LỜI TOÀ SOẠN

Nếu như lực lượng công an điều tra thường xuyên được nhắc tên trong mỗi vụ án thì những người làm kỹ thuật hình sự được ví như người hùng thầm lặng ở phía sau. Họ là những người miệt mài ở hậu trường với những tử thi, mẫu vật, tài liệu… để hỗ trợ cơ quan điều tra phá án. 

Công việc của họ là gì? Cảm xúc, tâm lý của các chiến sĩ công an ở hậu trường như thế nào khi tiếp xúc với những vụ án gây rúng động? VietNamNet giới thiệu tuyến bài Nghề Kỹ thuật hình sự qua chia sẻ của các cán bộ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

Bài 1: Nghề khám nghiệm hiện trường: Những phát hiện 'rợn tóc gáy'

Bài 2: Đâm chết người đi đường, tài xế tự thú nhưng bất ngờ thành vô tội nhờ bàn tay 'phép màu

Bài 3: Vụ sát hại 4 bà cháu 8 năm trước: Lần ra manh mối thủ phạm từ dạ dày nạn nhân

Bài 4: Mảnh giấy sắp tan thành tro 'lật  mặt' hung thủ sát hại thiếu nữ

Đại tá, TS. Lê Thị Thu Thủy - Giám đốc Trung tâm Giám định Sinh học (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an), người đã có 28 năm làm việc trong ngành, chia sẻ rằng tuy không phải lăn lộn hiện trường như các đơn vị khác nhưng các giám định viên làm việc trong phòng thí nghiệm cũng có nhiều trăn trở và vất vả riêng.

Vào ngành từ năm 1996, từ khi ở Việt Nam chưa có đơn vị nào làm được giám định ADN, Đại tá Thủy là một trong số những giám định viên đầu tiên được đi học về công nghệ mới này. 

“Tốt nghiệp đại học ngành Sinh học, khi tìm hiểu về công việc ở Viện, tôi thấy rất phù hợp với chuyên ngành và đam mê của mình. Thời điểm đó, Viện đang chuẩn bị ứng dụng công nghệ ADN, thay vì chỉ làm giám định truyền thống như trước kia. Tôi cảm thấy háo hức với hướng đi đó nên xin vào ngành và gắn bó cho đến bây giờ”.

Đến nay, sau 28 năm làm nghề, Đại tá Thủy tự tin khẳng định giám định Sinh học nói chung và công nghệ ADN nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng và giải mã những nút thắt cho cơ quan điều tra trong các vụ án. 

“Mọi tương tác đều để lại dấu vết” - Đại tá Thủy kết luận. 

Chị nhớ lại một chuyên án mà Trung tâm Giám định Sinh học đã có công lớn trong việc giải mã và xác định hung thủ.

Đó là những năm đầu tiên khi Viện Khoa học hình sự vừa triển khai công nghệ ADN và cũng là đơn vị duy nhất trên cả nước làm được việc truy nguyên đến từng cá thể qua dấu vết của hung thủ để lại. 

Suốt mấy năm liền, đơn vị của chị nhận được những đề nghị trưng cầu mẫu máu, mẫu da, tinh dịch để lại trên quần lót phụ nữ… từ cơ quan điều tra tỉnh Bình Dương - nơi xảy ra hàng loạt vụ cướp của, hiếp dâm trên địa bàn nhiều huyện. 

Hung thủ lợi dụng trời tối, vắng người tại các đoạn đường mòn trong khu rừng cao su để rình rập nạn nhân nữ đi một mình rồi lao ra khống chế, đưa vào khu vực vắng giở trò đồi bại, cướp tài sản. Hung thủ tỏ ra rất táo tợn, liên tiếp gây án dù biết cơ quan điều tra đang truy lùng gắt gao.

“Khi các mẫu tinh dịch, mẫu máu, da… được gửi tới, chúng tôi xét nghiệm, cho ra kết quả. Chi tiết bất ngờ là một số mẫu được xác định là của cùng 1 người. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn không truy tìm được đối tượng đó là ai. 

Suốt 2 - 3 năm trời, họ gửi tới Viện hàng loạt mẫu để giám định nhưng vẫn không xác định được hung thủ. Trong số các vụ việc đó, một nạn nhân đã cắn đứt một mẩu tai của đối tượng. Sau khi xét nghiệm mẩu tai thu được, chúng tôi thấy đây chính là kẻ đã thực hiện một loạt vụ hiếp dâm trước đó”, Đại tá Thủy nhớ lại.

