Như chìm lắng trong thời gian những ngày chiến đấu gian khổ nhưng đầy tự hào, cô Ngô Thị Sam kể, ngày 25/8/1970, Đại đội pháo Ngư Thủy vinh dự được tuyên dương “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Dịp này, các lãnh tụ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng vào thăm Đại đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã 2 lần vào thăm, ngồi ăn bữa cơm đạm bạc với các nữ pháo thủ ngay tại trận địa.
Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, Trưởng đoàn đám phán của ta tại hội đàm Paris một lần vào thăm Đại đội nữ pháo binh đã để lại vần thơ tới nay vẫn nhiều người còn ghi nhớ: “Chiều nay Xuân Thủy thăm Ngư Thủy/ Trời biển mênh mông đất Quảng Bình/ Giặc Mỹ hay đâu cồn cát trắng/ Anh hùng toàn những gái xuân xanh”.
Một ngày giữa tháng 9/1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro trở thành vị chính khách nước ngoài đầu tiên đến thăm Quảng Bình và Văn phòng Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị.
Ông đã ghé thăm Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy và bắt tay từng người tại trận địa, miệng luôn nở nụ cười tươi như muốn chia sẻ niềm vui với những cô gái miền biển nhỏ bé mà lập nên nhiều chiến công.
Cô Ngô Thị Thanh Thới nhớ lại: “Chúng tôi nhận được thông báo Chủ tịch Fidel đến Việt Nam và vào thăm đơn vị. Chúng tôi đã thao tác cách đánh, cách bắn cho ông Fidel xem. Ông hỏi: Khi chiến đấu, các cô sử dụng vũ khí hạng nặng có sợ hay không? Có nghĩ sẽ chiến thắng hay không?
Chúng tôi trả lời, tuy Mỹ có vũ khí tối tân, nhưng người Việt Nam dũng cảm, thông minh chắc chắn sẽ chiến thắng và chúng cháu thực tế đã đánh thắng. Thời điểm đó, chúng tôi chiến đấu 7 trận, bắn cháy 5 tàu Mỹ”.
Đến năm 2006, một sự kiện làm nức lòng người dân Ngư Thuỷ, nhân dân cả huyện và tỉnh nhà: Tượng đài nữ pháo binh được dựng lên sừng sững, uy nghiêm ở trung tâm xã Ngư Thuỷ Trung (nay là xã Ngư Thủy). Đây là minh chứng cho sự quả cảm của đội quân tóc dài, là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần vô giá cho các nữ pháo thủ.
Tượng đài được xây dựng bằng đá granite, nòng pháo vươn ra Biển Đông, uy nghi với hình ảnh 3 cô gái đứng bên mâm pháo.
91 người trong đội hình chiến đấu năm xưa, nay 75 người còn sống, người cao tuổi nhất cũng đã hơn 90.
Khi chiến tranh lùi xa, các o trở về với cuộc sống đời thường. Nhiều người lập gia đình, có một cuộc sống bình dị. Nhưng cũng có nhiều người không có được niềm hạnh phúc giản đơn ấy do tuổi xuân trôi qua cùng năm tháng chiến tranh khốc liệt, sức yếu và bệnh tật, có người sống cảnh đơn thân, người mất sức lao động phải sống dựa vào sự giúp đỡ của xã hội và các nhà từ thiện.
"Bây giờ, phần lớn o mô ở đại đội cũng mang trong mình bệnh tật, di chứng chiến tranh”, cô Thới, cô Sam kể. “Người thì bệnh tim, người mắc xương khớp, người bị điếc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi khi trái gió trở trời, những cơn đau lại hành hạ thể xác chúng tôi.
Nơi đây khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, cây khoai, cây sắn trồng lên cũng héo. Nhiều chị em được hỗ trợ xây cất ngôi nhà trên cát thì mùa mưa, gió bão thổi tứ bề. Đất đai này làm ăn không được, trồng khoai sắn cũng bán không được mấy tiền. Nhiều o không chồng nên làm nghề cá cũng không nổi. Tuy nhiên, dù khó khăn thì tình cảm của chị em vẫn không thay đổi, mỗi khi có ai ốm đau, chị em gom góp tiền bạc đến động viên, an ủi nhau".
Thương đồng đội, cô Thới nhiều lần làm đơn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình; nhiều lần lặn lội ra Hà Nội gõ cửa cơ quan chức năng đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp cho chị em. Nhưng đến nay, các chị em trong đơn vị vẫn chưa ai được hưởng chế độ dành cho thương binh, bệnh binh. Bởi câu trả lời là: Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy là đơn vị dân quân xung phong chứ không phải là lực lượng quân đội chính quy.
Các nữ pháo thủ chiến đấu suốt 10 năm không khác gì những người lính thực thụ, cũng cơm vắt nằm hầm, đương đầu với bom pháo ngút trời, chịu mọi nguy hiểm nhưng lại chỉ được hưởng chính sách 290 (chế độ dân quân, du kích) với khoản trợ cấp ít ỏi (trợ cấp 1 lần theo số năm thực tế tham gia dân quân, du kích tập trung, mỗi năm 400.000 đồng).
“Nhiều người còn lại của đội nữ pháo binh đang sống với những ngày tháng khó khăn, chưa được hưởng chế độ chỉ vì những vướng mắc về thủ tục, giấy tờ. Thời chiến thì giấy tờ thất lạc. Chúng tôi ra trận địa để giấy tờ trong hầm có khi bị cháy. Hay lúc chiến đấu đảm bảo được an toàn cho người và pháo đã may mắn lắm rồi, làm gì giữ được giấy tờ tới ngày nay mà có thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thương binh hay bệnh binh.
Bây giờ chỉ mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện quan tâm, giúp chúng tôi được hưởng chế độ hay trợ cấp tối thiểu hàng tháng, để các o có thêm tiền trang trải cuộc sống, bớt khó khăn hơn”, cô Thới bày tỏ nỗi niềm.
Hiền Anh - Ảnh: Bạch Hân
Thiết kế: Thu Hằng