Lời tòa soạn:

Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 - Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Tuy nhiên, áp lực gia tăng từ các quy định liên quan đến môi trường ngày càng khắt khe của các nước phát triển đang hối thúc Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam phải nhập cuộc nhanh, mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Loạt bài Đồng Nai vào cuộc đua Net Zero do VietNamNet thực hiện thể hiện quyết tâm của địa phương trong chuyển đổi sang sản xuất xanh, hướng tới phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ.

“Mình lấy của đất cái gì thì phải trả lại cho đất cái đó. Đất khoẻ, con người cũng khoẻ”, ông Lý Minh Hùng - Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình mở đầu khi giới thiệu về mô hình nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn của HTX cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Hùng cũng là một trong những nông dân ở tỉnh Đồng Nai bước vào cuộc đua tới Net Zero. Bởi, nếu không chuyển đổi, chỉ vài năm nữa thôi sản phẩm nông sản khó xuất khẩu do các thị trường dần áp dụng tiêu chuẩn xanh và bền vững trên hàng hoá.

Trước kia, gia đình ông Hùng trồng chuối. Khi đó người xung quanh trồng chuối thế nào, thì ông cũng làm vậy.

“Thấy vườn bên cạnh vô thuốc bảo vệ thực vật, vô phân bón hoá học thì mình cũng làm”, ông Hùng kể. Lâu dần đất bạc màu, phải bón nhiều phân thuốc hơn, tồn dư lượng lớn trong đất, ô nhiễm môi trường. Giá chuối cũng bấp bênh, đầu ra không đảm bảo.

Không muốn chịu mãi cảnh như vậy, ông bắt đầu suy ngẫm về bài toán đau đầu này. Rồi ông quyết định làm ăn lớn!

Ông Hùng liền tập hợp các hộ dân góp vốn thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (Trảng Bom, Đồng Nai) để sản xuất chuối hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn.

HTX đang có 320ha diện tích đất trồng chuối. Từ lá, quả, đến thân, vỏ, bẹ chuối… đều được tận dụng triệt để làm ra các sản phẩm, gần như không bỏ thứ gì.

Ông Hùng hào hứng cho biết, quả chuối đủ chuẩn được đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu, châu Á… Có tháng HTX xuất đi gần 200 container hàng. Những quả có mẫu mã xấu ông đưa vào làm tinh bột, chuối sấy.

Vỏ chuối đem ủ phân hữu cơ, lá chuối tạo lớp mùn cho đất tơi xốp. Cùi buồng chuối cũng được tận dụng để sản xuất chén, bát… Phần bẹ chuối đem làm xơ, sợi, hoặc đơn giản là phơi khô đem bán với giá 8.000 đồng/kg. Đây chính là phần tạo ra giá trị gia tăng từ cây chuối nhưng lại thân thiện môi trường.

Ông Hùng giới thiệu về cánh đồng chuối hữu cơ của HTX. Ảnh: Nha Mẫn/Dân Việt.
 

Ở nước ngoài, sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên, tuần hoàn áp dụng công nghệ khoa học đã được thực hiện từ lâu. Vòng tròn giá trị này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

“Năng suất chuối hữu cơ chỉ tương đương với sản xuất theo phương thức cũ”, ông Hùng khẳng định. Song, chi phí sản xuất thấp hơn nhiều, đầu ra luôn đảm bảo. Thực tế, thời điểm dịch Covid-19, HTX vẫn xuất khẩu chuối sang các thị trường, không có tình trạng ùn ứ hay dư thừa. Còn giờ thì không đủ hàng bán cho khách.

Những năm gần đây, tuỳ vào giá chuối và năng suất, 1ha cho doanh thu khoảng 600-700 triệu đồng. Trừ đi chi phí, lãi khoảng 250-270 triệu đồng/ha khi tận dụng phế phẩm làm các sản phẩm giá trị gia tăng. Theo đó, có những xã viên đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

“Quan trọng hơn, làm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn tốt cho hệ sinh thái, nguồn đất và nước không bị ô nhiễm. Đây là yếu tố bền vững, không chỉ cho thế hệ chúng ta mà còn cho mai sau”,ông Hùng chia sẻ.

Những mô hình nông nghiệp hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Hoàng Anh

Tại Long Khánh (Đồng Nai), anh Vương Thành Lam cũng hào hứng khoe với phóng viên về vườn măng cụt hữu cơ tươi tốt rộng gần 1ha của gia đình mình. 

Vườn cây này đã được ba anh trồng từ năm 1998. Cách đây 5 năm, từ phương thức canh tác truyền thống sử dụng rất nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học (những thứ gây tác động tới môi trường, hiệu ứng nhà kính - PV), anh đã chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.

Cũng bởi vậy, thảm cỏ xanh mướt trong vườn không đơn giản chỉ là cỏ dại, chúng mang những ý nghĩa kỳ diệu. Anh nói: “Trời nắng nóng như hiện nay, thảm cỏ có tác dụng giữ ẩm cho đất, giúp tiết kiệm lượng đáng kể nước tưới cho cây”. Trong vườn, anh Nam còn lắp đặt hệ thống tưới tự động, tính toán lượng nước vừa đủ, tránh lãng phí.  

