Đáp án tham khảo môn Toán thi tốt nghiệp THPT 2023
Clip sĩ tử làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi chiều nay:
Sau 3 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT phải tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là kỳ thi quay trở về trạng thái bình thường. Học sinh lớp 12 dự thi năm nay cũng đã có một năm cuối trọn vẹn theo hình thức học trực tiếp.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, cho biết với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh, có khoảng 250.000 người được điều động tham gia công tác tổ chức thi ở các vùng miền địa hình khác nhau.
Hiện 63 tỉnh, thành đều đã xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý khi có tình huống phát sinh. Theo thống kê, có khoảng trên 60% trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển.
Năm nay, Hà Nội có hơn 102.000 thí sinh tham dự kỳ thi với gần 4.500 phòng thi tại 189 điểm thi. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Hà Nội đã điều động gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi.
Tại điểm thi Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), Đỗ Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, không mấy lo lắng bởi trước đó, em đã nhận kết quả trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia và Học viện Ngoại giao.
Kết quả này khiến nữ sinh như "cởi bỏ" được áp lực đè nén trong suốt năm học lớp 12. Tuy vậy, với Ngọc, kỳ thi này vẫn rất quan trọng, bởi ngoài xét tốt nghiệp, em sẽ dùng kết quả này kết hợp với điểm IELTS đạt 7.0 để xét tuyển vào ngành Kinh tế quốc tế - vốn là ngành top của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Tại điểm thi THPT Chu Văn An (Hà Nội), các thí sinh được sắp xếp phòng gửi đồ ngay từ chiều nay. Tuân thủ tuyệt đối không mang balo, túi xách, điện thoại... vào phòng thi 14h15, học sinh được gọi vào phòng, ổn định chỗ ngồi và lắng nghe quy chế.
Tại điểm thi Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), bà Nguyễn Hồng Hạnh, Trưởng điểm thi này cho hay, đã tổ chức học quy chế cho các cán bộ coi thi.
“Ngoài bản quy chế in trên giấy, chúng tôi còn chuẩn bị máy chiếu để hướng dẫn thêm, nhấn mạnh những điểm cần lưu ý tới các thầy cô. Đặc biệt, lưu ý tới các thiết bị thu phát sử dụng công nghệ cao. Chúng tôi đã phải nhắc đi nhắc lại việc này.
Song, thực sự cũng rất lo. Bởi có những thiết bị công nghệ cao mà bản thân các thầy cô cũng như chúng tôi có khi cũng chưa nhìn thấy bao giờ. Ngoài việc chú ý ở những vật dụng được cơ quan công an cảnh báo thường gặp nhiều như kính mắt, bút... chúng tôi nhấn mạnh khi vào phòng thi vẫn rất cần năng lực nhận biết của từng thầy cô.
Đặc biệt, cần chú ý quan sát thí sinh việc lẩm bẩm, ngọ nguậy và những biểu hiện bất thường khác. Những điều này, thực sự phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của các thầy cô là chính”, bà Hạnh nói.
Với điện thoại, ngoài lực lượng an ninh gồm 2 cán bộ công an, bảo vệ, lực lượng thanh niên tình nguyện sẽ hướng dẫn thí sinh đến khu để đồ cách biệt với khu phòng thi.
"Trước khi cho thí sinh vào phòng thi, chúng tôi yêu cầu cán bộ coi thi chú ý rà soát. Nếu thấy túi quần, túi áo cộm cộm cũng nhắc ngay, bởi cũng có thể thí sinh quên việc mang điện thoại vào phòng thi thật”, bà Hạnh nói.
“Để hạn chế tối đa gian lận thi cử nếu có, chúng tôi nhắc các cán bộ coi thi ngay sau khi phát đề thi không vội “chăm chăm” chuyện ký vào tờ đề thi mà dành thời gian đầu giờ đó để tập trung theo dõi, quan sát hành vi của thí sinh.
Bởi thường nếu thí sinh có ý định tuồn đề thi ra ngoài thì phải nói lẩm bẩm hoặc chụp ảnh, và thường muốn chuyển ra sớm và xảy ra ở giai đoạn đầu giờ làm bài. 10 đến 15 phút đầu giờ, chúng tôi nhắc giám thị tập trung quan sát bao quát, khi mọi thứ đã ổn thì bắt đầu đi ký tờ đề thi cũng không muộn”. Điểm thi này có 17 phòng với 408 thí sinh.
