LỜI TOÀ SOẠN

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), VietNamNet xin gửi đến độc giả tuyến bài "Gene di truyền: Tiếp bước và tỏa sáng". Đây là câu chuyện về những gia đình với nhiều thế hệ, thành viên cùng khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Khi đó, cha mẹ đã trở thành người thầy lớn, là người tiên phong, mở đường và những người con không chỉ chọn cách tiếp bước mà còn mang trọng trách tiếp tục phát triển, tỏa sáng.

Bài 1: Chuyện nhà 3 đời làm nghề y và áp lực của thế hệ mang tiếng có 'ô của mẹ'
Bài 2: Chuyện cha con phẫu thuật viên nổi tiếng và bước tiến dài của thế hệ truyền nhân

“Tôi sinh Ngọc Lan ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), nơi mà tôi gắn bó và làm việc gần 40 năm. Lúc sinh, con bé nặng 3,5 kg và trắng tươi”, Giáo sư, bác sĩ Phượng trìu mến kể. Chỉ một tháng sau, bác sĩ Phượng quay lại làm việc thay vì chọn nghỉ ngơi. Ngay từ thời trẻ, sức làm việc của bà đã khiến không ít người phải… lắc đầu. 

Những năm tháng đó, hình ảnh bác sĩ Phượng dắt 3 con gái nhỏ líu ríu mỗi ngày trở nên quen thuộc ở Bệnh viện Từ Dũ (đặc biệt sau năm 1975, khi bác sĩ rất thiếu còn bệnh nhân lại quá đông). Tuổi thơ của chị em Ngọc Lan tràn ngập hình ảnh áo blouse của mẹ và các cô chú. Buổi trưa, các con ăn cơm bệnh viện. Buổi tối mẹ đi trực, ba cái đuôi nhỏ líu ríu theo sau. 

Có hôm tối muộn, phòng mổ gọi, mẹ dặn 3 chị em ở yên trong phòng trực bác sĩ. Nhưng vì sợ ma, bọn trẻ lại theo chân mẹ,  chờ đợi bên ngoài bậc cửa. “Các con lớn dần và hoàn toàn tự lập, chúng bảo ban nhau học hành, ứng xử. Thời gian của tôi, hầu hết dành cho công việc, đi công tác suốt ngày”, bác sĩ Phượng nhớ lại. 

Có lần, sắp đến kỳ thi đại học của cô con út, bà giật mình lo lắng vì không thấy con ôn bài. Ngọc Lan nói: “Má đừng lo, tụi con biết phải làm gì”. Thế rồi, em gái út đậu đến 3 trường đại học, chị cả và Ngọc Lan đều thi đậu y khoa rồi trở thành bác sĩ.

Không nhiều người biết, GS Phượng còn một người con gái nuôi cũng theo nghiệp y. Đó là Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Nhung. Chị Nhung từng đi tu nghiệp ở Pháp về tâm lý trẻ em. 

“Từ nhỏ, hai nhà gần nhau nên Nhung chơi với chị em Ngọc Lan rất thân thiết. Ba mất khi Nhung còn nhỏ, sau này mẹ lại ốm nặng. Trước khi qua đời, mẹ của Nhung làm mâm cơm để Nhung làm con nuôi tôi. Mọi việc học hành, hôn nhân do má Phượng sắp xếp. Vậy rồi sau này, Nhung cũng là bác sĩ”, GS Phượng kể.

Khi được hỏi về quyết định theo nghề y của các cô con gái có phải do mẹ định hướng, Giáo sư Phượng tâm sự: “Năm Lan thi đại học, nó nói nhìn xung quanh không biết làm nghề gì vì hồi nào đến giờ theo má hoài, chỉ quen mỗi nghề bác sĩ. Thế là Lan thi và đậu vào trường y. Ra trường, Lan chọn theo nghề mẹ về Bệnh viện Từ Dũ. Có điều, tôi là một người nghiêm khắc với học trò, là mẹ lại càng nghiêm khắc hơn. Lan không hề dựa dẫm”.

Những tháng năm đó, trên đôi vai bác sĩ Phượng là khối lượng công việc khó có thể tưởng tượng được: Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Viện trưởng Viện Tim TP.HCM, Phó chủ tịch MTTQ thành phố, Đại biểu Quốc hội từ năm 1982 đến 1997, Hội Sản phụ khoa Việt Nam… Nhưng gian truân nhất là những bước đi kiên trì để đặt nền móng cho kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (TTON) tại Việt Nam, mà vì thế, người ta từng nói “Bà Phượng không bình thường”.

Khoảng năm 1994, GS Phượng được bổ nhiệm là Giáo sư sản phụ khoa của Đại học Y khoa Nice Sophia Antipolis (Pháp) và sang giảng dạy trong 12 tháng. Tại đây, bà quan sát, tìm hiểu cách người ta triển khai TTON. Bà nhận thấy, TTON “trong tầm tay của bác sĩ Việt Nam”. 

Bà trích phần lớn lương giáo sư giảng dạy khi đó (17.000 france/tháng) để đặt máy móc, trang thiết bị dùng cho TTON, nhập về Bệnh viện Từ Dũ.

