Chú sói nhỏ Wolfoo ra đời năm 2018, dần trở thành nhân vật chiếm trọn tình cảm của khán giả nhí.
Mọi yếu tố của phim hoạt hình Wolfoo đều mang đậm màu sắc văn hóa nước Mỹ. Ông Tạ Mạnh Hoàng – Nhà sáng lập, CEO Sconnect lý giải điều này: “Đặt mục tiêu lớn - hướng đến việc chinh phục thị trường khó tính như Hoa Kỳ, xứ sở của ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood, đội ngũ nhân sự của Sconnect đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm làm phim, đặc điểm thị hiếu khán giả Mỹ, không ngừng áp dụng, cải tiến và sáng tạo những kiến thức học được vào sản phẩm”.
Lựa chọn nhân vật chính trong phim hoạt hình là một chú sói cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi “Tại sao”.
“Trong giai đoạn đầu phát triển, chúng tôi đã cân nhắc có nên lựa chọn một hình tượng nhân vật chính hoàn hảo, đúng nghĩa "con ngoan trò giỏi" hay không, hay là lựa chọn hình tượng siêu anh hùng trong thế giới tưởng tượng siêu thực để thu hút khán giả nhí thông qua bối cảnh, không gian hoành tráng. Cuối cùng, sau một quá trình tìm hiểu và phân tích, lựa chọn của chúng tôi là cho ra đời hình tượng Wolfoo, phản ánh đúng thực tế và tập trung truyền tải thông điệp nhân văn, giáo dục qua những tình huống gần gũi hàng ngày", ông Hoàng chia sẻ.
Nhân vật sói thường hay xuất hiện trong các bộ phim với hình ảnh “phản diện” ranh mãnh. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, sói là loài vật khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có trí thông minh tuyệt vời.
Những đặc điểm đó rất phù hợp với tinh thần mà Sconnect muốn hướng tới: Một bộ phim không chỉ mang tính giải trí mà còn kết hợp với các yếu tố giáo dục cả về thể chất và trí tuệ.
Sconnect đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng hành vi của trẻ nhỏ và phương pháp giáo dục Montessori để đưa vào bộ phim 12 tiêu chuẩn giáo dục phù hợp với trẻ, từ đó nhận được sự tin tưởng của phụ huynh và sự yêu thích từ trẻ em trên toàn cầu.
Lựa chọn tiếp theo của Sconnect chính là nối dài giá trị mà một nhân vật hoạt hình đem lại, thay vì chỉ dừng lại ở một sản phẩm hoạt hình.
Trên thực tế, mô hình này đã được ứng dụng rất thành công trên thế giới với cách gọi “Thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ”, được hiểu đơn giản là khai thác hình ảnh của một nhân vật nổi tiếng trên nhiều hình thức khác nhau để đem lại giá trị tối đa, giúp nhân vật không chỉ tồn tại trong thế giới quan của bộ phim hoạt hình mà có thể bước ra đời thật và mang lại những giá trị thiết thực hơn. Nhiều nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Chuột Mickey, Vịt Donald, Người Nhện hay Minions bước ra từ phim và đã ghi dấu trên những sản phẩm phục vụ đời sống như cốc uống nước, thú nhồi bông hay họa tiết trang phục.
Wolfoo là nhân vật hoạt hình tiên phong đang được Sconnect áp dụng mô hình “Thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ”. Trước sự yêu mến của đông đảo khán giả nhí, Sconnect tiếp tục phát triển hệ thống game dựa trên bộ nhân vật Wolfoo cũng như giá trị cốt lõi về giáo dục của bộ phim vào cuối năm 2021. Chỉ sau một thời gian ngắn, Wolfoo Game nhanh chóng cán mốc 3 triệu lượt tải trên toàn cầu và nhận 22 huy hiệu Teacher Approved do những chuyên gia giáo dục hàng đầu của Google trao tặng.
Thế giới quan của bộ phim hoạt hình Wolfoo bao gồm toàn bộ nhân vật và giá trị giáo dục cũng được chuyển hóa thành sách và các sản phẩm trò chơi giáo trí (ngoài tác dụng giải trí thì còn giúp giáo dục trẻ - PV), tham gia quá trình nuôi dạy con cái của các bậc cha mẹ.
Sách truyện, khu vui chơi, quần áo, bánh kẹo và nhiều sản phẩm cho trẻ em khác, đã, đang và sẽ được Sconnect tiếp tục ứng dụng hình ảnh của Wolfoo. Không chỉ là một nhân vật hoạt hình vui nhộn, Wolfoo sẽ có thể giúp định hướng cho trẻ những hành vi đúng và trở thành người bạn đồng hành tin cậy của các gia đình.
