Phí nắng nóng, phí dịp Tết...
Từ ngày 6/7, Grab áp dụng chính sách phụ thu phí thời tiết nắng nóng 3.000-5.000 đồng với các dịch vụ GrabBike, GrabFood nhằm hỗ trợ giảm bớt vất vả cho tài xế khi thực hiện các đơn hàng. Theo đó, tại Hà Nội và TP HCM, Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 5.000 với mỗi chuyến xe GrabBike và mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart. Còn với dịch vụ GrabExpress là 3.000 đồng một đơn hàng.
Ngay sau khi thông báo thêm các loại phí này không ít người tiêu dùng bức xúc. Chị Đỗ Thị Hải (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, chị thường xuyên đi làm sử dụng các dịch vụ vận chuyển của Grab, đặc biệt là Grabbike do tình trạng tắc đường. Thời gian gần đây, Grab liên tục tăng giá cước ở giờ cao điểm, cộng thêm khoản phí nắng nóng khiến cho chị phải trả thêm tiền. Chị Hải băn khoăn: “Thế nào là nắng nóng. Đi ra đường ngoài trời nóng cả lái xe và hành khách đều phải chịu nóng, thu thêm tiền thì đi GrabBike có mát hơn không?”.
Theo chị Hải, việc thu thêm phí nắng nóng là cách mà Grab tăng giá cước. Grab nếu muốn chăm sóc đến đội ngũ tài xế, có những hình thức phúc lợi khác, chứ không phải ban hành chính sách phụ thu tiền của khách.
Bà Phan Thị Trang (một khách hàng của Grab) cũng cho rằng việc phụ thu phí nắng nóng của Grab hoàn toàn bất hợp lý, một hình thức tận thu người tiêu dùng dưới danh nghĩa hỗ trợ tài xế. Trong bối cảnh Covid-19, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, việc Grab liên tục đưa ra các khoản thu phí sẽ khiến người tiêu dùng dần từ bỏ đặt xe công nghệ.
Không chỉ khách hàng phản ứng, mà ngay cả các tài xế - là đối tác của Grab cũng tỏ ra băn khoăn về loại phụ phí này. Anh Đỗ Văn Tuấn, một lái xe Grabbike cho hay, mức phụ phí lại cộng vào cước chuyến xe, nên Grab cũng được hưởng chiết khấu từ phụ phí đó. Mục đích việc thu phụ phí này hoàn toàn không vì tài xế - đối tác của Grab.
Phụ thu phí nắng nóng chỉ là một trong nhiều loại phí mà các khách hàng sử dụng dịch vụ Grab phải gánh chịu. Grab cũng quy định khoản thu phụ phí thêm 10.000đ/ chuyến xe khi đón khách vào thời gian từ 22h đêm đến 6h sáng từ thứ 2 đến chủ nhật. Hay Grab thu thêm 350đ/ phút sau 2km đầu với các chặng dài.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Grab thu thêm phụ phí 10.000 - 15.000 đồng trên mỗi cuốc xe giai đoạn từ ngày 28/1 đến 3/2 (26 tháng chạp đến mùng 3 tháng giêng). Hãng xe công nghệ cho biết mức phụ phí tăng thêm này giúp thu hút thêm tài xế vận hành trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Grab bắt đầu áp dụng chính sách “Xe chờ 5 phút”. Khách hàng đặt xe nhưng không xuất hiện hoặc muộn hơn 5 phút sau khi tài xế đã tới điểm đón mà khách hàng đã đặt trên ứng dụng Grab, sẽ bị phạt tiền 3.000 đồng.
Kiểm soát giá cước hãng xe công nghệ
Có mặt tại Việt Nam từ 2014 với dịch vụ ban đầu là ứng dụng gọi xe dưới 9 chỗ theo hình thức xe hợp đồng điện tử, Grab đã trở thành một đối thủ đáng gờm của các hãng vận tải truyền thống. Đặc biệt, sau khi thâu tóm đối thủ taxi công nghệ lớn khác là Uber, Grab đã bành trướng với tốc độ chóng mặt tại Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu thị trường của ABI Research cho biết thị phần của Grab đến năm 2021 lên tới 74,6%, Be chiếm 12,4%, Gojek 12,3%.
Sau khi lấy được lượng khách hàng lớn, ứng dụng đặt xe công nghệ này đã thu phụ phí, tăng giá cước không chỉ khiến nhiều khách hàng bất bình mà cũng gây bức xúc với các tài xế.
Ông Đặng Khánh Toàn, Giảng viên ĐH Kinh tế kĩ thuật cho rằng, với tỉ lệ chiết khấu thông thường của xe công nghệ là 7/3, tức 70% doanh thu mỗi cuốc xe tài xế được hưởng và 30% còn lại chiết khấu với đơn vị cung cấp dịch vụ. Khi ứng dụng xe công nghệ tăng giá cước, tăng thêm phụ phí thì họ vẫn hưởng lợi với phần trăm tăng thêm, trong khi chi phí tài xế và khách hàng gánh hết.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và sự minh bạch trong các hoạt động kinh doanh, cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc kiểm tra, kiểm soát mức giá của các hãng xe công nghệ theo đúng quy định.
Theo Luật sư Trần Vi Thoại, luật cạnh tranh 2018, doanh nghiệp có thị phần 30% trở lên được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường, phải chịu sự giám sát riêng để đảm bảo không lợi dụng vị trí đặc biệt để trục lợi. Điều 27 của luật này quy định những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền bị cấm như "áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý... có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng" và "áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng".
Theo quy định, cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ (xe khách liên tỉnh), xe buýt và taxi thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá với sở giao thông vận tải - cơ quan tiếp nhận kê khai giá. Cho đến nay, chưa có quy định các loại hình xe hợp đồng điện tử như Grabcar, Becar, Gocar... phải kê khai giá cước.
“Cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với Grab. Không thể để một doanh nghiệp độc quyền tự đặt ra luật chơi, thu đủ loại phí. Khách hàng hoàn toàn có quyền từ chối sử dụng dịch vụ của hãng nếu cảm thấy chi phí tăng thêm là vô lý và sử dụng hãng khác có dịch vụ phù hợp hơn”, ông nói.