Thường xuyên sử dụng dịch vụ đặt xe công nghệ, chị Vũ Thị Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, số lượng xe ít trong khi nhu cầu đi lại dịp lễ Tết tăng, chị thường khó có thể đặt xe vào giờ cao điểm. “Thời điểm đi làm hoặc buổi trưa đi ăn, để đặt một cuốc xe phải chờ rất lâu, thậm chí là không đặt được”, chị nói.
Theo chị Thảo, mức cước phí của các hãng xe công nghệ vào giờ cao điểm rất cao so với taxi truyền thống. Grab phụ thu phí dịp Tết khiến cho cước vận chuyển với hành khách tăng thêm nhưng chị Thảo vẫn lo khó có thể đặt được xe ở một số thời điểm. “Giờ cao điểm rất khó đặt xe, nhất là cận Tết”, chị nói.
Bà Nguyễn Thị Minh (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, trước đây bà dễ dàng đặt xe công nghệ, chỉ vài phút là có xe. Thời điểm này, mỗi lần đặt xe bà phải chờ 15-20 phút vẫn chưa có lái xe. Bà còn gặp tình trạng, lái xe huỷ chuyến trong lúc chờ đợi. “Giá cước dịch vụ đặt xe tăng cao so với trước nhưng ngày càng khó đặt xe”, bà nói.
Mới đây, Grab vừa thông báo phụ phí Tết Nguyên đán áp dụng từ ngày 20/01- 26/01 đối với các chuyến xe/ đơn hàng phát sinh trong khung giờ từ 6 đến 22 giờ. Mức phụ phí 5.000 đồng áp dụng với GrabBike và GrabFood, GrabMart, GrabExpress siêu tốc. Riêng với GrabCar, mức phụ phí là 15.000 đồng/chuyến.
Be và Gojeck chưa có thông báo chính thức, mặc dù hai đơn vị này từng thực hiện phụ thu vào dịp Tết.
Đây không phải năm đầu tiên Grab áp dụng mức phụ phí đặt xe trong dịp Tết Nguyên đán. Trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện Grab cho hay, phụ phí này là nguồn động lực khuyến khích đối tác tài xế hoạt động năng nổ hơn, từ đó phục vụ hành khách và người dùng tốt hơn trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, đối tác tài xế 2 bánh được thưởng 8% và đối tác tài xế 4 bánh sẽ được thưởng 5% tổng doanh thu các chuyến xe/đơn hàng hoàn thành trong giai đoạn từ 22-26/1.
Liên quan tới mức thu phí dịp Tết, ông Vũ Văn Hùng (một lái xe Grabcar) cho hay, việc tăng phụ phí là hợp lý. Thời điểm này, giao thông luôn đông đúc, gây tắc đường, lái xe rất vất vả vận chuyển khách. Chưa kể, một lượng lớn lái xe chuyển qua đưa đón khách liên tỉnh về quê nên khan hiếm tài xế.
Ông Trần Văn Tuấn (lái xe Grabbike) cho rằng, mức phụ phí 5.000 đồng với xe máy không lớn. Tình trạng tắc đường nên nhiều lúc “nổ cuốc” với cước phí cao ông Tuấn vẫn từ chối. “Hiện, nhiều lái xe chuyển sang giao hàng cho các chủ shop có mức phí cao hơn và nhiều đơn. Họ không mất chi phí % như Grab”, ông nói.
Chị Nguyễn Thị Nga (một khách hàng tại Hà Nội) cho hay, giá cước mỗi chuyến xe tăng chóng mặt giờ cao điểm. Cộng thêm một khoản phụ thu 15.000 đồng, chị phải tính toán lại. Nếu mức giá tăng cao vẫn khó đặt xe, chị Nga chủ động đi xe máy cho tiện và tiết kiệm chi phí.
Liên quan tới việc phụ thu Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, các hãng xe cần tăng thêm số lượng tài xế để tránh khách hàng chịu mức chi phí cao mà vẫn bực mình vì khó đặt dịch vụ.
Đầu tháng 7, Grab thông báo thu phụ phí nắng nóng thêm 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng GrabFood, GrabMart và 3.000 đồng với dịch vụ GrabExpress. Việc phụ thu phí này gặp phải phản ứng gay gắt từ người tiêu dùng cũng như dư luận. Sau đó, cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc.
Tranh cãi quán mì cay phụ thu 15% ngày giáp Tết: 'Không chịu thì nhịn đi'
Dưới phần bình luận, có người còn kêu "không muốn bị phụ thu thì về nhà tự nấu mà ăn".