Cứ thế, vào mùa nắng cỏ được giữ lại, phủ xanh bề mặt đất trong vườn. Trước và sau mùa mưa, cỏ được phát sạch đi giúp bề mặt đất thông thoáng, thoát nước tốt, đồng thời cỏ hoai mục sẽ thành lớp mùn làm đất tơi xốp, tốt cho cây trồng.

Đây là mối quan hệ tương sinh, thuận tự nhiên mà ông bà ta đã áp dụng nhiều đời nay. Nên khi hỏi về nông nghiệp xanh giảm phát thải khí nhà kính hay Net Zero, anh Nam cười rồi lắc đầu nói “không biết”. 

Theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ, lý do đơn giản của anh là muốn trồng ra loại măng cụt đạt chất lượng cao, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng và tốt cho môi trường, tái tạo tài nguyên đất đã bị cằn cỗi trước đó.

“Làm hữu cơ năng suất măng cụt ổn định, không còn tình trạng mất mùa”. Anh nói và khoe, đầu mùa các nhà vườn chỉ bán măng cụt 80.000 đồng/kg, hàng của anh bán tới cả 100.000 đồng vẫn đắt khách. Ngoài cửa hàng ở TP.HCM, Hà Nội… đặt mua, anh còn xuất khẩu sang Anh, Australia và New Zealand. 

Không chỉ tốt cho môi trường, nông sản hữu cơ còn bán được giá cao, thị trường đón nhận. Ảnh: Hoàng Anh

Với nhiều nông dân, khái niệm “Net Zero” hay “nông nghiệp xanh giảm phát thải” còn rất mới mẻ. Song, theo ông Lý Minh Hùng, các nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Ông đi sang Mỹ, Đức và nhiều quốc gia khác, hàng hoá của họ đã áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, thân thiện môi trường. 

Những thứ này, ông hay nói với bà con nông dân trong HTX là “nhãn xanh”. Nếu chúng ta không thay đổi, chỉ một thời gian nữa, chuối nói riêng hay sản phẩm nông sản nói chung sẽ khó xuất khẩu vào những thị trường này.

Với vùng trồng chuối rộng 320ha theo tiêu chuẩn hữu cơ và tuần hoàn, ông dự tính sẽ làm “nhãn xanh” cho các sản phẩm của HTX. Đồng thời, bán tín chỉ carbon từ vườn chuối. 

“Sản phẩm của mình phải như cô gái đẹp, thanh tú mà ai cũng thích. Còn bán tín chỉ carbon là phần giá trị gia tăng, là động lực thúc đẩy người nông dân sản xuất xanh, bền vững”, ông Hùng nhấn mạnh.

Những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn ở Đồng Nai thời gian tới sẽ bán tín chỉ carbon. Ảnh: Hoàng Anh

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết, lĩnh vực nông nghiệp cũng có phát thải lượng khí carbon nhất định vào môi trường. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại hình sản xuất nông nghiệp mà hệ số phát thải khí thải nhà kính khác nhau. 

Với sự cam kết, quyết tâm của Chính phủ, của các cấp chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng vào cuộc đua tới Net zero. 

“Mục tiêu hướng tới là cân bằng lượng carbon giữa hấp thụ và phát thải”, ông Sinh nói. Thực tế, thời gian qua có rất nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; quản lý chặt chẽ tài nguyên rừng… đều là hướng sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải khí carbon.

Hiện, tình trạng thâm dụng đầu vào hoá chất nông nghiệp đã giảm, hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất tăng. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt 45,5%; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng gần 59.754 ha, chiếm gần 31,27% tổng diện cây trồng chủ lực của tỉnh. Hơn 1.400 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều. Có những mô hình cho thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai còn có 200 nghìn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng gần 172,5 ngàn ha (rừng tự nhiên và rừng trồng).

“Rừng ở Đồng Nai có đặc điểm giàu cây xanh, độ che phủ cao. Hàng năm, tỉnh chi ngân sách lớn cho bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng”, ông nói và cho biết, với diện tích rừng lớn, sinh khối nhiều, việc tạo ra tín chỉ carbon là tiềm năng để có nguồn thu tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện cuộc sống người trồng rừng và giúp cân bằng lượng khí thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hóa. 

Sở NN-PTNT đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, phối hợp với Công ty Tập đoàn ECOTREE về xây dựng Đề án thí điểm tín chỉ carbon thương mại rừng trồng, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, ông Sinh cho hay.

Đồng Nai quan niệm xanh là xu thế tất yếu. Mọi sự thay đổi có thể khó khăn với người nông dân, HTX cũng như doanh nghiệp nông nghiệp. Nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn khi xu hướng tiêu dùng liên tục biến chuyển. Gieo mầm xanh, tạo nên mùa vàng bội thu. Tương lai, người nông dân không chỉ bán sản phẩm nông sản mà còn bán được cả tín chỉ carbon. 5-10 năm trước, đó là điều viển vông, xa vời. Nhưng bây giờ, điều này trở nên rất thực tế!

Thiết kế: Phạm Luyện

Bài tiếp:Chỉ cần trễ một nhịp, doanh nghiệp sẽ mất nhiều cơ hội!