Chiều nay, hơn 85.000 thí sinh TP.HCM đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã đến 156 điểm thi làm thủ tục. Trong số các thí sinh dự thi, có 9.985 em được miễn bài thi môn Ngoại ngữ. Mỗi quận, huyện của TP bố trí từ 1 đến 3 điểm thi, mỗi điểm thi có từ 1 đến 3 phòng thi dự phòng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TP.HCM huy động hơn 700 người làm lãnh đạo điểm thi, 11.280 người cán bộ coi thi, 2.370 nhân viên phục vụ điểm thi, 474 công an trực, 92 ban in sao đề thi và 204 người vận chuyển và bàn giao đề thi.
Tại mỗi điểm thi sẽ bố trí 1 điện thoại cố định có loa ngoài, 1 máy tính được nối mạng Internet (sử dụng khi chuyển báo cáo nhanh cho hội đồng thi) đặt tại phòng trực của điểm thi. Đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được hoàn tất.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được chuẩn bị chu đáo. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia vào kỳ thi đều được tập huấn kỹ, đảm bảo nắm vững quy chế thi.
Trong buổi làm thủ tục dự thi tại TP Đà Nẵng chiều nay, thời tiết nắng gắt. Tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh, ngay trước cổng được dán sẵn thông tin để thí sinh thuận tiện kiểm tra. Giáo viên túc trực hướng dẫn các em đến đúng phòng thi và chỉnh sửa sai sót nếu có.
Kỳ thi năm nay tại Đà Nẵng có 13.176 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp có 49 thí sinh; dự thi chỉ để xét tuyển cao đẳng, đại học có 447 thí sinh; dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển cao đẳng, đại học có 12.680 thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Quảng Ninh có 16.024 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 2.046 thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp (12,77%); 13.566 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (84,66%); 412 thí sinh đăng ký chỉ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (2,57%).
Toàn tỉnh tổ chức 1 hội đồng thi với 37 điểm thi đặt tại các cơ sở giáo dục đáp ứng thuận tiện cho thí sinh và an toàn cho công tác tổ chức của kỳ thi.
Để tổ chức kỳ thi, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế dự kiến điều động 2.667 người tham gia thực hiện nhiệm vụ thi theo Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đã được các sở, ngành, UBND các địa phương phối hợp triển khai thực hiện đúng tiến độ, đáp ứng các yêu cầu tổ chức thi theo đúng quy định, quy chế của kỳ thi.
Năm nay, tỉnh Quảng Nam có 17.197 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trong đó, thí sinh chỉ thi tốt nghiệp gồm 134, thí sinh thi tốt nghiệp và xét ĐH, CĐ có 16.460 và 603 thí sinh chỉ thi để xét ĐH, CĐ.
Tỉnh có 56 điểm thi với 865 phòng. Năm nay, mỗi điểm thi bố trí 1 máy tính tại phòng trực của điểm thi và bảo đảm máy tính chỉ được nối mạng internet khi chuyển báo cáo nhanh cho hội đồng thi, phải ghi nhật ký sử dụng máy tính, có sự chứng kiến của phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất.
Tỉnh Quảng Nam sẽ bố trí 2.860 người là cán bộ lãnh đạo điểm thi, thư ký, cán bộ coi thi, giám sát, nhân viên… để phục vụ kỳ thi năm nay.
Kỳ thi năm nay, tỉnh Bình Định có tổng số 18.897 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó, học sinh THPT: 17.592; học sinh GDTX: 956 và thí sinh tự do: 349). Tỉnh có 43 điểm thi với 828 phòng thi. Tỉnh này cũng đã huy động hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 4.00 người gồm các lực lượng công an, y tế, bảo vệ, phục vụ để đảm bảo an toàn cho kỳ thi.
Hơn 12.000 thí sinh ở TP Cần Thơ chiều nay cũng có mặt tại 25 điểm thi để làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế thi. Trước giờ làm thủ tục 30 phút, nhiều thí sinh được cha mẹ đưa đến trường sớm, một số tự đi xe máy.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ - ông Trần Thanh Bình cho biết, năm nay, thành phố hơn 12.000 thí sinh đăng ký dự thi. Sở đã thành lập hội đồng thi huy động 1.870 cán bộ tham gia công tác coi thi, trong đó lực lượng công an có 127 người.
