Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 500.000 cán bộ, nhân viên y tế trong đó có khoảng 125.000 bác sĩ. Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), VietNamNet đã ghi nhận những tâm tư, kỳ vọng của một số giám đốc bệnh viện từ trung ương tới cơ sở, từ thành thị tới nông thôn, vùng cao trong ngày lễ đặc biệt này.

pgstranminhdien.jpg

Tôi mong cùng với nhân viên trong bệnh viện cố gắng tập trung chăm sóc, điều trị người bệnh, làm tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động chung của tổng thể. Tôi cũng mong muốn người dân, người bệnh luôn tin tưởng vào cán bộ, nhân viên y tế để hợp tác, tuân thủ điều trị. Bệnh viện luôn cam kết sẽ cố gắng để làm điều tốt nhất đảm bảo sức khỏe em bé, đúng tiêu chí “tận tâm chất lượng vì sức khỏe trẻ em Việt Nam”.

Sự tận tụy, lòng trắc ẩn là điều rất quan trọng với người làm ngành y. Với bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, kiến thức và kỹ năng là hai vấn đề sẽ được học hành, tôi luyện nhưng thái độ rất quan trọng.

Bức thư của Bác Hồ gửi cho ngành y tế ngày 27/2/1955 vẫn nguyên giá trị trong 69 năm qua. Theo các nghiên cứu, thái độ của thầy thuốc quyết định tới 75% sự thành công của khám chữa bệnh. Bác Hồ dạy “thật thà, đoàn kết”, nghĩa là đứng trước người bệnh, đặc biệt là các ca bệnh khó, phức tạp, một thầy thuốc đơn lẻ không thể đảm đương hết mà phải phối hợp cùng đồng nghiệp, thật thà với nhau để làm việc tốt. Cùng đó, phải có thái độ với chính bản thân mình trong việc tích cực học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ.

pgsnguyenhathanh.jpg

Với các bác sĩ, ngày đặc biệt này, chúng tôi chỉ mong nhận lời cầu chúc dành cho bệnh nhân của mình. Đặc biệt là các bác sĩ nội khoa, chữa các bệnh mãn tính, chúng tôi chỉ mong muốn bệnh nhân ổn định, sống khỏe mạnh, vui vẻ.  

pgts lehuudoanh.jpg

Thầy thuốc như chúng tôi luôn mong nhận được sự quan tâm của người dân, xã hội. Bác Hồ đã dạy thầy thuốc phải luôn coi người bệnh như người thân. Vì thế, chúng tôi luôn mong chuẩn hóa trong công tác chẩn đoán điều trị, các bộ, ban, ngành hỗ trợ cho ngành y được phát triển.

Nghề y là một nghề cao quý trong xã hội, thầy thuốc chúng tôi tự hào khi khoác lên tấm áo blouse và chúng tôi cũng luôn mong xã hội, người dân tôn trọng, công nhận đây là nghề cao quý, người dân coi thầy thuốc và bệnh viện là nơi họ gửi gắm niềm tin.

Để nhận được sự tôn trọng, công nhận là nghề đặc biệt của xã hội, bản thân người thầy thuốc phải luôn trau dồi, tu dưỡng chuyên môn, y đức; mặt khác, người dân cũng cần tôn trọng người chăm sóc sức khỏe cho mình. Dù đã có những sự thay đổi để nâng cao thu nhập cho thầy thuốc nhưng chúng tôi vẫn mong sao bác sĩ, nhân viên y tế có được mức thu nhập đảm bảo để họ yên tâm, tâm huyết cho nghề.

tsnguyenvanthuong.jpg

Mong muốn thì nhiều, nhưng mong muốn nhiều nhất là ngành y được tạo điều kiện để có cơ chế thông thoáng, văn bản hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, thống nhất để các bệnh viện làm việc một cách tốt nhất. Khi cơ chế nếu rõ ràng, thông thoáng, các giám đốc bệnh viện sẽ thực hiện được hầu hết vấn đề về lương bổng cho thầy thuốc, đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng, đào tạo, phát triển bệnh viện…

Người theo nghề y, đặc biệt là các bác sĩ, phải coi bệnh nhân là số 1, bác sĩ rất cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất để hành nghề phục vụ nhân dân. Thái độ, y đức phải được đặt lên hàng đầu. Tôi vẫn tin ở bất kỳ thời đại nào, y đức của thầy thuốc Việt Nam luôn ổn, đó là điều quan trọng nhất và tôi không tin vào nhận định rằng “y đức đang xuống cấp”.

tsnguyenkhuyen.jpg

Là người đứng đầu bệnh viện, tôi mong sao đời sống người lao động, nhân viên y tế của viện được ổn định, yên tâm cống hiến. Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước có cơ chế đặc thù hỗ trợ nguồn lực để bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch phát triển chuyên môn, không để chảy máu chất xám.

Năm 2023, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình tuyển dụng mới khoảng 50 bác sĩ, cử 8 bác sĩ đào tạo chuyên khoa I và hàng chục ê-kíp đi đào tạo ngắn hạn với hàng trăm người. Nguồn ngân sách của bệnh viện đảm bảo thầy thuốc được giữ nguyên lương trong thời gian đi học, ngoài ra được hỗ trợ 100% học phí.

Theo quy chế mới của bệnh viện, các thầy thuốc được cử đi học cũng có cam kết 3 bên với bệnh viện về cả “đầu ra” (thực hiện được kỹ thuật đã học) và thời gian phục vụ cho bệnh viện sau chương trình đào tạo. Ngoài ra, nhân viên y tế, đặc biệt tại các bộ phận trực cấp cứu, khám bệnh, hiện gặp nhiều nguy cơ bạo lực thể chất và áp lực tinh thần trong khi cơ hội lên tiếng khá khiêm tốn. Các thầy thuốc cần sự tôn trọng của xã hội, tránh trường hợp ẩu đả, gây gổ, đánh nhân viên y tế và cũng rất mong muốn được hỗ trợ, chế độ bảo hiểm nghề nghiệp đặc thù.

tsphammanhcong.jpg

Tôi mong cán bộ ngành y được đãi ngộ xứng đáng hơn, đáp ứng được nhu cầu nuôi gia đình, vợ con để họ toàn tâm toàn ý cho chuyên môn. Lương bác sĩ vùng cao hiện nay không đảm bảo nhu cầu này nên không ít người phải bươn chải (bằng nghề y hoặc nhiều nghề khác). Tôi cũng muốn cơ chế, chính sách liên quan ngành y phải cởi mở hơn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc cho bệnh nhân; cơ chế trong các dịch vụ y tế; cơ chế trong đào tạo, tuyển dụng, làm sao tăng cơ hội việc làm, tuyển dụng cán bộ y tế.

Hiện nhiều bác sĩ tốt nghiệp đại học ra trường nhưng không kiếm được việc làm. Nhiều người phải lao động diện hợp đồng khiến họ không yên tâm công tác. Với ngành y, phẩm chất quan trọng nhất và ý nghĩa nhất là y đức. Có chuyên môn hay máy móc trang thiết bị hiện đại nhưng thầy thuốc không nghĩ tới bệnh nhân thì cũng không thể là bác sĩ tốt.