Với tinh thần “Vietnam can do - Việt Nam có thể làm được", vị chủ tịch từng 5 lần thi trượt đại học đã chinh phục được khách hàng khó tính Nhật Bản và đang tiếp tục đưa sản phẩm Việt sang nhiều thị trường quốc tế khác.
“Tôi đến với ngành cơ khí như một cái duyên”, ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) trầm ngâm nhớ lại.
Tốt nghiệp đại học năm 2009, chàng sinh viên Hoàng Hữu Thắng mưu sinh bằng việc kinh doanh mũ bảo hiểm, nhưng sau 2 năm, nhận thấy sản phẩm mũ bảo hiểm không có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai, khi các dự án giao thông công cộng phát triển mạnh, và ngày càng nhiều người mua ô tô, nên quyết định chọn ngành nghề khác để lập nghiệp.
“Sau nhiều ngày tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, tôi bị thu hút bởi hình ảnh những sản phẩm liên quan đến băng tải, băng chuyền, đang được ứng dụng rộng rãi ở các nhà máy và trong ngành công nghiệp. Hồi đó, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ồ ạt vào Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, gần như nhà máy nào của họ cũng cần sản phẩm băng tải, băng chuyền. Từng học về Cơ điện tử, tôi mạnh dạn tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm cơ khí, kỹ thuật, và thấy ngành này có rất nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mày mò thêm thông tin các tập đoàn lớn trên thế giới làm về lĩnh vực này, những nhà máy hiện đại của họ khiến tôi mê quá. Thế là tôi quyết tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa dù rằng sự am hiểu chỉ thu gọn trong kiến thức sách vở trên ghế nhà trường và thời gian ngắn tìm hiểu thông tin qua mạng Internet, chưa có chút kinh nghiệm thực tế nào. Lúc đấy chỉ hướng về phía trước chứ chưa ý thức được những khó khăn, vất vả sẽ phải đối mặt”, ông Thắng kể về cái duyên đến với lĩnh vực cơ khí, tự động hóa.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (viết tắt tiếng Anh là Intech Group) ra đời cuối năm 2011 tại căn nhà trọ, Hoàng Hữu Thắng tự đặt mục tiêu nỗ lực hết mình trong 5 năm, nếu thành công sẽ đi tiếp, còn không sẽ về làm tại khu công nghiệp ở tỉnh lẻ.
Muôn vàn khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp không kinh nghiệm, không mối quan hệ, không khách hàng, không nguồn tài chính. Gia đình xuất thân từ nhà nông, bố mẹ đều già cả, anh em họ hàng chủ yếu ở vùng quê miền núi Bắc Giang, nên không thể hỗ trợ gì.
Tuy nhiên, tuổi thơ đầy khó khăn, gian khổ, từng phải đạp xe 20km để bán rau trong tiết trời rét căm mà lưng đẫm mồ hôi, hoặc đêm hôm phải lọ mọ bắt tôm bắt tép…, và đặc biệt chuỗi ngày dài bị bạn bè dèm pha với nhiều cung bậc cảm xúc vì 5 lần thi trượt đại học, đã tôi luyện, rèn giũa cho Hoàng Hữu Thắng có ý chí, nghị lực, khả năng chịu đựng áp lực lớn hơn nhiều người khác.
Sau hàng tháng trời đăng tin rao vặt trên các trang Vật giá, Rồng bay, Mua bán…, lấy hình ảnh trên mạng để quảng bá sản phẩm, Intech đã có đơn hàng đầu tiên.
Giá trị đơn hàng chỉ hơn 10 triệu đồng nên khách hàng không yêu cầu quá cao về tiêu chuẩn nhà máy, năng lực sản xuất. Tuy nhiên, do làm qua đối tác trung gian không hiểu về kỹ thuật nên đã truyền đạt sai “đề bài”, dù Intech làm đúng thông số kỹ thuật trong hợp đồng, khách hàng vẫn không chịu nhận hàng, cũng không trả lại hàng vì đã ứng trước 50% giá trị đơn hàng. Thậm chí, người em trai đi giao hàng còn bị khách hàng giữ lại. Hoàng Hữu Thắng phải đến tận nơi giải thích cặn kẽ, họ mới thông cảm cho hai anh em về.
