Tờ Washington Post ngày 23/10 cho biết, ở thời điểm hiện tại, đã có khoảng 23 triệu cử tri Mỹ tham gia bỏ phiếu sớm thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua thư điện tử. Đáng chú ý, số lượng cử tri Cộng hòa bỏ phiếu sớm đã tăng vọt so với năm 2020, giúp cựu Tổng thống Donald Trump chiếm ưu thế trước ngày bầu cử tháng 11.
Cụ thể, số cử tri Cộng hòa bỏ phiếu sớm trực tiếp chiếm 52% tại Nevada, lớn hơn nhiều con số 28% của đảng Dân chủ. Tại Arizona, có khoảng 500.000 cử tri đã đi bỏ phiếu sớm, và đảng Cộng hòa cũng nắm lợi thế. Ở bang Pennsylvania, đảng Dân chủ có 650.000 phiếu bầu sớm qua thư, trong khi đảng Cộng hòa nhận được 300.000 phiếu.
Truyền thông Mỹ cho biết, việc bỏ phiếu sớm giúp chiến dịch tranh cử của các bên tận dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bởi họ chỉ cần nhắm đến nhóm cử tri chưa tham gia bầu cử. Khác với cuộc bầu cử cách đây 4 năm, ông Trump đã bắt đầu thúc đẩy cử tri Cộng hòa đi bỏ phiếu sớm, nhằm làm giảm lợi thế của đảng Dân chủ trong hình thức bầu cử này.
"Tôi cần mọi người đến hòm phiếu trước ngày bầu cử, bởi họ sẽ tìm cách giữ chân các bạn ở nhà vào ngày đó", ông Trump nói trong sự kiện vận động ở Bắc Carolina ngày 21/10.
Theo kết quả thăm dò của RealClearPolitics, nếu xu hướng bỏ phiếu sớm không có gì thay đổi, ông Trump sẽ dẫn trước bà Harris ở nhiều bang chiến trường như Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, và Bắc Carolina.
Giới quan sát nhận định, xu hướng bỏ phiếu sớm thể hiện rõ rằng đảng Cộng hòa đã chú ý hơn vào vấn đề này so với 4 năm trước. Vào năm 2020, có khoảng 60% cử tri Dân chủ đã bỏ phiếu qua thư, trong khi con số của đảng Cộng hòa chỉ là 32%.
"Chúng ta dường như đang quay trở lại mạnh mẽ, hoặc đảng Dân chủ đang hoạt động kém hơn đáng kể. Nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận bất kỳ điều gì", ông Paul Bentz, cố vấn đảng Cộng hòa cho biết.