Bài học vượt khó của bố - GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân đã ảnh hưởng như thế nào đối với gia đình, thưa GS?
Anh em tôi ảnh hưởng rất nhiều từ người cha. Trước hết, ít người biết cụ sinh ra từ một gia đình rất nghèo ở nông thôn. Vậy mà khi còn học phổ thông bố tôi đã viết xong Cậu bé nhà quê, được nhà văn Nguyễn Khải đánh giá là “tiểu thuyết đầu tiên” của Việt Nam. Bài học vượt khó của bố tôi từ một anh trai làng vươn lên đỗ đầu trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương đã tác động mạnh đến cả 8 anh em.
Trong thời gian chống Pháp, bố tôi giữ vị trí Giám đốc Giáo dục Liên khu Việt Bắc và làm được những chuyện ít ai nghĩ đến. Trước hết là ra đề thi tốt nghiệp THPT. Khi thiếu sách giáo khoa cụ tự biên soạn và bộ sách về ngữ pháp tiếng Việt ra đời đơn giản, dễ hiểu. Chưa dừng lại, cụ còn viết cuốn từ điển đầu tiên được in trong kháng chiến là Muốn đúng chính tả.
Mặc dù chẳng có nhiều bằng cấp, chỉ tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương nhưng cụ đã viết được nhiều cuốn từ điển và giành nhiều giải thưởng của Nhà nước… Có thể nói, sức làm việc của bố tôi thật đáng ngưỡng mộ, là tấm gương lớn cho con cháu.
Cụ cống hiến đến tận cuối đời, ngoài 90 tuổi vẫn ngày ngày làm việc. Tôi rất mừng khi hai ông bố đều có phố và trường học mang tên mình - cụ Nguyễn Lân và cụ Nguyễn Văn Huyên (bố vợ). Những điều này sẽ còn mãi với non sông đất nước.
Tiếp nối truyền thống gia đình, ông đã tạo cảm hứng đọc cho các con như thế nào?
Các con chịu ảnh hưởng từ cả cha lẫn mẹ, vì tôi hay đọc và có nhiều sách. Vợ tôi cũng là một người mê đọc nhưng chủ yếu nghiên cứu sách chuyên môn.
Lân Hiếu mặc dù công việc bận song vẫn đọc và viết nhiều sách, như đợt Covid sáng tác được 3 cuốn. Không chỉ tài liệu chuyên môn mà văn chương cũng rất hay như bài về Chiếc áo blouse trắng được đăng trên báo. Tôi từng hỏi: “Con bận thế thì viết vào lúc nào?”, Hiếu trả lời rằng viết trong lúc đợi máy bay đi công tác.
Tôi mong mỗi gia đình nên có một tủ sách, trước hết cho người lớn đọc, sau đó là lớp trẻ. Nếu cha mẹ không chịu mua, đọc sách sao con cái ham đọc được? Các em phải được đọc từ sớm, không phải chỉ để hình thành thói quen, kỹ năng mà còn mở mang kiến thức.
Thói quen đọc sách giúp con cháu tôi trưởng thành. Tôi có một người cháu ngoại mới 12 tuổi nhưng đã bộc lộ năng khiếu viết truyện bằng tiếng Anh được nhà trường ủng hộ. Việc cháu nội mới đỗ vào Harvard cũng khiến tôi rất bất ngờ vì Việt Nam có 100 người thi mà chỉ có 2 người đỗ. Cánh cửa mở ra với thế hệ trẻ rất rộng lớn, giỏi đến đâu cũng có điều kiện phát huy, nhưng ngay từ nhỏ phải tự rèn luyện. Cách rèn luyện đơn giản nhất là đọc sách.
Tủ sách ở nhà cũ của tôi đang có vài nghìn cuốn nhưng không biết tặng ai cho có ích, vì nhiều sách chuyên môn. Trao cho Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam họ sẵn sàng, nhưng lại ở tận Hòa Bình, ngẫm lại tôi thấy vô lý vì ai lên đó để khai thác những sách này.
Giáo sư suy nghĩ thế nào về hiện trạng “đói sách” ở nông thôn?
Thật buồn vì hầu như ở đó các nhà đều không có tủ sách, trong khi dân số nước ta trên 60% ở nông thôn. Chẳng những vắng bóng thư viện tại gia mà còn thiếu luôn cả hiệu sách. Tôi từng đi gần như tất cả các tỉnh, đa phần vùng quê đều không có hiệu sách, họa chăng chỉ là chỗ bán sách giáo khoa. Nên tôi muốn phát động phong trào tặng sách cho quê nhà, bởi ai cũng có quê. Sao không nghĩ đến mà cứ gửi bánh kẹo vậy?
Sách báo đọc xong định kỳ chuyển về những vùng khan hiếm tri thức. Tốt nhất nên tặng trí tuệ cho nông dân, không phải đọc cho vui mà để thoát nghèo.
Bên cạnh những cuốn sách cung cấp kiến thức phục vụ cho công việc, GS có đọc những thể loại khác để thư giãn?
Thứ nhất, phải nghiền ngẫm sách chuyên môn mới dạy học được, tiếp đến tôi đọc những cuốn về khoa học và cuối cùng là văn học. Tôi đọc tác phẩm của các nhà văn Việt Nam tiêu biểu như Tô Hoài, Nam Cao... để lấy kinh nghiệm viết sách.
Tôi hay mua các loại báo, tuy không thể đọc hết nhưng nắm được tình hình trong nước và thế giới. Muốn trở thành một người phổ biến khoa học mà thiếu kiến thức chung thì không thể làm tròn trách nhiệm. Với tôi, thời gian có hạn nên phải phân bổ cái gì cần thì đọc, cái gì không cần bỏ qua. Đọc quá nhiều sẽ bị loãng.