Còn 6 triệu tiền hàng, nhà sáng lập Intech lặn lội tìm tới tận huyện Xuân Trường (Nam Định) để đòi đối tác trung gian. Chầu chực một ngày không đòi được, đành bắt xe ôm lên thành phố Nam Định nghỉ tạm, trên đường lại bị tai nạn, xây xát hết mình mẩy. Hôm sau tiếp tục chầu chực đòi tiền. May đến trưa, đối tác cũng chịu trả 3 triệu đồng.
Sau đơn hàng đầu tiên không mấy suôn sẻ, nhà sáng lập Intech tiếp tục đăng tin rao vặt, dùng sự chân thành, chính trực và cầu thị để làm việc với khách hàng. Trời không phụ lòng người có tâm, đơn hàng bắt đầu đến nhiều hơn, chủ yếu là những đơn hàng nhỏ, đặt làm con lăn công nghiệp, băng tải công nghiệp.
Ông cặm cụi ngày đêm học vẽ, tự mình vẽ thiết kế sản phẩm, sau đó đặt gia công ở các xưởng nhỏ, xưởng có máy tiện thì đặt chi tiết liên quan đến tiện, xưởng có máy phay thì đặt chi tiết liên quan đến phay…, các thiết bị điện, linh kiện điện thì đặt ở các công ty bán thiết bị, linh kiện điện, rồi gom các chi tiết về nhà trọ lắp ráp, chạy thử, thấy ổn mới giao sản phẩm cho khách hàng.
Sau một thời gian có những đơn hàng lớn hơn thì liên kết với đối tác có nhà máy lớn hơn, nhờ họ sản xuất gia công, lắp ráp, và về sau lắp đặt giúp luôn. Intech chỉ tập trung vào mặt kỹ thuật, các dịch vụ trước và sau bán hàng.
Với cách làm như thế, dù không có nhà máy riêng, không phải đầu tư quá lớn cho máy móc, thiết bị, nhưng Intech vẫn làm ra được sản phẩm đáp ứng yêu cầu đề ra.
Thời gian đầu lập công ty, Hoàng Hữu Thắng dành hết tâm sức cho công việc, thời gian ngủ rất ít, gần như không có thời gian chơi. “Lúc đó đang yêu, 11 – 12 giờ đêm người yêu gọi điện hỏi đang làm gì thì thấy mình vẫn đang lắp băng tải, lắp con lăn, lắp sản phẩm… bởi vì sáng hôm sau phải giao hàng cho khách. Hồi đó trông mình ốm lắm, chỉ khoảng 50 – 52kg, mặt mũi hốc hác, phờ phạc, ai cũng bảo già trước tuổi”, nhà sáng lập Intech vừa cười vừa nhớ lại.
Quy mô, năng lực công ty hạn chế, dù rất muốn có thêm doanh thu, lãnh đạo Intech cũng đã phải từ chối không ít đơn hàng quá khó về mặt kỹ thuật hoặc giá trị lên tới vài tỷ đồng khi nguồn vốn của công ty còn nhiều hạn chế.
Ông Thắng giải thích: “Mình biết khả năng của mình. Từ chối là giải pháp tốt cho cả khách hàng và cả mình. Mình cứ cố nhận, không đủ sức làm, ảnh hưởng trực tiếp đến dây chuyền sản xuất, kế hoạch sản xuất của khách hàng, sẽ gây thiệt hại cho cả đôi bên. Khách hàng và mình đều không muốn vậy. Sau này nguồn lực tăng lên, mình có thể nhận đơn hàng phù hợp hơn theo năng lực của công ty”.
Với phương châm chỉ chắc chắn làm được thì mới nhận làm, trong 5 năm đầu hoạt động, trừ đơn hàng đầu tiên, Intech chưa từng bị khách hàng trả lại hàng hoặc không nghiệm thu.
Đơn hàng lớn nhất trong 5 năm đầu của Intech trị giá gần 8 tỷ đồng, cung cấp cho nhà máy của Hàn Quốc ở tận Nghệ An. Trước đó, Intech đã từng cung cấp dây chuyền thiết bị trị giá khoảng gần 3 tỷ đồng cho nhà máy này ở Hải Dương.
“Thực ra đơn hàng 8 tỷ đồng lúc đấy cũng hơi quá sức của Intech về mặt tài chính. Intech đảm bảo về kỹ thuật và tiến độ, thẳng thắn chia sẻ tình hình thực tế để họ tạo điều kiện về mặt tài chính, thanh toán. Khách hàng cũng hiểu nên đã đến được với nhau. Những đơn hàng như thế giúp công ty có sức bật hẳn lên, dần phát triển từ một công ty chuyên về cơ khí chế tạo sang một tập đoàn cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ là Intech Group sau này”, ông Thắng bộc bạch.
