Nhóm nghiên cứu Covid-19 của Đại học Boston (Mỹ) đã kết hợp protein gai của biến thể Omicron với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu, thử nghiệm trên chuột “để giúp chống lại các đại dịch trong tương lai”.
Phòng thí nghiệm Các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Đại học Boston ghi nhận, những con chuột nhiễm loại virus kết hợp trên đều trở nặng và tỷ lệ tử vong lên tới 80%. Trong khi đó, nhóm chuột chỉ nhiễm biến thể BA.1 Omicron có triệu chứng nhẹ và sống sót.
“Đây không phải là nghiên cứu tăng chức năng, có nghĩa là không khuếch đại hoặc làm cho chủng virus gốc có từ năm 2020 nguy hiểm hơn. Trên thực tế, chúng tôi làm cho virus tái tạo ít nguy hiểm hơn”, đại diện Đại học Boston tuyên bố.
Theo các tác giả, nghiên cứu trên cung cấp những hiểu biết quan trọng về khả năng gây bệnh của Omicron.
Tác giả chính, Mohsan Saeed, giải thích: “Phù hợp với các dữ liệu từng được công bố, công trình này cho thấy không phải protein gai thúc đẩy khả năng gây bệnh của Omicron mà là các protein virus khác. Việc xác định những protein đó sẽ dẫn đến chẩn đoán và chiến lược quản lý bệnh tốt hơn”.
Theo Boston Herald, nghiên cứu đã được Ủy ban An toàn Sinh học, Ủy ban Y tế Công cộng Boston xem xét và phê duyệt.
“Hơn nữa, nghiên cứu phản ánh và củng cố những phát hiện của một số phân tích tương tự của các tổ chức khác, bao gồm cả Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ. Cuối cùng, kết quả sẽ mang lại lợi ích công cộng bằng cách dẫn đến các can thiệp điều trị có mục tiêu, tốt hơn để chống lại các đại dịch trong tương lai”, Đại học Boston nói.
“Một hạn chế là việc sử dụng chuột để phân tích thay vì các mô hình linh trưởng có nhiều điểm tương đồng hơn với con người”.
Trò chơi với lửa
Tuy nhiên, Giáo sư Shmuel Shapira, nhà khoa học hàng đầu của Chính phủ Israel, khẳng định: “Nghiên cứu như vậy nên bị cấm hoàn toàn, họ đang đùa với lửa”.
Tiến sĩ Richard Ebright, nhà hóa học tại Đại học Rutgers ở New Jersey (Mỹ), nói với DailyMail: “Nếu chúng ta muốn tránh đại dịch do phòng thí nghiệm tạo ra, điều bắt buộc là phải tăng cường giám sát nghiên cứu tác nhân gây bệnh đại dịch tiềm năng tăng cường (ePPP)”.
Giáo sư vi sinh học David Livermore, Đại học East Anglia của Vương quốc Anh, nhận định: “Với khả năng cao đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ một loại virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm, những thử nghiệm này dường như không khôn ngoan”.
Trong loại hình nghiên cứu chức năng, virus được thay đổi để dễ lây nhiễm hoặc nguy hiểm hơn với hy vọng đi trước ngăn chặn các đợt bùng phát. Hình thức này đã bị tạm dừng từ năm 2014 tới 2017 ở Mỹ do lo ngại rằng có thể vô tình tạo ra đại dịch.
Khoảng 40 phòng thí nghiệm sinh hóa xử lý các loại virus nguy hiểm đang được xây dựng trên khắp thế giới.
Nhiều quốc gia muốn đi trước đón đầu đợt bùng phát dịch bằng cách nghiên cứu các mầm bệnh đe dọa con người. Các thí nghiệm thường liên quan đến tìm hiểu virus trên động vật để cải tiến phương pháp điều trị và vắc xin.
Nhưng có nhiều lo ngại rằng những hoạt động đó thực sự có thể làm tăng nguy cơ đại dịch - điều mà một số chuyên gia tin đã xảy ra trong trường hợp Covid-19.