Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội năm 2024:

W-438328778_797802448995312_2044745013224964106_n.jpg

VietNamNet xin giới thiệu đáp án tham khảo môn Ngữ văn thi lớp 10 Hà Nội năm 2024 (thực hiện bởi Tuyensinh247)

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Cách giải:

- Bài thơ Đồng chí được viết theo thể thơ tự do.

- Văn bản trong chương trình Ngữ Văn 9 được viết cùng thể thơ: (Học sinh có thể tùy chọn 1 tác phẩm trong chương trình học có thể thơ tự do. Sau đây là gợi ý)

+ Tác phẩm Nói với con của tác giả Y Phương.

Câu 2. Cách giải:

- Cặp hình ảnh tương ứng tạo nên sự sóng đôi trong đoạn trích:

   Quê hương anh - làng tôi; nước mặn đồng chua - đất cày lên sỏi đá 

- Tác dụng: Nghệ thuật sóng đôi cho thấy được sự đồng điệu trong hoàn cảnh của những người lính, họ hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của nhau. Anh với tôi đều ra đi từ những làng quê nghèo khó, cùng chung hoàn cảnh xuất thân. 

Câu 3. Cách giải:

Giá trị biểu đạt của từ “đôi” trong câu “Anh với tôi đôi người xa lạ”: 

- "Đôi" là hai, luôn có sự xuất hiện song hành và không tách rời.  

- Từ đôi đặt giữa câu thơ giữa hai cụm "anh và tôi" và cụm "người xa lạ" cho thấy những người đồng chí từ chỗ không quen biết, xa lạ với nhau nhưng họ vẫn có sợi dây gắn kết vô hình: chung hoàn cảnh, chung lí tưởng, chung mục đích. Họ luôn đồng hành, kết đôi, từ "đôi" góp phần khẳng định sự gắn bó khăng khít của những người lính.

Câu 4. Cách giải:

Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 15 câu theo phép lập luận quy nạp, có sử dụng thành phần tình thái và thán từ. Bài làm không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được hình ảnh người lính. Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý:

1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Hình ảnh người lính trong tám dòng thơ cuối bài.

2. Thân đoạn

- Những người lính luôn đồng cam, cộng khổ với nhau:

+ Áo rách vai, quần có vài mảnh vá, chân không giày => Cuộc sống vô cùng thiếu thốn, khó khăn.

+ Sự khắc nghiệt của khí hậu núi rừng -> nhưng họ đã vượt lên nhờ tinh thần lạc quan cách mạng, sự ấm áp của tình đồng chí.

- Là niềm yêu thương, gắn bó sâu nặng họ dành cho nhau: Hình ảnh “tay nắm bàn tay”: 

+ Chất chứa bao yêu thương trìu mến. Họ sẵn lòng chia sẻ khó khăn khó khăn cùng nhau.

+ Chứa đựng cả những khao khát bên người thân yêu.

=> Chính tình đồng chí chân thành, cảm động và sâu sắc đã nâng đỡ bước chân người lính và sưởi ấm tâm hồn họ trên mọi nẻo đường chiến đấu.

- Sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí: Được xây dựng trên nền một hoàn cảnh khắc nghiệt:

+ Thời gian, không gian: rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo.

+ Không khí căng thẳng trước một trận chiến đấu. Trước mắt họ là cả những mất mát, hi sinh không thể tránh khỏi.

-> Tâm hồn họ vẫn bay lên với hình ảnh vầng trăng nơi đầu súng.

-> Họ vẫn xuất hiện trong tư thế điềm tĩnh, chủ động “chờ giặc tới”.

=> Nhờ tựa vào sức mạnh của tinh thần đồng đội. Họ “đứng cạnh bên nhau” và trở thành một khối thống nhất không gì lay chuyển nổi.

- Sức mạnh tình đồng chí còn được thể hiện qua một hình ảnh thơ độc đáo, đầy sáng tạo: “Đầu súng trăng treo”:

+ Vốn là một hình ảnh thơ được cảm nhận từ thực tiễn chiến đấu. Song hình ảnh này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng phong phú:

Gợi liên tưởng: chiến tranh - hòa bình, hiện thực - ảo mộng, kiên cường – lãng mạn, chất chiến sĩ – chất thi sĩ.

Gợi vẻ đẹp của tình đồng chí sâu sắc. Sự xuất hiện của vầng trăng là một bằng chứng về sức mạnh kì diệu của tình đồng đội. 

Gợi vẻ đẹp của tâm hồn người lính – một tâm hồn luôn trong trẻo, tươi mát dẫu phải băng qua lửa đạn chiến tranh.