Mê các nhà máy chuyên nghiệp, khang trang, sạch đẹp của doanh nghiệp FDI, khi lưng vốn đã dồi dào hơn, “sếp” của Intech quyết tâm xây dựng nhà máy riêng để chủ động hơn về chất lượng sản phẩm và tiến độ sản xuất.
Ban đầu cũng chỉ là nhà máy để lắp ráp, sau có khách hàng ổn định hơn, việc đều hơn thì mới bắt đầu đầu tư thêm máy móc để chủ động việc sản xuất. Không có tiền thì mua máy bãi, máy cũ để tiết kiệm chi phí. Có điều kiện hơn thì mua hẳn máy mới của Trung Quốc, Nhật Bản hoặc châu Âu.
“Tình hình tài chính công ty tốt lên thì đầu tư máy chất lượng, xịn sò hơn, để đáp ứng yêu cầu chất lượng những sản phẩm khó của khách hàng. Intech hiện có nhiều dàn máy của Nhật Bản, châu Âu, có những máy trị giá hơn 10 tỷ đồng vì toàn là những dòng máy đời cao nhất nhì thị trường ở thời điểm mua. Một số đối tác khách hàng nước ngoài đến thăm, không tin nhà máy này của doanh nghiệp Việt Nam mà nghĩ là của ông chủ nước ngoài hoặc có công ty nước ngoài đầu tư”, Chủ tịch Intech chia sẻ.
Để làm ra những chi tiết, linh kiện đạt yêu cầu của các khách hàng khó tính về cả chất lượng và tính thẩm mỹ, không chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, Intech còn đầu tư cả hệ thống kiểm soát chất lượng khắt khe nghiêm ngặt tại từng khâu, từng bộ phận, từng nhân viên, với những thiết bị đo đạt chuẩn quốc tế.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được nghiêm túc đầu tư, triển khai. Đơn cử, với sản phẩm con lăn công nghiệp đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 4 năm nay, khách hàng yêu cầu rất cao về chất lượng và độ bền. Trung tâm nghiên cứu của Intech đã phải chạy thử, kiểm tra, đánh giá hàng năm trời ròng rã trước khi mang hồ sơ đi chào hàng, có chỉ số đo rõ ràng để chứng minh chất lượng và quy trình sản xuất.
Từng sử dụng con lăn do Intech cung cấp, ông Eisei Hirata, Trưởng Phòng Cung ứng và Kế hoạch, Công ty Tsubakimoto Chain đánh giá rất cao sản phẩm của doanh nghiệp Việt: “Các dự án lớn của chúng tôi đều sử dụng con lăn Intech. Qua 5 triệu lần thử nghiệm độ bền sản phẩm Intech cùng với các thương hiệu khác trong nước, chúng tôi đánh giá sản phẩm con lăn Intech có độ bền cao nhất, chất lượng tốt nhất”.
Chủ tịch Intech Group xác định: “Muốn phát triển bền vững nên đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu và phát triển. Đập đi làm lại là chuyện rất bình thường, chấp nhận tốn rất nhiều nguồn lực về cả tài chính, nhân sự, thời gian và tâm trí”.
Trung tâm nghiên cứu của Intech hiện có khoảng gần 20 nhân sự, gồm cả kỹ sư cơ khí chế tạo, kỹ sư điện, điều khiển, kỹ sư về phần mềm…
Nghiên cứu đón đầu công nghệ mới để sớm đưa vào sản phẩm là việc làm thường xuyên của đội ngũ Intech, thông qua hoạt động nghiên cứu trên mạng Internet, hoặc trực tiếp tham gia các triển lãm, hội thảo quốc tế, thăm quan thực tế ở nước ngoài…
Dòng sản phẩm “Make in Vietnam” của Intech ngoài con lăn công nghiệp, băng tải công nghiệp, còn có hàng loạt sản phẩm liên quan tới chi tiết máy, linh kiện máy, hệ thống phân loại tự động, kho hàng thông minh, robot tự hành AGV…, đều đã khẳng định chất lượng trên thị trường.
