Có hàng triệu, hàng tỷ dạng virus khác nhau
Ngành y khoa Vi sinh vật là chuyên ngành nghiên cứu về nấm, vi khuẩn, virus (bao gồm cả rickettsia). Chúng là những vi sinh vật tồn tại trong thiên nhiên và tương tác với cơ thể con người theo các hình thức cộng sinh, ký sinh và hoại sinh gây bênh.
Chuyên ngành virus học virology là một chuyên ngành phụ sâu, hẹp nghiên cứu về virus khi nó xâm nhập vào con người.
Virus, thường được viết là vi-rút còn được gọi là siêu vi, siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng, là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. Virus có thể xâm nhiễm vào tất cả các dạng sinh vật, từ động vật, thực vật, thậm chí cả vi khuẩn.
Kể từ năm 1892, Dmitriy Iosifovich Ivanovsky công bố bài viết đầu tiên mô tả về một dạng mầm bệnh không thuộc dòng vi khuẩn lây nhiễm ở cây thuốc lá, cùng với sự khám phá ra virus khảm thuốc lá của Martinus Beijerinck năm 1898, cho đến nay có khoảng 9 000 loại virus đã được miêu tả chi tiết. Thực tế, có tới hàng triệu, có thể hàng tỷ dạng virus khác nhau tồn tại trong thiên nhiên, nó xuất hiện ở hầu hết mọi hệ sinh thái trên Trái Đất và là dạng có số lượng nhiều nhất trong tất cả các thực thể sinh học.
Virus Corona là một loại virus gây ra tình trạng nhiễm trùng trong mũi, xoang hoặc cổ họng. Có 7 loại virus Corona, trong đó, 4 loại không nguy hiểm là 229E, NL63, OC43 và HKU1; hai loại khác là MERS-CoV và SARS-CoV nguy hiểm hơn và từng gây ra đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, còn một loại virus Corona thuộc chủng mới (màu vàng) ký hiệu 2019-nCoV hoặc nCoV, còn được gọi với cái tên “Virus Vũ Hán” đang “tung hoành” suốt từ cuối năm 2019 đến nay với bệnh cảnh viêm phổi cấp, nặng nề gây suy hô hấp cấp tính, lây lan nhanh đã khiến hàng trăm triệu người mắc với tỷ lệ tử vong rất cao.
Tháng 2/2020, Ủy ban quốc tế về phân loại Virus – International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) chính thức đặt tên cho chủng mới của vi-rút corona là Sars-CoV-2. Đây là tên gọi khác với tên Covid 19 mà WHO đã chỉ định ban đầu. Sars-CoV-2 hay 2019-nCoV có trình tự gen giống với Sars-CoV được phát hiện gây dịch bệnh trước đây vào năm 2003, với mức tương đồng lên tới 79,5%.
Cách thức gây bệnh của Virus là: Xâm nhập cơ thể qua đường hầu họng; ký sinh trong tế bào; dùng đoạn ARN của virus cài ghép và truyền đạt thông tin di truyền đến tế bào vật chủ, từ đó điều khiển tế bào vật chủ để virus tồn tại và nhân lên; cuối cùng là phá vỡ tế bào vật chủ (giai đoạn này khởi phát các dấu hiệu của bệnh lý trên lâm sàng như ho, sốt, đau họng, mỏi cơ khớp, đôi khi đau mắt đỏ…).
Như vậy, chúng ta có thể hiểu đơn giản nhất về virus Corona là: chúng là một dạng vi sinh vật ký sinh trong tế bào của cơ thể vật chủ, sự nhân lên của nó và/làm hủy hoại tế bào vật chủ là nguyên nhân gây bệnh lý nhiễm virus. Virus Sars-CoV-2 là một loại virus Corona mới, có khả năng lây truyền rất nhanh và gây suy hô hấp nặng nề, gây tử vong rất lớn ở nhóm người có bệnh nền như béo phì, COPD, cao huyết áp, tiểu đường, hay tuổi cao, nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
Bệnh cảnh lâm sàng rút lui khi tế bào vật chủ chế ngự được virus, tạo ra các hạt vùi nằm im trong cơ thể, lúc đó, lâm sàng hết các triệu chứng bệnh lý và coi như là đã khỏi bệnh.
