LỜI TÒA SOẠN

Nếu như lực lượng công an điều tra thường xuyên được nhắc tên trong mỗi vụ án thì những người làm kỹ thuật hình sự được ví như người hùng thầm lặng ở phía sau. Họ là những người miệt mài ở hậu trường với những tử thi, mẫu vật, tài liệu… để hỗ trợ cơ quan điều tra phá án. 

Công việc của họ là gì? Cảm xúc, tâm lý của các chiến sĩ công an ở hậu trường như thế nào khi tiếp xúc với những vụ án gây rúng động? VietNamNet giới thiệu tuyến bài Nghề Kỹ thuật hình sự qua chia sẻ của các cán bộ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

Bài 1. Nghề khám nghiệm hiện trường: Những phát hiện 'rợn tóc gáy'

Mở đầu câu chuyện về nghề nghiệp của mình, Trung tá, TS. Đỗ Lập Hiếu giao hẹn trước: “Tôi không muốn kể khổ, không muốn tìm sự thông cảm, thương hại, càng không muốn gợi sự tò mò về công việc này. Đó là quan điểm xưa rồi!”.

Ở Trung tâm Giám định Pháp y, 70 - 80% công việc được thực hiện với người sống, gồm: Giám định thương tích, giám định tổn hại sức khoẻ, độ tuổi của người sống, giám định xâm hại tình dục, xác định giới tính… 

Thế nhưng, đa số mọi người chỉ hiểu pháp y nghĩa là mổ xác. Khi nhắc đến pháp y, Trung tá Hiếu hay gặp hai kiểu phản ứng. Với những người trong ngành y, họ sẽ rất tôn trọng những người làm pháp y, “tôn trọng đến bất ngờ” - ông nói. 

Còn người ngoài thường nhìn bằng cặp mắt tò mò. “Chúng tôi nhận được những câu hỏi: Anh tham gia vụ án nào, có ghê không, về nhà có ăn uống được không…?”.

Nhất là đôi khi về quê, một số người phần vì không hiểu, phần vì tò mò công việc này, hay hỏi những câu… khó trả lời. “Nhiều khi có người vô tư hỏi: Nay mổ được mấy xác rồi? Nghe có vẻ thiếu tôn trọng công việc của mình, nhưng tôi biết người ta không có ác ý”. 

Với tính cách hài hước vốn có, ông thường đáp lại: “Nay không mổ được xác nào nhưng em khám 10 ca thương tích trên người sống, trong đó có mấy ca đánh lộn nhau chỉ vì câu hỏi móc”. 

Còn với gia đình, Trung tá Hiếu tâm sự, những quan niệm từ người ngoài đôi khi vẫn tác động ít nhiều đến người trong nhà. “Người nhà vẫn kể là thấy người ta nói thế này, người ta nói thế kia, tức là vẫn bị chi phối bởi những điều người khác nói về nghề này. Và chính người thân của mình có lẽ cũng chưa hiểu biết hết về pháp y nên chưa giải thích, chia sẻ rõ được với người ngoài. 

Đôi khi, tôi vẫn bảo ‘người ta hỏi, em cứ nói anh làm pháp y bình thường’. Nếu người ta không biết pháp y là gì thì mình chia sẻ, còn nếu mình không có cơ hội chia sẻ thì họ sẽ tự tìm hiểu. Pháp y là một chuyên ngành của y học, có cả khám người sống và người chết, trong đó đa phần là người sống. Đối tượng nghiên cứu không phải chỉ có người chết”.

Nói về mình, Trung tá Đỗ Lập Hiếu thú thật: “Điều khiến tôi gắn bó với nghề cho đến bây giờ, đó là sự hứng thú và đam mê khi thấy công việc của mình giúp ích cho đời”. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố làm công chức, mẹ làm kinh doanh, gia đình có nền tảng tài chính tốt, bản thân có năng lực học tập, mọi thứ dưới con mắt của chàng thanh niên Hà Nội trôi qua khá nhẹ nhàng. 

“Hồi trẻ, khi nghĩ về nghề nghiệp tương lai, tôi thấy mình làm công chức cũng ổn, mà làm kinh doanh cũng tốt. Công an hay bác sĩ không phải là con đường tôi và gia đình định sẵn cho mình. 