“Người Việt Nam cứ tìm mua sản phẩm ở Trung Quốc và nước ngoài về, trong khi chính những sản phẩm đấy thì Intech lại đang cung cấp đi nước ngoài, cả những thị trường khó tính. Đầu năm vừa rồi, truyền thông nói về nhà máy hiện đại nhất nhì Đông Nam Á của Tập đoàn ABB khánh thành ở Bắc Ninh. Tất cả dây chuyền, hệ thống tự động hóa trong nhà máy đó là do Intech cung cấp 100%, từ khâu tư vấn, thiết kế, gia công lắp đặt, “chìa khóa trao tay”. Nhiều người không biết lại nghĩ ABB mang máy móc thiết bị từ châu Âu sang”, ông Thắng giãi bày tâm tư.
Hiện Intech đang tiếp tục đẩy những sản phẩm mang tính công nghệ cao hơn, có hàm lượng chất xám cao hơn ra nước ngoài.
Mới đây đã có đối tác Nhật Bản đặt hàng hệ thống phân loại chia chọn bưu kiện tự động, Intech đang trong quá trình sản xuất, dự kiến đầu năm 2024 sẽ chuyển hàng từ Việt Nam sang Nhật, cử đội chuyên gia sang lắp đặt cho khách hàng.
“Chúng tôi cũng đang làm việc với một số đối tác của châu Âu, tuy nhiên, trước mắt, Nhật Bản vẫn sẽ vẫn là thị trường trọng tâm. Dĩ nhiên, đối tác quốc tế khác có duyên đến thì chúng tôi cũng sẽ phục vụ, đáp ứng yêu cầu tốt nhất có thể. Dự kiến Nhật Bản, Mỹ, châu Âu sẽ là 3 thị trường trọng điểm trong 5 năm tới của Intech”, ông Thắng chia sẻ thêm.
Để thâm nhập được thị trường Nhật Bản, đội ngũ Intech đã phải trải qua rất nhiều gian truân, có những lúc cũng cảm thấy mệt, tưởng chừng bị đuối sức, phải đầu hàng. Slogan “Vietnam can do – Việt Nam có thể làm được” đã trở thành động lực để tái tạo năng lượng, quyết tâm làm bằng được.
Khát vọng đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới hình thành trong tâm trí của Chủ tịch Intech từ những lần đi triển lãm quốc tế, tham quan các nhà máy ở nước ngoài. Tiếp đến, những lời nói “Việt Nam không sản xuất nổi con ốc vít”, hay có đối tác nhận định “Việt Nam chỉ là nước kém phát triển” đã động chạm tới tinh thần dân tộc của doanh nhân Việt, khiến ông ngày càng muốn sớm đưa được sản phẩm “Make in Vietnam” ra thị trường quốc tế, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó dần thay đổi suy nghĩ về con người Việt Nam, thay đổi nhìn nhận về đất nước Việt Nam của bạn bè thế giới.
“Tinh thần của một doanh nhân là dám dấn thân, dám nghĩ, dám làm, và nếu có lý tưởng lớn, cao đẹp thì sẽ nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, xã hội”, doanh nhân Hoàng Hữu Thắng nhấn mạnh.
Chinh phục khách hàng, thị trường quốc tế là chuyện không hề đơn giản. Bên cạnh khát vọng, hoài bão lớn về việc khẳng định thương hiệu, trí tuệ Việt, thì ông Thắng lưu ý doanh nghiệp Việt cần quan tâm đúng mức hơn tới một số vấn đề cụ thể, chẳng hạn như xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
“Tương lai rất gần thôi, nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa trong quá trình cung ứng, từ xanh hóa doanh nghiệp, xanh hóa nhà máy, xanh hóa nền sản xuất, xanh hóa sản phẩm…. thì sẽ không thể cung cấp được hàng hóa vào các thị trường khó tính, thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật… Dù các đối tác lớn không bắt buộc phải đạt các tiêu chuẩn này ngay bây giờ, nhưng họ sẽ ưu tiên cơ hội hợp tác với những doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn trước. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt phải để ý chuẩn bị, nếu không sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Thắng khuyến nghị, đồng thời cho biết năm 2024 Intech có kế hoạch xây nhà máy mới, sẽ là nhà máy xanh.
Ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch Hoàng Hữu Thắng khẳng định Intech Group là công ty thuần Việt, 100% của người Việt, không có yếu tố nước ngoài. Song ông cũng để ngỏ hướng đi tương lai: “Nhiều đối tác nước ngoài đã quan tâm đặt vấn đề đầu tư. Chúng tôi sẽ cân nhắc lựa chọn đối tác phù hợp để có sự bứt phá, tăng tốc tốt hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Bài: Bình Minh
Thiết kế: Nguyễn Cúc