Lời tòa soạn

Ẩm thực vỉa hè Việt Nam nổi tiếng trên khắp thế giới bởi sự đa dạng, hấp dẫn về cả nguyên liệu, hương vị, hình thức và không gian thưởng thức gần gũi, mang đặc trưng rất riêng. Nhiều nhân vật nổi tiếng hay những đầu bếp lừng danh khi tới Việt Nam đều mong muốn trải nghiệm nét văn hóa thú vị này.

Hiện nay, nhiều người Việt Nam đã mang các món ăn đường phố đặc trưng như phở, bánh mì, bún đậu mắm tôm, nộm xoài, ngan cháy tỏi... và hình thức phục vụ tại vỉa hè tới các quốc gia trên thế giới.

Trong tuyến bài 'Ẩm thực vỉa hè đi Tây', báo VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả một số quán ăn Việt tại nước ngoài thu hút rất đông thực khách, khiến họ sẵn lòng "khom lưng mỏi gối" ngồi vỉa hè chờ thưởng thức.

Khi đi qua một góc phố ở đường Hunter, trung tâm thành phố Newcastle, tiểu bang New South Wales, Australia, nhiều người dân và du khách bị thu hút bởi dãy bàn ghế gỗ được đặt tại vỉa hè.

Chiếc bàn gấp cao khoảng 80cm, bên cạnh là 4 chiếc ghế được "gia cố" từ thùng nhựa đựng hàng và đặt lên trên tấm gỗ phẳng. Bức tường bên cạnh vẽ hình ảnh những ổ bánh mì, tô phở, đĩa cơm tấm, những chiếc xe bán đồ ăn vỉa hè cùng công trình Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập.

IMG_3728.jpg
Thực khách trải nghiệm ngồi vỉa hè, ăn bánh mì, bún bò, phở Việt Nam

Chị Thảo - một người Việt sinh sống tại Newcastle cho biết, quán ăn Việt Nam này rất đông khách. Khách Tây thường xuyên xếp hàng chờ mua bánh mì, bún, phở, cà phê Việt Nam và ngồi kín các dãy bàn vỉa hè, trong nhà.

Chị nhận thấy, những vị khách Tây đầy thích thú khi trải nghiệm ăn bánh mì ngay vỉa hè, một nét đặc trưng ẩm thực đường phố Việt Nam. Mặc dù, với chiều cao của những vị khách này, để ngồi ở bộ bàn ghế gỗ vỉa hè, họ phải "khom lưng mỏi gối".

"Mình từng ăn phở và bánh mì của quán, hương vị rất ngon, đầy đặn và nguyên liệu tươi mới. Điều khiến mình ấn tượng hơn chính là hình ảnh những vị khách nước ngoài ngồi vỉa hè, xì xụp tô phở nóng hay gặm chiếc bánh mì, uống cà phê sữa đá Việt Nam. Quán đã giới thiệu được một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng tới với bạn bè quốc tế", chị Thảo chia sẻ.

Tiệm bánh mì này do anh Ethan Nguyễn (34 tuổi) và anh Eddie Nguyễn (32 tuổi) thành lập vào tháng 4/2023. Trước đó, Ethan làm trong doanh nghiệp còn Eddie là dược sĩ. Họ đều từ Sydney chuyển tới Newcastle.

"Khác với Sydney, ở đây có rất ít hàng, quán bán đồ ăn Việt. Trong khi, theo khảo sát của hai anh em, nhu cầu của nhân viên văn phòng khá lớn. Điều đó làm chúng tôi muốn mở một tiệm ăn, chuyên món Việt”, anh Ethan Nguyễn nói.

Sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng, tuổi thơ của Ethan gắn liền với ổ bánh mì kẹp và ly sữa đậu nành nóng hổi. Sang Úc được 10 năm, anh vẫn luôn nhớ những món ăn vỉa hè. Trong khi Eddie sinh ra tại Úc. Hầu hết món ăn Việt Nam anh thưởng thức là do người thân nấu. Eddie cũng rất mê món bánh mì Việt.

"Bánh mì là món ăn đặc trưng của Việt Nam. Nó rất tiện lợi, nhanh chóng, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng văn phòng, khách du lịch. Chúng tôi muốn ổ bánh mì Việt Nam sẽ phổ biến ở Newcastle như ở Sydney, Melbourne hay Adelaide", hai anh em chia sẻ về lí do chọn khởi nghiệp với món bánh mì.

Bố mẹ vợ của Ethan từng là chủ một tiệm bánh mì tại Việt Nam. Họ đã chỉ dạy công thức, kinh nghiệm cho anh, cộng thêm sự giúp đỡ từ mẹ của Eddie - một người phụ nữ Việt mê nấu nướng. "Chúng tôi mất hàng tháng để học rồi thử nghiệm. Nước sốt, pate, bơ được nấu rồi nếm rất nhiều lần cho tới khi ưng ý”, Ethan cho hay.

Năm 2022, hai chàng trai bắt đầu bán bánh mì vào ngày cuối tuần ở khu chợ trời đông đúc Newcastle City Farmers. Những chiếc bánh mì vỏ nóng giòn, bên trong có nhân chả, thịt vàng ruộm, thơm phức nhanh chóng được đón nhận.