Thành lập vào năm 2014, Sconnect đi những bước đầu tiên với đội ngũ nhân sự chưa đến 10 người và thực hiện những nội dung tổng hợp trên nền tảng YouTube, sớm có lượng traffic đạt 100 triệu views/tháng.
Sau hai năm hoạt động, nhân sự tăng lên hơn 60 người, Sconnect bắt đầu mở rộng nội dung sản xuất sang hoạt hình 2D và Stopmotion (hoạt hình đất nặn – PV).
Thời điểm 2016, Stopmotion chưa phổ biến ở Việt Nam, gần như không có đơn vị nào đi trước để học mẫu. Khi thị trường còn “xanh”, chưa có quá nhiều sự cạnh tranh, Sconnect có nhiều cơ hội phát triển, nhưng đồng thời đây cũng là thách thức lớn, bởi mọi khâu sản xuất đều phải vừa học vừa làm.
Tôn chỉ hàng đầu mà mọi nhân sự Sconnect đều phải thuộc nằm lòng là: “Đôi khi sự lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực”. Có thể hiểu đó là làm việc chăm chỉ và làm việc thông minh không tạo ra kết quả như nhau. Lựa chọn đúng đắn có thể giúp những nỗ lực của chúng ta đi xa hơn rất nhiều.
Trong suốt hành trình phát triển của mình, Sconnect đã hơn một lần chứng minh tôn chỉ ấy là đúng.
Trước khi ra mắt Wolfoo và có quyền tự hào về sản phẩm của mình, Sconnect cũng trải qua không ít lần thất bại. Nhưng cũng chính từ những lần thất bại đó, thương hiệu phim hoạt hình Việt đã tự rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát triển bền vững hơn.
Cùng với Wolfoo, tới nay, Sconnect còn sở hữu 13 IP hoạt hình áp dụng những công nghệ làm phim mới nhất, sở hữu thế giới quan đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng khán giả như: Fairy Tales, Max’s Puppy Dog, Tiny, 3D Minecraft hay Doll Crafts.
Từ xuất phát điểm chỉ dựa trên nền tảng YouTube, tới nay, các hệ thống phim hoạt hình của Sconnect đã có mặt trên nhiều kênh truyền hình như SCTV, K+, FPT Play, hay các nền tảng trả phí như OTT/IPTV như Netflix và ở một số quốc gia khác.
Đặc biệt, mới đây, Sconnect vừa được Chính phủ Trung Quốc thông qua giấy phép phát sóng trên truyền hình trung ương tại đất nước tỷ dân và góp mặt trên các nền tảng lớn nhất của quốc gia này.
Bị hiểu lầm sản phẩm “ngoại nhập” là câu chuyện vui mà Sconnect thường nhắc đến. Vui vì sản phẩm của mình đã có thể đứng ngang hàng với những sản phẩm của nước ngoài.
Tuy nhiên, nhà sáng lập thương hiệu phim hoạt hình Việt cũng nghiêm túc nhìn nhận rằng đây là vấn đề cần suy ngẫm, khi chưa thể tận dụng được những giá trị văn hóa Việt Nam, đem bản sắc đất nước mình đến với bạn bè quốc tế.
Mục tiêu trong tương lai của Sconnect là có thể cho ra mắt một sản phẩm hoạt hình lấy ý tưởng giá trị đời sống và văn hóa Việt Nam, chứa đựng những câu chuyện gần gũi nhất, truyền tải những giá trị bản sắc của người Việt.
Không chỉ đặt mục tiêu phát triển cho doanh nghiệp mình mà còn hướng tới mục tiêu đưa ngành hoạt hình của Việt Nam lớn mạnh hơn nữa, Sconnect mong muốn có thể cùng với các đơn vị khác tham gia chuỗi kinh doanh dịch vụ nội dung số, phát triển các sản phẩm cung cấp cho thị trường toàn cầu, đưa các sản phẩm sáng tạo nội dung số Việt Nam ra thế giới. Qua đó sớm hiện thực hóa khát vọng ghi tên Việt Nam lên bản đồ ngành hoạt hình thế giới.
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, đặc biệt là các startup. Sconnect đang phát triển nhiều dự án sản xuất nội dung có quy mô lớn, bộ phim hoạt hình bom tấn của Việt Nam, sẵn sàng chia sẻ cơ hội cho các doanh nghiệp khác cùng đầu tư sản xuất, khai thác kinh doanh”, ông Hoàng nói.