Cơ quan điều tra đã đưa 19 người vào diện nghi vấn, trong đó có một người bị mất một mẩu tai. Kết quả xét nghiệm cho thấy không ai có gen trùng khớp với kiểu gen lấy được từ tinh trùng và những mẫu khác của kẻ gây án để lại trên người nạn nhân. Nhưng phức tạp hơn là lúc này, người bị mất một mẩu tai lại khăng khăng nhận mình là thủ phạm trong khi kết quả ADN lại nói không phải. 

Không lâu sau, lực lượng điều tra phát hiện một đối tượng khác lang thang trong khu vực, không có giấy tờ tùy nhân. Điều đáng chú ý là người này bị sứt một góc tai. Tại cơ quan công an, người này lúc thì khai sứt tai do tai nạn lao động, lúc thì bị tiếp viên bia ôm cắn. Sau khi rà soát, công an đã lật tẩy được sự gian dối của đối tượng. 

Tuy nhiên, đối tượng vẫn một mực không thừa nhận về sự liên quan của mình với bất cứ vụ án cướp tài sản, hiếp dâm nào. Trước tình thế này, công tác giám định ADN lại một lần nữa ra tay. 

Bản kết luận giám định ngày 6/4/2005 cho thấy, ADN từ mẫu tóc của đối tượng so sánh với kiểu gen của mẩu tai trong vụ án là hoàn toàn trùng khớp. Điều này đồng nghĩa với việc đây chính là hung thủ của hàng loạt vụ án ở rừng cao su. Và mãi sau này, kẻ sứt tai nhận tội ban đầu mới khai là đã nhận bừa vì bất mãn và chán đời.

Kết quả khiến cả nhóm thở phào vì cuối cùng chuyên án cũng kết thúc và thủ phạm bị vạch mặt. “Đó là thời khắc mà chúng tôi không bao giờ quên” - Đại tá Thủy nói.

Đại tá Thuỷ cũng nhớ lại một vụ án khác ở Hưng Yên với những tình tiết gần tương tự. Hàng loạt vụ hiếp dâm xảy ra mà không xác định được thủ phạm. Đến khi cơ quan điều tra bắt được thủ phạm của một vụ trộm cắp, mang mẫu máu đi giám định thì mới phát hiện ra kẻ này chính là hung thủ của hàng loạt vụ hiếp dâm. 

“Đó là 2 vụ án điển hình cho thấy công tác giám định Sinh học hỗ trợ rất lớn cho việc phá án của cơ quan điều tra. Ngoài ra, dấu vết ADN còn giúp truy tìm tung tích nạn nhân, truy nguyên cá thể và xác định được mối quan hệ huyết thống - đều là những chứng cứ quan trọng trong điều tra phá án”.

Khi được hỏi công việc của các giám định viên Hóa học khác biệt như thế nào so với giám định viên Sinh học, Thượng tá Lê Phong - Phó trưởng Phòng Giám định Hóa học giải thích: “Hiểu nôm na, nếu ở hiện trường có dấu máu và cơ quan điều tra muốn xác định danh tính thì đó là việc của Sinh học. Còn nếu có người chết, muốn xác định nạn nhân có phải do trúng độc hay không, thì đó là việc của chúng tôi”.

Thượng tá Lê Phong chia sẻ, độc chất trong các vụ án ở Việt Nam là một phạm vi rộng hơn rất nhiều so với các vụ án ở nước ngoài. 

“Ở nước ngoài, để mua được các loại hoá chất độc hại rất khó, thậm chí mua thuốc ngủ liều cao cũng phải có đơn của bác sĩ. Những độc chất dẫn đến tử vong của họ chủ yếu là ma túy hoặc dùng thuốc quá liều. Họ sẽ hiếm khi có những vụ án như ở Việt Nam: Ném thuốc trừ sâu xuống ao cá, phun thuốc trừ cỏ làm chết hoa màu, giết người bằng thạch tín, rồi khí độc, kim loại độc… 

Chính đặc điểm đó làm cho công việc xác định độc chất pháp y trong kỹ thuật hình sự của chúng tôi vô cùng vất vả. Điều kiện cơ sở vật chất, trình độ, con người của chúng ta hạn chế hơn nhiều so với nước ngoài”.

Thiếu tá Phạm Toàn Thắng - giám định viên của Phòng Giám định Hoá học nhớ lại vụ án đầu độc bằng trà sữa ở Thái Bình từng gây chấn động dư luận hồi cuối năm 2019. Theo hồ sơ vụ án, do có quan hệ yêu đương với chồng của chị họ tên Y., hung thủ đã nảy sinh ý định đầu độc, giết chết chị Y. bằng chất natri xyanua. Biết Y. thích uống trà sữa, hung thủ đã đặt mua 6 cốc, rồi bơm chất độc vào 4 cốc. 