Ngày ấy có câu ‘nhất y nhì dược’, tôi chọn thi Y đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội là để khẳng định bản thân. Nhưng cả tôi và bố mẹ đều không có quan niệm ra trường phải vào bệnh viện này kia cho bằng được. 

Tôi nộp hồ sơ vào Viện Khoa học hình sự để đợi biên chế vào Bệnh viện 198, Bộ Công an do có người quen bên Bệnh viện 198. Thời gian đầu, tôi vừa làm vừa tìm hiểu pháp y là gì, cũng xuất hiện sự băn khoăn ở lại Trung tâm Giám định pháp y hay sang Bệnh viện 198. Và khi cơ hội đến, tôi chọn ở lại. Có lẽ càng làm, công việc càng cuốn mình đi, khiến mình thấy gắn bó và say mê với nghề”.

Khi còn là sinh viên y khoa, bộ môn pháp y qua lời thầy giảng chỉ là những câu chuyện phá án, những thi thể trôi sông hay được khai quật lên để làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết… Tất cả kiến thức về pháp y chỉ được học lướt qua trong vòng 1 tháng. Chỉ đến khi về Trung tâm Giám định Pháp y, ông mới biết pháp y rất rộng và khám nghiệm tử thi chỉ là một mảng nhỏ. 

“Ví dụ một người đến để giám định pháp y, theo lời khai là bị đánh sưng thận, nhưng qua khám siêu âm, chụp X-quang thì thấy đó là một cái nang nước bẩm sinh. Vết đánh ngoài da vùng thắt lưng không để lại sẹo, không gây tổn thương bên trong. Như vậy, kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể qua giám định thương tích là 0% và người đánh có thể chỉ bị xử phạt hành chính thay vì bị truy tố. 

Hay trường hợp một đôi nam nữ đến gặp chúng tôi. Bên nữ tố bên nam hiếp dâm, mô tả rất chi tiết hành vi, nhưng bên nam nằng nặc phản đối. Bên nam bảo ‘chúng tôi yêu nhau, đó là quan hệ tự nguyện’. 

Chúng tôi tiến hành giám định pháp y kiểm tra cơ thể cô này, thấy trên cơ thể không có tổn thương, tại bộ phận sinh dục không dấu vết xâm hại, không có dấu hiệu tinh trùng trong âm đạo… Vậy không thể kết luận là có dấu hiệu quan hệ cưỡng ép. Cơ quan điều tra sẽ dựa vào kết quả kiểm tra giám định pháp y để đưa ra quyết định đảm bảo công bằng cho 2 bên”.

Trung tá Hiếu chia sẻ tiếp, có trường hợp, một người bị đánh 2 lần vào 2 thời điểm khác nhau và tử vong, nhưng nguyên nhân tử vong là do lần đánh nào thì cần phẫu thuật tử thi để xác định. Đôi khi lại do lần đánh đầu tiên. 

Hay có tình huống một người bị tai nạn giao thông. Xe gây tai nạn bỏ chạy. Nạn nhân nằm bất tỉnh trên đường, không biết đã chết hay chưa. Trời tối, một chiếc xe khác cán qua. Người này nghĩ mình đã gây tai nạn chết người, đi đầu thú. Nhưng khi khám nghiệm pháp y tử thi thì thấy nguyên nhân không phải ở thời điểm người này gây tai nạn. Cơ quan điều tra mở rộng hiện trường mới biết nạn nhân đã bị xe đâm trước đó và tử vong từ trước. 

“Như vậy, nếu không có kết quả khám nghiệm pháp y thì chúng ta đã hàm oan cho một con người”.

Chính vì thế, kết quả giám định thường gây ra tranh cãi hoặc các bên liên quan “không phục”. Có người muốn thay đổi kết quả theo hướng giảm nhẹ hoặc tốt lên tuỳ tình huống câu chuyện để có lợi cho họ. 

“Nhưng việc chúng tôi làm lúc nào cũng có 3 bên giám sát: Toà án, viện kiểm sát, công an. Bất cứ khi nào các bên thắc mắc, chúng tôi đều phải đưa ra câu trả lời dựa trên bằng chứng khoa học. 

