Trưa 12/12, ông Nguyễn Văn Công - chủ một trang trại chăn nuôi quy mô vài nghìn con lợn ở Sơn La, khoe với VietNamNet giá lợn hơi tăng tiếp. Hôm nay, ông xuất bán 50 tấn với giá 64.000 đồng/kg.
Cách đây hơn 1 tuần, ông Công cũng bán lứa lợn với giá 61.000 đồng/kg, lãi khoảng 600.000 đồng mỗi con sau khi trừ các khoản chi phí. Còn hôm nay, lợi nhuận trung bình khoảng 1 triệu đồng/con.
“Năm nay, ngoại trừ dịp đầu năm giá lợn khá thấp, còn lại đều neo ở mức cao nên người chăn nuôi nhìn chung đều có lãi. Trang trại của tôi chăn nuôi quy mô khá lớn, ước lãi cũng trên dưới 5 tỷ đồng”. Ông tiết lộ, thời điểm này thị trường bắt đầu vào vụ làm hàng Tết, lợn hơi rất dễ bán, giá lại đang xu hướng tăng.
Dù khó tăng đột biến như hồi giữa năm, nhưng ông Công dự đoán chắc chắn giá mặt hàng này sẽ nhích lên và neo ở mức cao do nhu cầu từ thị trường tăng.
Tương tự, một số doanh nghiệp chăn nuôi cũng dự báo giá lợn hơi có thể tăng lên 68.000-70.000 đồng/kg khi thị trường vào cao điểm tiêu thụ dịp cận Tết Nguyên đán.
Ngày 12/12, giá lợn hơi tiếp tục tăng, dao động từ 61.000-65.000 đồng/kg. Khu vực miền Bắc ghi nhận mức giá lợn hơi cao nhất cả nước, trong đó có nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang,... giá vọt lên 65.000 đồng/kg.
“Giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua liên tục được điều chỉnh giảm nên giá thành sản xuất lợn hơi cũng giảm theo. Do đó, người chăn nuôi có thể thu lãi hàng triệu đồng mỗi con khi xuất bán vào dịp cận Tết này”, ông Nguyễn Văn Công nói thêm.
Theo Bộ NN-PTNT, tổng đàn lợn cả nước tháng 11/2024, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá lợn hơi duy trì ở mức cao đã khuyến khích các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và các hộ nuôi nhỏ lẻ khôi phục, mở rộng đàn.
Từ đầu tháng 11, giá lợn hơi tăng ở hầu khắp các địa phương trên cả nước và duy trì ở mức cao. Đến 30/11, giá lợn hơi trên cả nước dao động từ 60.000-64.000 đồng/kg.
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), từ nay đến cuối năm, kể cả vào dịp Tết Nguyên đán 2025, khi nhu cầu thịt lợn tăng khoảng từ 10-15%, chúng ta vẫn đảm bảo tốt nguồn cung từ sản xuất thịt lợn trong nước.
“Trước đó, chúng tôi khuyến cáo 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn trên toàn quốc mở rộng quy mô sản xuất để đảm bảo nguồn cung”, ông nhấn mạnh. Còn với nông hộ chăn nuôi, khi vào đàn hoặc tăng đàn phải đảm bảo nguồn giống an toàn, sạch bệnh và chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học để nuôi giữ đàn lợn.
Bộ NN-PTNT dự báo, nguồn cung lợn sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Song, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá heo hơi có thể duy trì ở mức cao và chỉ giảm trở lại vào năm 2025.
Trái với giá thịt trong nước, giá mặt hàng này nhập khẩu về thị trường Việt lại rất rẻ.
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 703.610 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,42 tỷ USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 đạt 84.490 tấn, giá trị 191,6 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, giá trung bình nhập khẩu mặt hàng thịt lợn chỉ ở mức 2.262 USD/tấn (khoảng hơn 56.000 đồng/kg), giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung thịt lợn cho Việt Nam đến từ 40 thị trường trên thế giới. Trong đó, nhập khẩu từ Brazil chiếm 39,3% tổng lượng thịt lợn ngoại nhập, từ Nga chiếm 29,9%, từ Canada chiếm 7,5%, Đức chiếm 6%, Hà Lan chiếm 4%...