Chiều 27/6, Khánh Hòa trời nắng gắt, thí sinh tới các điểm thi làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Tại điểm thi trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang), sĩ tử sau khi xem danh sách phòng thi đã vào bên trong để lắng nghe cán bộ coi thi phổ biến quy chế, lịch thi.
Ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có 33 điểm thi với 14.480 thí sinh dự thi (tăng 400 thí sinh so với năm trước), 618 phòng thi, 75 phòng chờ. Địa phương này huy động 2.296 cán bộ, giáo viên, lực lượng an ninh tham gia công tác coi thi.
Trước, trong, sau kỳ thi, ngành giáo dục phối hợp với Công an tỉnh trong việc triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự ở tất cả các khâu của kỳ thi, đặc biệt là công tác in sao, bảo mật, vận chuyển đề thi, bài thi; đảm bảo an toàn khu vực chấm thi; hỗ trợ kiểm tra, phát hiện các trường hợp gian lận trong thi cử, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, Sở Y tế thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho các thí sinh và lực lượng tham gia công tác thi; triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa lập phương án cấp điện cho toàn tỉnh và phân công các đơn vị trực thuộc triển khai công tác chuẩn bị phục vụ kỳ thi, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục tại các địa điểm tổ chức kỳ thi (nơi in sao, 33 điểm coi thi, nơi chấm thi, nơi làm phách).
Hơn 33.000 thí sinh ở Đồng Nai đã tới các điểm thi để nghe hướng dẫn và hoàn tất các thủ tục cuối cùng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền (TP Biên Hoà), mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng nhiều học sinh đã có mặt từ sớm để làm thủ tục đăng ký dự thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Đồng Nai có 33.200 thí sinh dự thi ở 59 điểm thi chính thức tại 11 địa phương. Đây là địa phương có số lượng thí sinh lớn thứ 5 cả nước (sau Hà Nội, TPHCM, Thanh Hoá, Nghệ An) và thứ nhì ở khu vực phía Nam.
Để đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi, tỉnh Đồng Nai đã huy động 6.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên tham gia làm nhiệm vụ tổ chức, coi thi, thanh tra, bảo vệ kỳ thi.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã cử cán bộ, giảng viên của 3 trường đại học tại TP.HCM đến Đồng Nai làm nhiệm vụ thanh tra tại các điểm thi.
Cho phép thí sinh mang đồng hồ vào phòng thi Bộ GD-ĐT quy định cho phép thí sinh mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác). Trong quy chế thi nêu rõ 8 đồ vật được mang vào phòng thi, không có đồng hồ đeo tay. Thế nhưng nhiều thí sinh cho rằng nếu không được mang đồng hồ cơ vào sẽ rất khó để sắp xếp, bố trí thời gian làm bài thi. Quy định thí sinh có được mang đồng hồ vào phòng thi hay không tại mỗi địa phương mỗi khác. Ví dụ tại TP.HCM, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu thí sinh được phép mang vào phòng thi vật dụng thiết yếu để đảm bảo sức khỏe và phục vụ quá trình thi như nước uống xé bỏ nhãn và đồng hồ đeo tay chỉ có chức năng xem giờ, không phải đồng hồ thông minh và không có các tính năng lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh dưới mọi hình thức. Trong khi đó, để thí sinh theo dõi thời gian làm bài, các hội đồng thi ở Hải Dương đều bố trí đồng hồ treo trường loại lớn và không cho thí sinh mang đồng hồ vào phòng thi như những năm trước. Về vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết chiều 27/6, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo tới 63 Hội đồng thi các tỉnh, thành. Theo đó, vào phòng thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được phép mang đồng hồ đeo tay và đó phải là đồng hồ cơ, không gắn thêm các thiết bị lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh và chỉ phục vụ mục tiêu dõi thời gian làm bài. Với loại đồng hồ thông minh, thí sinh không được phép mang vào phòng thi nếu không sẽ bị xử lý kỷ luật theo đúng quy chế thi. |
Các mốc thời gian đáng nhớ trong kỳ thi:
Nhóm phóng viên
Mời quý phụ huynh, học sinh tra cứu điểm thi THPT năm 2023 trên VietNamNet