Ví dụ, có người bảo người nhà họ bị trói tay ra đằng sau để đánh, vì thấy trên mu bàn tay có vết tím đen. Nhưng chúng tôi khẳng định đó không phải vết đánh, mà là dấu vết hình thành sau khi chết. Trong tư thế nằm, nạn nhân úp mu bàn tay xuống, máu sẽ ngấm vào các mô ở dưới da, do da không bị rách nên máu không thoát ra ngoài mà tạo thành các vết bầm màu tím gọi là vết hoen tử thi. Thế thì vết tím do bị đánh khác vết tím do máu lắng đọng như thế nào? Nếu cần, chúng tôi phải rạch ra để chứng minh. Nếu bị đánh thì máu sẽ bị vón cục, còn nếu là vết hoen hình thành sau chết sẽ không có máu cục, chỉ có máu chảy ra nhè nhẹ. 

Đó đều là kiến thức pháp y. Nó giúp cho tôi và các đồng nghiệp hiểu mình đang làm một công việc quan trọng, mang lại công bằng cho mọi công dân trước pháp luật”. 

Trung tá Đỗ Lập Hiếu tâm sự: “Về công việc khám nghiệm tử thi, trong vòng 5 năm đầu, ai cũng có những ấn tượng không ‘thuận’ lắm. Nhưng sau 5 năm, chúng tôi sẽ có những cách nhìn và cách xử lý công việc khác đi. Chúng tôi không nhìn vào những cái ghê sợ ấy nữa. Chúng tôi sẽ nhìn vào tử thi ở góc độ khoa học để tìm nguyên nhân chết, cơ chế chết hình thành thương tích, thời gian chết... 

Sau khi khép lại một vụ án, chúng tôi phải ‘cất’ những hình ảnh đó vào một ngăn ký ức của mình, sẽ không bao giờ quên nó nhưng không phải lúc nào cũng day dứt nghĩ về nó. Nếu cứ nghĩ mãi về những hình ảnh ghê rợn ấy, làm sao làm tiếp được!

Nhưng làm được thế bằng cách nào? Chẳng có cách nào khác, ngoài việc thay đổi tư duy, rồi kinh nghiệm và thời gian”.

Cũng có những lần khám nghiệm khiến những giám định viên “lão làng” thực sự hoang mang. 

“Đó là trường hợp vụ án 9 người chết vì chạy thận ở Hoà Bình năm 2017”, Trung tá Hiếu kể.

Gần như tất cả giám định viên của Trung tâm Giám định pháp y hôm đó đều xuống hiện trường trên chiếc xe 12 chỗ. Trung tá Đỗ Lập Hiếu được giao nhiệm vụ khám nghiệm một nạn nhân đã được đưa về nhà.

“Ngôi nhà nằm ở trên bản. Tôi phải khám nghiệm pháp y trong một gian nhà sàn, châu chấu bay đầy mặt. Xong việc, tôi quay lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình để hỗ trợ anh em khám nghiệm tiếp 8 nạn nhân nữa. 

Ở nước ngoài, người ta có nhà xác riêng để bảo quản - sáng làm một ca, chiều làm ca khác, lần lượt. Nhưng ở Việt Nam, hầu như việc khám nghiệm tử thi được thực hiện tại hiện trường, một số ít được chuyển về nhà xác bệnh viện. Công tác pháp y phải làm việc liên tục, vừa căng thẳng vừa gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Đó là một điều khiến chúng tôi day dứt. Nhưng cái day dứt nhất là khám nghiệm xong 9 thi thể vẫn chưa kết luận ngay được nguyên nhân chính xác là gì, chỉ biết là do bị trúng độc tập thể, vì còn phải làm thêm các xét nghiệm khác nữa. Vụ án đó, báo chí đã đưa tin nhiều, mãi về sau mới công bố nguyên nhân chết và nhiều người đã phải trả giá cho hành động của mình trước pháp luật”. 

Suốt cuộc trò chuyện, Trung tá Đỗ Lập Hiếu nhắc đi nhắc lại về sự may mắn của mình và các đồng đội ở Trung tâm Giám định Pháp y. 

“Rất may là chúng tôi được ‘làm đều tay’ cả người sống và người chết. Đó là yếu tố vô cùng quan trọng về mặt tâm lý và cảm xúc, giúp chúng tôi có sự thăng bằng”.

Cũng vì thế mà ông “rất thương” những đồng nghiệp ở ngành dọc của mình, tức là các bộ phận pháp y thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. “Từ năm 2013, họ chỉ được làm những công việc liên quan tới người chết. Cái đó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của những người trẻ mới vào nghề. 