Cuối năm 2022, Sconnect đã được Hội Truyền thông số Việt Nam ủng hộ để trở thành đơn vị sáng lập Câu lạc bộ Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA), một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các tổ chức/cá nhân tham gia lĩnh vực sáng tạo nội dung số.
Dù mới thành lập được 8 tháng nhưng DCCA đã có nhiều hoạt động đóng góp thiết thực cho ngành như: Tổ chức các chuỗi tọa đàm, workshop chia sẻ các kiến thức chuyên môn cho nhân sự của các hội viên, đưa ra các kiến nghị về chính sách thuế cho lĩnh vực sáng tạo nội dung...
Hiện DCCA đang tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động như: Tổ chức giải thưởng riêng cho ngành sáng tạo nội dung, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học về việc khai thác kinh doanh các tài sản sở hữu trí tuệ, tài sản bản quyền…
Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (DCC): Sconnect đã hội tụ đủ “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” Tôi rất ấn tượng và đánh giá cao khát vọng của Sconnect về việc ghi tên Việt Nam trên bản đồ ngành phim hoạt hình thế giới. Tôi hoàn toàn tin tưởng tính khả thi của việc hiện thực hóa khát vọng này. Chúng ta vẫn thường nói, để làm được việc lớn, đầu tiên chúng ta phải có khát vọng lớn. Chỉ khi có khát vọng đủ lớn, mới chuẩn bị được kế hoạch lớn và tập hợp đủ điều kiện để thực hiện được khát vọng lớn đó. Chúng ta vẫn hay nhắc đến các điều kiện cần và đủ như Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa. Tôi cho rằng hiện nay, Sconnect đã hội tụ đủ cả 3 yếu tố vừa nêu. Về “Thiên thời”, không riêng gì Việt Nam, cả thế giới đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, và Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia hưởng ứng mạnh mẽ nhất cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, coi đây như một cơ hội để thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới. Trong thời gian qua, chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật số để có thể hội nhập bình đẳng với thế giới. Nếu như trước đây, để chinh phục 1 thị trường, chúng ta gặp rất nhiều rào cản khi thâm nhập nước sở tại, thì bây giờ, với các nền tảng công nghệ số đa quốc gia, chúng ta dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Doanh nghiệp Việt nói chung, Sconnect nói riêng có thể dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho sản phẩm tốt nhất trong nguồn lực của mình, nghĩ ngay đến những sản phẩm dành cho thị trường toàn cầu. Về “Địa lợi”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều chiến lược cụ thể, thậm chí thành lập cả “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” với mong muốn tạo ra những sản phẩm đúng nghĩa “Made in Vietnam”. Những doanh nghiệp Việt như Sconnect nhận được sự cổ vũ, hưởng ứng mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành đối với nỗ lực tạo ra những sản phẩm số chất lượng cao ra thế giới, coi kinh tế số nói chung và lĩnh vực sáng tạo nội dung số là triển vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Về “Nhân hòa”, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số chất lượng cao, độ tuổi lao động rất trẻ và dồi dào, yêu cầu mức thu nhập đủ sức để tạo lợi thế cạnh tranh so với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Sconnect là tập hợp của hơn 1.000 nhân sự với gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất ra nội dung phim hoạt hình, đã có những sản phẩm ghi dấu ấn trên thị trường thế giới. Với ý chí và khát vọng mạnh mẽ, tôi tin rằng Sconnect hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện khát vọng lớn của mình. Tuy nhiên, khi ra quốc tế, chúng ta sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với luật chơi toàn cầu. Vấn đề hiểu biết về luật pháp quốc tế và luật pháp nước sở tại vô cùng quan trọng. Trong đó, việc tuân thủ về bản quyền và sở hữu trí tuệ là điều bắt buộc. Chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Đôi khi, chỉ có sự khát khao, khát vọng là không đủ. Chúng ta có thể bị thua oan uổng trong những tình huống cụ thể mà chúng ta chưa từng gặp phải khi kinh doanh ở Việt Nam. Khi hợp tác với các nền tảng đa quốc gia, cần hiểu rõ quy định của họ. Chúng ta cũng cần xây dựng hình ảnh cộng đồng kinh doanh lĩnh vực sáng tạo nội dung số ngày càng lành mạnh, có độ tín nhiệm cao trên thế giới và trong mắt các đối tác nền tảng số lớn. Tôi hy vọng với nỗ lực của Sconnect, của Liên minh Sáng tạo nội dung số và cộng đồng lĩnh vực này, chúng ta sẽ sớm ghi tên Việt Nam trên bản đồ ngành phim hoạt hình thế giới. |
Bài: Phạm Bình Minh, Nguyễn Như Sỹ, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Hoàng Hà
Thiết kế: Nguyễn Cúc