Quý độc giả có thể xem Đề thi vào lớp 10 Ngữ Văn của Hà Nội năm 2024 tại đây.
Nhận định về đề thi lớp 10 môn Ngữ Văn năm 2024 của Hà Nội, cô Nguyễn Thiên Hương, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Đống Đa, đánh giá, cũng như những năm trước, cấu trúc đề thi năm nay quen thuộc, các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh.
Phần 1 (6,5 điểm) lấy ngữ liệu đọc hiểu và viết đoạn nghị luận vă học từ văn bản “Đồng chí” trong chương trình Ngữ văn 9. Phần 2 (3,5 điểm) lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, hỏi các câu hỏi đọc hiểu và yêu cầu thí sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội.
“Với ngữ liệu từ bài thơ “Đồng chí”, một bài thơ vô cùng quen thuộc viết về đề tài người lính cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tôi là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, văn bản này có thể sẽ bất ngờ với nhiều thầy cô và học sinh, bởi đề tài người lính vừa có mặt trong đề thi năm 2023- 2024. Để làm tốt đoạn văn, học sinh cần nắm chắc kiến thức và có kỹ năng phân tích, lập luận để làm rõ hình ảnh người lính”.
Ngoài ra theo cô Hương, điểm hay của đề Văn năm nay nằm ở một số câu hỏi mở thuộc phần II như: “Theo em, có ích kỉ không nếu chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác? Vì sao?” hay “Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta”.
Đây là những nội dung gần gũi với học sinh lứa tuổi THCS. Với những câu hỏi này, các em có thể vận dụng những trải nghiệm của bản thân để làm bài. Đồng thời, đây cũng là những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao để phân loại học sinh khá rõ.
Cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Trần Phú (Phú Xuyên), đánh giá, đề Ngữ văn năm nay khá cơ bản, vừa sức với học sinh, mức độ phân hóa nhẹ nhàng. Cấu trúc đề tương tự mọi năm, gồm 2 phần là đọc hiểu, cảm thụ tác phẩm và nghị luận xã hội.
“Phần 1 mức độ đề khá nhẹ nhàng. Với các câu đọc hiểu, học sinh có thể dễ dàng kiếm được điểm nhờ vào tổng hợp kiến thức tiếng Việt. Ở câu Nghị luận xã hội, đề khá hay và phù hợp với thực trạng xã hội bây giờ.
Hiện nay, nhiều học sinh, đặc biệt những học sinh ở Hà Nội chỉ làm theo mong ước của bố mẹ khi thi vào trường chuyên, lớp chọn rất áp lực. Các em luôn phải sống theo mơ ước của người khác, nhưng giờ đây là lúc các em thể hiện và có thể sống theo ước mơ của mình”, cô Mai nói.
Với đề này, cô Mai cho rằng nhiều thí sinh có thể đạt được điểm 7-8. Thậm chí, với những học sinh chắc kiến thức và có kỹ năng lập luận nổi trội có thể đạt 9 điểm.
Cô Trần Thị Thành - giáo viên Văn Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, cho hay: “Đề đã bám sát đề định hướng của sở về bố cục và kiến thức; Cách ra đề truyền thống của Hà Nội nhưng có sự tiếp cận với mục tiêu môn văn của chương trình 2018".
Cụ thể, ở Phần I câu a, đó là quan tâm đến kĩ năng đọc hiểu, cảm thụ văn bản của học sinh. Tuy vậy, đề không làm khó thí sinh vì đề có nhiều câu hỏi về nghệ thuật của tác phẩm (câu 2&3 phần I) nhưng là kiến thức đã được học và yêu cầu của câu hỏi không khó. Với câu b, yêu cầu về viết đoạn văn vừa sức với học sinh trung bình khá, có học bài cẩn thận.
Phần 2, theo cô Thành, đề ra theo truyền thống, vấn đề gần gũi đời sống và dễ hiểu với lứa tuổi cuối cấp THCS. "Tóm lại, đề an toàn, đúng yêu cầu của chương trình hiện hành. Cách ra đề truyền thống nhưng có sự tiếp cận nhẹ nhàng, tự nhiên với chương trình 2018 mà các em sẽ học ở lớp 10. Nội dung đề vừa sức của học sinh. Cách hỏi phân loại được học sinh trung bình, khá và giỏi. Dự đoán phổ điểm từ 7 trở lên và điểm 10 không nhiều", cô giáo nhận định.
Trao đổi với VietNamNet, cô Phạm Thị Hoàng Lan - giáo viên Trường THCS Dịch Vọng Hậu, cho hay, cấu trúc đề thi cơ bản quen thuộc với học sinh, dạng đề không có quá nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, năm trước, đề thi phần nghị luận văn học vào tình đồng chí đồng đội của 3 cô gái thanh niên xung phong trong văn bản Những ngôi sao xa xôi nên có thể nhiều học sinh sẽ chủ quan với những văn bản viết về người lính, về tình đồng chí đồng đội nên có thể có những bất ngờ khi đọc đề.
Cũng theo cô Hoàng Lan, ở câu 1, phần 1, mức độ nhận biết cơ bản và liên hệ văn bản, học sinh sẽ không gặp khó khăn để liên hệ bài thơ có cùng thể thơ.
Câu 2 là một câu hỏi mang tính phân loại học sinh. Bởi đề bài yêu cầu xác định những cặp hình ảnh sóng đôi, nếu học sinh không đọc kĩ đề sẽ chỉ xác định một cặp hình ảnh. Nội dung yêu cầu hiệu quả nghệ thuật nếu học sinh không chắc kiến thức sẽ làm thiếu ý. Thang điểm 1.5 có thể nhiều học sinh khó đạt được.
Câu 3 là câu hỏi thông hiểu, không gây khó khăn cho học sinh, học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải thích.
Câu 4, câu viết đoạn văn có giới hạn khổ thơ khác biệt hơn so với đề thông thường, đề bài cho phần cuối của khổ 2 và khổ thơ thứ 3 nên có thể một số học sinh sẽ lúng túng khi mới đọc đề. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ học sinh sẽ xác định được đề bài yêu cầu cảm nhận về hình ảnh người lính trong tám dòng thơ.
Với yêu cầu đề này học sinh cần xác định, gọi tên được những khó khăn và vẻ đẹp của người lính, từ đó cảm nhận, phân tích và chứng minh qua hình ảnh thơ. Nếu học sinh không xác định được yêu cầu đề sẽ dễ sa đà và cảm nhận thơ chung chung và không làm nổi bật được yêu cầu đề.
Đưa ra nhận định câu 1, phần 2, cô Lan cho rằng, đây là dạng câu hỏi khá cơ bản và quen thuộc, kiến thức về các phép liên kết học sinh học trong học kỳ 2 và được thực hành nhiều nên câu hỏi không gây khó khăn cho học sinh.
Câu 2 là dạng câu hỏi mở, học sinh có thể trình bày ý kiến, quan điểm của mình và cần lý giải thuyết phục.
Câu 3 viết đoạn nghị luận xã hội tập trung yêu cầu thí sinh đưa ra được cách ứng xử phù hợp trước những mong đợi của những người thân, yêu học sinh cần đưa ra được quan điểm về cách ứng xử phù hợp và lập luận thuyết phục về cách ứng xử đó đồng thời cần có tư duy phản biện để bảo vệ quan điểm cá nhân.
>>>Tra cứu điểm thi vào lớp 10 năm 2024 nhanh trên VietNamNet<<<