Có những địa phương ít vụ việc, không bị công việc cuốn trôi thì có khi anh em cứ phải nhớ mãi những hình ảnh tử thi ấy. Đó là cái thiệt thòi của anh em pháp y ở địa phương mà tôi luôn ước có thể thay đổi”.

Trung tá Hiếu tâm sự, có 2 thời điểm ông bị dao động về con đường nghề nghiệp. 

Tốt nghiệp Y đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội - ngôi trường cạnh tranh nhất nhì cả nước, bạn bè ông sau nhiều năm, người làm bệnh viện lớn này, người ngồi phòng khám kia. Thời điểm ông đi học thạc sĩ và tiến sĩ là 2 thời điểm ông cảm nhận rõ nhất sự thiệt thòi của một bác sĩ pháp y so với các đồng nghiệp làm trong bệnh viện.

Như đã nói, ông may mắn có gia đình hậu thuẫn về mặt kinh tế nên không quá lo toan chuyện cơm áo. Tuy nhiên, việc chứng kiến các đồng nghiệp “kiếm tiền rất dễ” khiến ông không khỏi suy nghĩ. 

Cầm tấm bằng thạc sĩ trong tay, ông được thầy rủ về làm ở phòng khám, mỗi tháng thầy trả 30 triệu đồng. “Lương tôi lúc ấy hơn 10 triệu một chút, vừa được bổ nhiệm giám định viên sau 6 năm là trợ lý. Thầy còn hứa sẽ trả tiền cho đi học cao hơn, sau này về làm cho thầy hoặc xin vào đâu đó thì tuỳ. Lời mời quá hấp dẫn!”. 

“Thú thực là tôi có dao động”.

Nhưng cuối cùng, sau nhiều đắn đo, ông vẫn chọn ở lại. 

Lần thứ 2 là khi ông đi học tiến sĩ. 

“Ở bên ngoài, các bác sĩ cầm tấm bằng tiến sĩ trên tay sẽ khác hẳn, đang ngồi phòng 5m² sang phòng 10m² hoặc 20m² ngay… Những lời mời, các phúc lợi, chế độ, thu nhập… sẽ khác biệt”. 

Sau khi học tiến sĩ xong, ông cũng nhận được nhiều lời mời, nhưng cuối cùng ông vẫn tiếp tục công việc đang làm. Ông nói, mình may mắn khi có điều kiện để có thể “trấn tĩnh” trước những cơ hội hấp dẫn về thu nhập, để được làm công việc mà mình vẫn còn thấy có “lửa nghề” trong đó.

Trung tá sinh năm 1979 hài hước “khoe”, sau khi nhận bằng tiến sĩ, mặc dù thu nhập không tăng cấp số nhân như các bác sĩ làm ngoài ngành, nhưng ông lại đủ điều kiện để các trường và công an địa phương mời về giảng dạy - công việc ông đang dốc hết tâm huyết và kinh nghiệm. 

“Với sinh viên, tôi muốn quảng bá để thay đổi suy nghĩ của các em về pháp y. Còn với các bác sĩ pháp y ở địa phương, tôi đặt mục tiêu đào tạo và đào tạo lại”. 

Theo ông, cái yếu nhất của pháp y địa phương là thiếu sự cập nhật. 

“Cái đã học rồi nhưng không được thực hành thường xuyên thì sẽ bị mai một đi. Vì thế, học là để học thêm cái mới và nhắc lại cái cũ nữa. Nếu không, đến một ngày gặp cái đã học rồi nhưng lại như mới tinh”.

Với Trung tá Đỗ Lập Hiếu, nghề nào cũng có những vất vả và nỗi niềm riêng. Bác sĩ pháp y là một công việc đặc thù và gây tò mò. Nhưng với ông - một bác sĩ, một chiến sĩ công an nhân dân giống như bao đồng chí của mình, đó là nhiệm vụ. Nhiệm vụ thì phải hoàn thành. 

“Khám nghiệm tử thi, săn bắt cướp… những công việc chẳng ai thích nhưng phải có ai đó làm. Chúng tôi không làm thì cũng sẽ có người khác làm thôi”.

Ảnh: Nguyễn Thảo, NVCC

Thiết kế: Phạm Luyện