Gợi vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt Nam – một bàn tay giữ chắc cây súng mà trái tim luôn hướng đến những khát vọng thanh bình.

3. Kết đoạn: Khái quát lại hình tượng người lính.

W- le quy don ha dong.jpg
Nữ sinh vỡ òa cảm xúc sau môn thi Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội năm 2024. Ảnh: Phạm Hải

Phần II:  LÀM VĂN (3,5 điểm)

Câu 1. Cách giải:

Học sinh lựa chọn 1 phép liên kết và trình bày. Sau đây là gợi ý:

Phép liên kết: lặp – “không sống để đáp ứng mong đợi của người khác”

Câu 2. Cách giải:

Học sinh đưa ra quan điểm cá nhân và đưa ra lí giải phù hợp. Sau đây là gợi ý:

Theo em, sẽ không ích kỷ khi nói rằng: “chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác”, vì:

+ Mỗi người có một cuộc sống riêng, một hành trình riêng, một ước mơ riêng cần hướng đến. Vì vậy, mỗi người sẽ lại tự đặt cho mình những tiêu chí khác nhau, không ai giống ai

+ Nếu luôn sống để đáp ứng mong đợi của người khác, chúng ta sẽ mãi trở thành cái bóng, không được làm chính mình. Cứ mãi chạy theo những mong đợi của người khác, dần dần chúng ta sẽ mất đi bản sắc vốn có của bản thân

Câu 3. Cách giải:

Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng ⅔ trang giấy thi, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận: Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu

Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý:

1. Giải thích

- Ứng xử là: là cách thể hiện thái độ, hành vi hay chính là sự giao tiếp, xử sự giữa con người với con người. Thông qua đó, hình thành sự thiết lập mối quan hệ giữa mọi người.

- Mong đợi: là hy vọng, mong muốn điều gì đó tốt đẹp cho những điều sắp xảy ra.

→ Ứng xử trước mong đợi của những người thân yêu: là cách suy nghĩ, hành động và xử sự của bản thân trước những kì vọng mà người thân chờ mong ở chúng ta.

2. Phân tích

- Trước những mong đợi của những người thân yêu, ta cần có những ứng xử phù hợp, thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu và tôn trọng họ:

+ Lắng nghe và thấu hiểu: Dành thời gian để lắng nghe những gì người thân yêu chia sẻ, quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của họ.

+ Giao tiếp cởi mở và chân thành: Chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân với người thân yêu một cách cởi mở và chân thành.

+ Kiên nhẫn và bao dung: Hiểu rằng mỗi người đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng.

+ Tôn trọng và trân trọng: Tôn trọng những giá trị, quan điểm và niềm tin của người thân yêu, dù có khác biệt với bản thân.

Học sinh tự lấy dẫn chứng phù hợp.

- Phản đề: Tuy nhiên, có những mong đợi của người thân dù ta đã cố gắng thấu hiểu, lắng nghe nhưng sự khác biệt về quan điểm đôi khi sẽ khiến chúng ta cư xử không đúng mực. Những lúc này, hãy bình tĩnh, chia sẻ quan điểm cá nhân và chứng minh được rằng mong đợi của người thân dù xuất phát từ ý tốt nhưng có thể nó không thực sự phù hợp với bản thân mình.

3. Kết đoạn 

- Tổng kết lại quan điểm của bản thân về ứng xử trước mong đợi của những người thân yêu

- Liên hệ bản thân.

Chiều nay, các thí sinh tiếp tục làm bài thi Ngoại ngữ trong thời gian 60 phút. Sáng mai (9/6), thí sinh dự thi môn Toán với hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút.

Điểm xét tuyển lớp 10 = (Điểm Toán + Điểm Văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên.

Những thí sinh đăng ký vào các lớp chuyên sẽ thi thêm ngày 10/6.

Dự kiến chậm nhất ngày 2/7, Hà Nội sẽ công bố điểm thi. Điểm chuẩn lớp 10 của Hà Nội được công bố vào ngày 6-9/7. Thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học từ ngày 10-12/7. Ngày 19-22/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung.

Năm nay, khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9. Trong đó, gần 110.000 em đăng ký thi vào lớp 10 công lập. Số học sinh được vào học tại các trường công lập là 81.000 em, tương đương 61% tổng số học sinh tốt nghiệp. Các trường tư thục sẽ tuyển khoảng 30.000 em. Ngoài ra, học sinh có thể theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.

lichthi.jpg

>>>Tra cứu điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 chính xác trên VietNamNet<<<