Chiều 2/12/2019, hung thủ chuyển 6 cốc trà sữa, trong đó có 4 cốc đã bơm dung dịch natri xyanua đến Bệnh viện Phổi Thái Bình, mục đích gửi cho chị Y.. Do chị Y. đã ra về, nên “món quà” được một nữ điều dưỡng nhận thay và mang cất vào tủ lạnh. 

Tới 18h30 cùng ngày, nữ điều dưỡng này lấy 2 cốc, đưa cho con trai uống 1 cốc, còn mình uống một nửa và bỏ lại vào tủ lạnh. 

9h45 sáng hôm sau, nữ điều dưỡng uống nốt nửa cốc uống dở hôm trước. Đến khoảng 10h, một nữ điều dưỡng khác lấy 1 trong 4 cốc còn lại ra uống. Mới được 2 ngụm, chị đã chạy vào vệ sinh nhổ ra. Các đồng nghiệp sau đó vào nhà vệ sinh, phát hiện nữ điều dưỡng đang úp mặt xuống nền nhà, chân tay co quắp, liền lập tức đưa xuống phòng cấp cứu nhưng nạn nhân chết ngay sau đó.

Ban đầu, người nhà cho rằng nạn nhân đột tử nên không đề nghị khám nghiệm tử thi và xin đưa về an táng. Tuy nhiên, qua khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, điều tra vụ việc, cơ quan chức năng nhận thấy nhiều điểm nghi vấn xung quanh cái chết của nạn nhân. Mẫu trà sữa đã được gửi về Viện Khoa học hình sự để xét nghiệm và kết quả xác định trong cốc trà sữa có chứa chất độc xyanua.

Các đơn vị chức năng sau đó đã tiến hành khai quật tử thi của nạn nhân để xem xét lại vụ án.

Theo kết luận giám định pháp y ngày 6/1/2020 của Viện Khoa học hình sự, thi thể của nạn nhân không có tổn thương ngoại lực dẫn đến tử vong; không thấy bệnh lý trên đại thể; có triệu chứng lâm sàng trúng độc; trong chất chứa ở dạ dày tìm thấy xyanua hàm lượng 1,89 mg/kg, ngoài ra không tìm thấy chất độc thường gặp khác. Cuối cùng kết luận, nạn nhân tử vong do ngộ độc xyanua.

Chính nhờ kết luận này, cơ quan chức năng có thêm bằng chứng để xác định nguyên nhân gây chết là do bị đầu độc, chứ không phải vì đột tử. 

Tòa sơ thẩm ngày 17/7/2020 đã tuyên án tử hình với hung thủ. Tại phiên phúc thẩm ngày 29/1/2021, hội đồng xét xử cũng cho rằng, tòa sơ thẩm tuyên án tử hình là đúng người đúng tội.

Thượng tá Lê Phong chia sẻ, vụ án trà sữa là vụ việc may mắn còn để lại các dấu vết, chứng cứ. Nhưng cũng có những vụ án mà hiện trường gần như bị xoá sạch dấu vết. Lúc này, kiến thức chuyên môn cộng với nghiệp vụ của một đơn vị làm khoa học trong ngành công an lại cần được phát huy tối đa để “gỡ nút thắt”.

“Những trường hợp này, áp lực với các giám định viên rất lớn. Nhưng áp lực này xuất phát từ trách nhiệm với công việc, từ lương tâm nghề nghiệp, thôi thúc phải lấy lại công bằng cho nạn nhân, chứ không phải từ yêu cầu của cấp trên. 

Tất nhiên, có những vướng mắc của vụ án như bị xoá dấu vết hiện trường đâu phải lỗi của chúng tôi. Nhưng danh dự, uy tín của người chiến sĩ công an không cho phép chúng tôi viện những khó khăn ấy để đưa ra một kết luận theo đúng quy trình nhưng ‘không xác định được nguyên nhân’. Chúng tôi phải tìm mọi cách để gỡ được ‘nút thắt’ ấy nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố khoa học và công bằng”.

Ảnh: Nguyễn Thảo, NVCC

Thiết kế: Minh Hoà

Sức nóng trong lò luyện những người chuyên lao vào lửa

Sức nóng trong lò luyện những người chuyên lao vào lửa

Những hành động vượt lửa, chữa cháy cứu người chỉ diễn ra trong giây phút sinh tử nhưng để có những chiến công làm nên biểu tượng của người lính phòng cháy, họ đã phải trải qua những tháng ngày rèn luyện đổ mồ hôi nơi thao trường.