"Ở Úc có nhiều vùng khí hậu tương đồng Việt Nam nên không khó để kiếm các nguyên liệu như rau thơm, dưa leo, củ cải và cà rốt…. Các gia vị cũng được bán nhiều ở chợ người Việt. Do đó, mỗi chiếc bánh mì có đầy đủ thành phần như bánh mì Việt Nam nhưng nhiều thịt hơn để đáp ứng nhu cầu thực khách”, Ethan cho biết.

"Điểm nhấn của chiếc bánh mì là món nước sốt gia truyền do bố mẹ tôi chỉ dạy, đậm đà, thơm ngon, hòa quyện với các nguyên liệu”, Ethan nói thêm.

bánh mì Việt ở Úc
Anh Eddie tự tay chế biến bánh mì phục vụ thực khách

Sau vài tháng "gây sốt" ở khu chợ trời, anh em Ethan tìm được một mặt bằng ưng ý, nằm ở ngã ba của một góc phố đông đúc. Họ trang trí quán ăn với những gam màu, hình ảnh mang nét đặc trưng của TPHCM và văn hóa hàng quán vỉa hè Việt Nam. Tấm biển The Big Banh Mi được treo trước cửa.

"Chúng tôi mong muốn tạo ra một trải nghiệm mới mẻ cho thực khách. Dù họ chưa vào quán, chỉ đi ngang qua, họ vẫn nhận ra đó là quán ăn Việt Nam”, anh Ethan Nguyễn chia sẻ.

Mở bán gần hai năm, tiệm bánh mì đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người địa phương. 

Hằng ngày, thịt lợn được nhập, sơ chế, ướp ít nhất 2 giờ hoặc qua đêm tùy từng loại. Sáng hôm sau, những tảng thịt lớn được đem chế biến, quay vàng ruộm, vỏ nổ giòn tan. Một phần thịt khác sẽ làm thành thịt nướng đậm đà, hơi sém lửa, thơm phức.

Đồ chua ăn kèm như cà rốt, củ cải muối hay pate, bơ đều do gia đình Ethan và Eddie trực tiếp thực hiện.

Bánh mì kẹp thịt nướng, thịt quay giòn bì, kết hợp với đồ muối chua, hành ngò, nước sốt là món bán chạy nhất. Buổi trưa, rất đông nhân viên văn phòng quanh khu vực đặt hàng hoặc tới xếp hàng chờ mua.

Sau này, họ bổ sung thêm bánh mì gà sả, bánh mì bò sả để thực khách đa dạng lựa chọn. Với khách ăn chay, quán có bánh mì nhân đậu phụ và pate nấm. 

"Kinh doanh món Việt vất vả hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều. Hiện quán phải thuê thêm nhân viên - chủ yếu là người Việt hoặc các bạn sinh viên đa quốc gia làm theo ca. Dù vất vả nhưng mỗi khi thấy các vị khách khen ngợi chiếc bánh mì Việt Nam, chúng tôi đều vui sướng vô cùng”, Ethan và Eddie chia sẻ.

bánh mì Việt ở Úc
Anh em Ethan và gia đình, cộng sự tạo nên quán ăn Việt ở Úc

Năm qua, hai chàng trai quyết định đưa thêm vào thực đơn món phở, bún bò, bún thịt nướng, gỏi cuốn Việt Nam.

"Lựa chọn này tạo thêm thử thách cho chúng tôi. Với món phở, mỗi ngày, nồi nước dùng từ 100% xương bò phải hầm 12-14 tiếng. Nước dùng được gia giảm mang hương vị phở Đà Lạt. Thịt bò tại Úc sẽ mềm hơn thịt bò Việt Nam nên thời gian hầm bắp hay nạm sẽ ngắn hơn một chút”, Ethan cho biết.

Hay với món bún bò, trước khi mở bán, gia đình Ethan và Eddie mất vài tháng để học công thức, nấu thử. "Việc cân bằng mùi và vị mắm ruốc sao cho hòa quyện với vị mặn, chua, ngọt và hơi cay trong bún bò thực sự rất khó", Ethan nói.

Hai anh em Ethan và Eddie dự kiến sẽ tiếp tục phát triển cửa hàng đồ ăn Việt tại Newcastle và mong muốn có thêm nhiều chi nhánh. mới.

"Quán ăn không chỉ là tâm huyết của hai anh em mà còn là tình yêu của đại gia đình. Chúng tôi tự hào về ẩm thực quê hương và muốn giới thiệu, lan tỏa tới bạn bè quốc tế”, Ethan và Eddie tâm sự. 

Giới thiệu kỳ sau

Mỗi mùa hè, ở góc ngã tư đường Avuenue d'Ivry, quận 13 - quận sầm uất bậc nhất Paris, có một quán ăn "lạ", thu hút sự chú ý bởi âm thanh ồn ào, náo nhiệt và những dãy bàn, ghế nhựa xanh đỏ đặt ngay vỉa hè. Trên bàn là những chiếc cốc thủy tinh đựng giấy ăn, thìa, đũa tre... "chuẩn quán vỉa hè Việt Nam".

Mời quý vị đón đọc kỳ sau: Vợ chồng Việt bán sứa chấm mắm tôm, vịt cháy tỏi ở vỉa hè Paris

Bài viết: Linh Trang - Thiết kế: Đỗ An