Cũng như các virus khác, Sars-CoV-2 vẫn tồn tại trên toàn thế giới, nhưng sự lây lan của chúng bị hạn chế bởi sức đề kháng tự nhiên, từ miễn dịch do các lần nhiễm virus trước đó hoặc được tiêm vắc xin phòng ngừa trước, các biện pháp kiểm soát sức khoẻ cộng đồng và các loại thuốc chống virus dự phòng khác.
Coi Sars-CoV-2 là bệnh lý nhiễm virus theo thời vụ
Ở Việt Nam, bệnh lý do nhiễm Sars-CoV-2 xuất hiện từ tháng 1 năm 2020 và đã hoành hành gây chết hàng vạn người. Với sự điều chỉnh cách thức chống dịch; với sự cảnh giác của toàn dân cùng các biện pháp tích cực khác như tiêm văc-xin phòng bệnh, giữ vệ sinh môi trường, phòng chống lây lan… đến nay có thể nói đã chế ngự được dịch do Sars-CoV-2.
Cũng như các loại bệnh do vi sinh vật khác, dịp đổi mùa Xuân-Hè hay Thu-Đông là dịp khí hậu, môi trường, hoạt động của mặt trời, của vũ trụ… tác động rất xấu đến cơ thể mọi sinh vât thì cũng là dịp bùng phát các bệnh lý do virus nói chung và virus Corona nói riêng.
Trong các báo cáo mới nhất, hàng ngày có hàng trăm người được phát hiện ra nhiễm Sars-CoV… thực tế, nhiều hơn rất nhiều lần. Điều đó có thể gây hoảng loạn: Liệu Dịch bệnh Sars-CoV có quay trở lại không!? Dòng Sars-Cov lần này có thể biến dị thay đổi gene thành Sars-CoV-3, thậm chí Sars-CoV-4567 hay không? Có gây thảm cảnh giết người hàng loạt hay không?
Xin trả lời: Nếu chúng ta tương tác với thiên nhiên, với virus một cách thô bạo, chủ quan, duy ý chí, phản khoa học thì nguy cơ đó là có thật.
Nhưng cũng không thể nói một cách đơn giản võ đoán: Còn người nhiễm virus, còn người khởi bệnh do virus là còn dịch virus Sars-CoV được.
Đơn giản, theo định nghĩa phổ biến nhất về dịch bênh thì: Dịch bệnh Epidemic là sự lây lan nhanh chóng của một bệnh truyền nhiễm với số lượng lớn những người bị nhiễm trong một cộng đồng hoặc một khu vực trong vòng một thời gian ngắn, thường là hai tuần hoặc ít hơn.
Ví dụ, trong nhiễm não mô cầu, tỷ lệ mắc vượt quá 15 trường hợp trên 100.000 người trong hai tuần liên tiếp được coi là một vụ dịch.
Hiện nay, sự lây lan của Virus Corona là điều không thể tránh khỏi, chúng ta nên coi nó là bệnh lý nhiễm virus theo thời vụ, cứ đổi mùa Xuân-Hè hay Thu-Đông là có đợt bùng phát.
Bộ Y tế Việt Nam đã công bố Quyết định số 1113/2003/QĐ-BYT ngày 04 tháng 04 năm 2003 Quyết định về việc ban hành ”Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS” do Thứ trưởng Nguyễn Văn Thưởng ký.
Quyết định này hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS)" áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước, bán công, tư nhân, dân lập, có vốn đầu tư của nước ngoài.
Theo tôi, đây là quyết định chính xác, đầy đủ nhất để chúng ta cùng học tập, hiểu biết và tự mình thích ứng với bệnh lý do Virus Corona gây ra.
Bác sỹ Phạm Ngọc Thắng