Về Việt Nam, bà tiếp tục đưa một đoàn công tác của Bệnh viện Từ Dũ sang Pháp để mở mang về thụ tinh ống nghiệm. Sau đó, bà báo cáo kế hoạch triển khai TTON với Sở Y tế TP.HCM, UBND TP và Bộ Y tế. Bộ Y tế cử một đoàn chuyên gia vào Bệnh viện Từ Dũ. Sau buổi thuyết minh của bác sĩ Ngọc Phượng, mọi người ký tên đồng ý. 

Song song với chuẩn bị về quy trình và pháp lý, Bệnh viện Từ Dũ cử bác sĩ đi nước ngoài học tập. Năm 1997, bà mời đoàn chuyên gia Pháp sang hỗ trợ cho đợt TTON đầu tiên.

Bác sĩ Ngọc Lan với năng lực tiếng Anh tốt là người lo bệnh án của các cặp vợ chồng tham gia TTON, phụ trách trao đổi thông tin với đoàn chuyên gia Pháp. Cũng nhờ thế, chị tham gia quan sát và ghi chép lại hầu hết các công đoạn như kích thích buồng trứng, cho thuốc, chọc hút trứng.

“Thực ra, lúc đó không ai muốn làm cả, con mình thì mình bảo dễ hơn”, GS Phượng thú thật.

Những em bé chào đời từ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Khoảng 30 trường hợp được thực hiện TTON trong đợt này. Sau khi chuyển phôi 2 tuần, người bệnh sẽ thử thai. Nhưng sau đó là liên tiếp các cuộc điện thoại báo: “Tôi có kinh nguyệt rồi bác sĩ ơi”, khiến bác sĩ Phượng, Ngọc Lan và mọi thành viên của kíp TTON vô cùng buồn rầu.

“Tóc tôi bạc hết, tinh thần xuống lắm”, GS Phượng kể.

“Vào những năm 1998, thụ tinh ống nghiệm là một điều vô cùng lạ lẫm ở Việt Nam. Rất ít người ủng hộ vì cho rằng em bé sinh ra trong ống nghiệm sẽ phát triển không bình thường, dị tật. Ca thành công đầu tiên là một cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, lấy nhau đã nhiều năm. Người vợ bị lao màng bụng, cả hai ống dẫn trứng bị tắc. 

Ê-kíp đang rất buồn bã vì các ca trước đều báo thất bại do mình không kiểm soát được hết các quy trình, thì chị ấy báo có thai. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, sung sướng lạ kỳ”, PGS Ngọc Lan nhớ lại cảm giác ngày đầu. 

Thế rồi ngày 30/4/1998, ba em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam đã chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ, đánh dấu bước ngoặt lớn lao của y khoa Việt Nam.

Cuối năm 2023, hai bác sĩ Việt Nam được mời và đã tham gia biên soạn một chương của "Textbook of Assisted Reproductive Techniques, Sixth Edition". Đây là cuốn sách uy tín của ngành hỗ trợ sinh sản thế giới, có lịch sử hơn 20 năm kể từ lần xuất bản thứ nhất vào năm 1999. 

Hai bác sĩ trên cũng có mặt trong ê-kíp thực hiện thành công ca TTON đầu tiên của Việt Nam: PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan - Trưởng khoa Y, Trường Đại học Y Dược TP.HCM và Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức. Họ là con gái và con rể của Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng.

Ký ức của GS Phượng hiện lên những ngày hai mẹ con cùng làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ. Bà rất sốt ruột vì con gái làm việc đến 1-2h chiều mà vẫn chưa nghỉ tay ăn trưa. Buổi tối về nhà, bà la rầy, nhắc con phải ăn đầy đủ, đúng giờ, nếu không lại viêm loét dạ dày, ảnh hưởng sức khỏe.

“Lan nói trời ơi, bệnh nhân ngồi đầy đó, mình đi ăn sao đành hả má. Còn Tường bảo tôi, đó là bản photocopy của má đó. Mà thực tình, Lan giống tôi ở chỗ đã chí cốt điều gì thì không tiếc bỏ công sức thời gian để làm cho kỳ được điều đó”, GS Phượng trìu mến nói về cô con gái nhỏ - vị PGS của Đại học Y Dược TP.HCM. 

Bà vẫn nhớ lần đầu tiên, cách đây hơn 22 năm, bác sĩ Ngọc Lan đi báo cáo đề tài tại hội nghị quốc tế tổ chức ở Florence (Italy). Ngồi dưới hàng ghế đại biểu, nghe con gái báo cáo rành rọt và trả lời cặn kẽ các câu hỏi của đồng nghiệp nước ngoài, trái tim người mẹ run lên mừng vui. “Lan nói với tôi: Má yên tâm, con làm được mà”, GS Phượng cười.

“Ban đầu, khi tôi còn trẻ và mới tham gia làm TTON, thấy bệnh nhân buồn là mình buồn theo, thấy bệnh nhân khóc là mình khóc theo. Nhưng càng về sau, tôi dần dần cảm nhận được, khi kết quả TTON thất bại thì bệnh nhân cần một chỗ dựa tinh thần. Có lúc tôi buồn lắm cũng không được thể hiện ra ngoài”, bác sĩ Ngọc Lan tâm sự.

