bay được cao".