Tôi cho rằng kiến thức cũng như thức ăn, mình không thể ăn lung tung được. Món nào độc hại không nên nạp vào, phải chọn lọc. Cái gì cũng đọc vừa phí thời gian mà có khi lại gây hại.
Việc đọc sách báo trong kỷ nguyên số đã thay đổi, GS có sẵn sàng tiếp nhận những xu hướng mới?
Có lẽ kỷ nguyên số làm văn học khác hẳn bởi ai cũng có thể trở thành nhà văn. Không cần in sách, chỉ cần đưa nội dung giới thiệu lên mạng. Bây giờ đọc tiểu thuyết sẽ kèm theo hình ảnh, âm thanh, video… Không thể biết được nhân loại sẽ biến chuyển ra sao, nhưng rõ ràng công nghệ mở ra một thế giới cho mọi người được hưởng thụ văn hóa và mở mang kiến thức.
Bản thân tôi nếu rời máy tính cũng không làm được việc vì đôi khi các bạn hỏi những câu rất khó, nếu không tìm trong sách báo cũng đầu hàng (cười). Thời đại kỹ thuật số phải biết tận dụng công nghệ, tra cứu tài liệu lên mạng vì thông tin nhanh và nhiều hơn. Nhưng muốn nâng cao văn hóa và tâm hồn nên đọc trực tiếp sách báo.
Trong những tác phẩm từng đọc, phong cách viết của tác giả nào khiến ông ấn tượng?
Mỗi người cần có một thần tượng cho mình. Với tôi, đó là nhà báo Phan Quang. Là một người yêu ngoại ngữ, không chỉ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp mà ông còn chăm đọc sách và đi nhiều. Thành ra sách nào của ông cũng hay, tôi đọc rất kỹ và học theo.
Điều tôi học được từ nhà báo Phan Quang là luôn viết về những vấn đề mới mẻ. Chúng ta phải biết học hỏi từ người khác, để mình không chủ quan mới có ý thức vươn lên. Nếu tự mình thấy giỏi rồi thì hỏng, không thể phát triển bản thân được.
Khi ai đó hỏi có dự định viết tự truyện không?, tôi thấy không cần thiết, vì ngoài kia vẫn còn những người tài hoa xứng đáng để viết hơn tôi.
Gần đây GS đang quan tâm đến đầu sách nào?
Tôi chú ý đến sách viết về miền núi của tác giả Đỗ Bích Thúy như Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Lặng yên dưới vực sâu, Than đỏ dưới tro tàn... Có lẽ bởi kinh nghiệm sống nhiều năm trên núi và chắt lọc được tinh hoa của cuộc sống nơi đó nên sách mới hay đến vậy.
Nhà văn phải có quê hương của mình, ví dụ như Tô Hoài viết về ngoại thành Hà Nội tuyệt vời, hay Nam Cao viết về những người cùng khổ… Mỗi người cần một nơi chốn “nằm lòng” để sáng tác. Bạn tôi là nhà văn Ma Văn Kháng viết rất hay, bây giờ lớn tuổi đã có người tiếp sức là Đỗ Bích Thúy nên tôi muốn giới thiệu các bạn tìm đọc những tác phẩm của cô ấy.
Tôi đã suy nghĩ việc tại sao họ có thể viết văn tuyệt vời đến vậy, phải nói là nhờ năng khiếu chứ không chỉ có kiến thức. Tôi khâm phục những người giỏi về lĩnh vực đó, kiến thức là một chuyện nhưng năng khiếu lại là một chuyện khác, nếu không ai cũng thành nhà văn hết.
Vì sao GS lại viết cuốn 'Những từ vựng Tiếng Anh tối thiểu', trong khi ông không phải chuyên gia về ngôn ngữ?
Đúng vậy, với tư cách của một người tự học ngoại ngữ, tôi viết về kinh nghiệm của bản thân là học những từ tối thiểu. Các trường phổ thông bây giờ dạy quá nhiều ngữ pháp, nhưng chỉ để thi. Nếu tôi thi cùng học sinh chắc trượt, nhưng tại sao phải tập trung vào ngữ pháp trong khi không nói, không đọc được? Nên tôi nghĩ phải giúp các bạn bằng cách khác.
Lần nào đi nước ngoài tôi cũng mua sách vì khuyến khích mình học ngoại ngữ. Hiện nay, tôi có thể sử dụng 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga và Trung.
Tôi vẫn nhận được nhiều câu hỏi về các lĩnh vực từ khoa học, sức khỏe... cho tới ngoại ngữ nhưng không biết phải trả lời qua con đường nào. Nếu VietNamNet có thể mở mục Hỏi gì đáp nấy, tôi sẵn sàng làm làm cộng tác viên với niềm tin rằng bản thân sẽ làm được. Không sợ câu hỏi khó, chỉ sợ thiếu câu hỏi khó. Càng nhiều câu hóc búa, càng hấp dẫn với tôi.
Một nữ nhà báo bày tỏ ấn tượng khi từng phỏng vấn GS và được ông tặng sách. Phải chăng sách luôn là món quà ông chuẩn bị dành tặng những người yêu quý?
Các bạn đến với tôi, tôi không có món quà nào để tặng tốt hơn là những cuốn sách.
Mỗi lần viết xong, tôi đều mua lại tầm trăm quyển, hết lại mua tiếp. Mình viết không phải vì lợi nhuận, thực ra nhuận bút còn chưa bằng tiền mua lại sách. Nhưng đó lại là niềm vui bởi có quà tặng cho mọi người. Người nào cần hiểu biết mình tặng sách. Không gì quý hơn, đó vừa là kiến thức vừa là tình cảm tôi gửi gắm đến các bạn trẻ.