Chị không thể quên một bệnh nhân cũ, hiếm muộn gần 15 năm, chuyển phôi rất nhiều lần nhưng không thành công. Đến lần chuyển phôi gần như cuối cùng, người phụ nữ gặp riêng chị và nói: Bác sĩ còn cách nào không?

“Khi nào bác sĩ nói không còn cách nào nữa thì em mới ngưng, cũng có nghĩa là em đồng ý ký vào đơn ly hôn với chồng. Gia đình bên nội chỉ có một mình chồng em thôi. Em đau đớn lắm vì khi hai vợ chồng còn nghèo thì rất vui vẻ”, người phụ nữ nói. 

Bác sĩ Ngọc Lan nhớ mãi đôi mắt của người vợ, là đôi mắt dường như muốn khóc nhưng không còn nước mắt để chảy ra. Sau đó, người chồng lại tìm gặp riêng bác sĩ Lan để hỏi một câu duy nhất: “Bác sĩ có thấy trên đời có người phụ nữ nào mà không bao giờ mang thai được không?”.

Bác sĩ Ngọc Lan hiểu rất rõ câu trả lời của mình có ý nghĩa ra sao. “Tôi nói, có rất nhiều trường hợp khó, nhưng nếu anh chị đồng lòng cùng với bác sĩ, kiên trì điều trị, chúng ta có cơ hội. Tôi chưa từng thấy ai kiên trì mà ông trời không cho họ đứa con hết. Và bạn biết không, may mắn sao đó mà lần cuối này đã thành công”, nữ bác sĩ rưng rưng kể. 

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, với trái tim biết đau nỗi đau của người bệnh, bác sĩ Ngọc Lan và các cộng sự đã tạo ra những dấu ấn ấn tượng trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản của thế giới. 

Trong đó, có đóng góp vào việc thay đổi thực hành của thế giới, điển hình là kỹ thuật IVM (trưởng thành noãn non trong ống nghiệm hay thụ tinh trong ống nghiệm không kích thích buồng trứng); công bố các kết quả nghiên cứu mới, phác đồ điều trị mới trên các tạp chí chuyên ngành uy tín; mở lớp huấn luyện cho các bác sĩ TTON trong khu vực, thu hút cả chuyên gia đến từ những trung tâm TTON lớn của thế giới đến tham quan học tập… 

“Tôi từng nói, mong lớp trẻ đi sau sẽ cao hơn chúng tôi một cái đầu. Và quả thật như thế! Từ chỗ không biết gì về TTON, các nước đi trước rồi mình mới làm, vậy mà lớp trẻ vượt lên, được thế giới công nhận.

Trước những kết quả hôm nay, tôi vui cho các con nhưng mừng vui lớn hơn cho người bệnh, cho ngành sản khoa và cả nền y khoa Việt Nam”, GS Phượng tâm sự. 

“Mẹ là người thầy lớn trong cuộc đời tôi. Mẹ ảnh hưởng đến tôi về chuyên môn lẫn tính cách. Tôi lắng nghe ý kiến của mẹ, nhưng mẹ luôn ủng hộ tôi tự quyết định việc của mình kể cả khi còn nhỏ.

Một khi tôi đã quyết định, có thể không như ý của mẹ, nhưng mẹ luôn dõi theo và hỗ trợ tôi khi cần. Tôi luôn biết ơn mẹ vì điều đó”, PGS.BS Ngọc Lan nói.

Ở tuổi 80, GS Phượng không giấu nét hạnh phúc khi nghề y đã đến thế hệ thứ 3. Cháu gái Lan Nhi (con lớn của bác sĩ Lan - Tường) đang là sinh viên y khoa năm thứ 6, bước chân đầu tiên vào con đường y nghiệp. 

Lan Nhi cũng lớn lên bằng những ngày theo bà ngoại và cha mẹ vào bệnh viện, quen với màu áo blouse hay tiếng khóc trẻ nhỏ. Và có lẽ trong tương lai gần, cô bé sẽ sớm trở thành đồng nghiệp của bà, của cha mẹ. Những buổi quây quần gia đình, rất có thể sẽ trở thành buổi sinh hoạt chuyên môn thú vị. 

“Mẹ đã tạo cảm hứng cho tôi rất nhiều khi tôi chọn nghề y. Thật mừng là tôi cũng đã làm được như vậy với con mình. 

Gia đình tôi thấu hiểu nghề y là một nghề vô cùng gian nan, khó khăn đầy rẫy. Chặng đường của Lan Nhi mới chỉ bắt đầu, tốt nghiệp y khoa mới là vạch xuất phát và con sẽ đi bằng đôi chân của mình.

Mong rằng cả ba thế hệ sẽ được cùng làm việc, cùng chia sẻ những vất vả và niềm vui của nghề trong nhiều năm nữa”, PGS Ngọc Lan tâm sự.