Muốn đi được đường dài trên hành trình ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp cần chú trọng sự chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cao.
Khó khăn chồng khó khăn
“Trong 6 tháng đầu năm 2023, hơn 3.000 doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã phải ngừng hoạt động, giải thể. Trong khó khăn chung, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin cũng chịu những ảnh hưởng nhất định”, ông Lê Trí Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng chia sẻ với Báo VietNamNet.
Đà Nẵng hiện có khoảng 35.000 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm khoảng 20% (tương đương 7.000 doanh nghiệp), gồm 4 nhóm: Doanh nghiệp ngoài Đà Nẵng như FPT, CMC… có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở Đà Nẵng; Doanh nghiệp nước ngoài hoặc có vốn nước ngoài hoạt động kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng, chủ yếu làm cho thị trường outsourcing (dịch vụ thuê ngoài); Doanh nghiệp Việt Nam làm outsourcing; Doanh nghiệp của Đà Nẵng, làm sản phẩm cho khối doanh nghiệp và khối chính phủ.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin thành phố Đà Nẵng đã tạo ra doanh thu ấn tượng so với các ngành nghề khác. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng lên hàng năm. Riêng kinh tế số đóng góp vào GRDP thành phố khoảng 20%.
Không chỉ chung tay phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những doanh nghiệp này giúp Đà Nẵng nhiều năm liên tiếp đứng đầu cả nước về xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh, mới đây lại được đánh giá là thành phố điển hình về đô thị thông minh. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng còn tham gia “sân chơi” quốc tế, đưa thương hiệu Việt hiện diện trên phạm vi thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng đang phải đối mặt rất nhiều thách thức.
Nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Hải hiểu khá rõ những khó khăn chồng chất khó khăn đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin ở Đà Nẵng, đặc biệt là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh quốc tế.
“Có một giai đoạn đồng Yên rớt giá, chỉ còn 75%, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng khi làm với thị trường Nhật Bản gặp rất nhiều bất lợi. Bình thường biên độ lợi nhuận cũng chỉ khoảng 20%, khi đồng Yên sụt giá 25% thì không ít doanh nghiệp bị lỗ”, ông Hải dẫn chứng.
Một loạt thách thức khác cũng được ông Hải “điểm mặt chỉ tên”: Giai đoạn 2020 – 2021, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, doanh nghiệp ít có điều kiện đi ra nước ngoài để khai phá thị trường mới, tìm kiếm dự án mới, cũng như duy trì quan hệ với các đối tác, khách hàng hiện hữu.
Doanh nghiệp bị cạnh tranh gay gắt bởi các “đối thủ” từ các nước trong khu vực, chẳng hạn như doanh nghiệp Philippines với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt hơn doanh nghiệp Việt.
Cuối năm 2022 đầu năm 2023, do suy thoái kinh tế toàn cầu, các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, thắt chặt chi tiêu, cắt giảm ngân sách chi cho công nghệ thông tin, nên đã thu hẹp “đất diễn” của các doanh nghiệp công nghệ. Khó khăn về tài chính cũng khiến các startup không gọi được vốn nhiều.
Nhiều “ông lớn” công nghệ thông tin trên thế giới sau một thời gian tuyển dụng số lượng lớn, giờ sa thải hàng loạt, làm dôi ra một lực lượng nhân sự công nghệ thông tin tại nhiều quốc gia, giảm cơ hội việc làm của nguồn nhân lực công nghệ Việt đang sẵn sàng “xuất ngoại”.
Muốn cạnh tranh quốc tế, cần chuyên nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh toàn cầu diễn ra gay gắt, đòi hỏi tính chuyên nghiệp của doanh nhân, doanh nghiệp cần được nâng cao.
“Chi phí nhân công, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ thông tin đã tăng cao, nói cách khác, chúng ta đã mất lợi thế nhân công giá rẻ rồi. Trong khi đó, người Việt Nam vẫn thụ động trong giao tiếp quốc tế, còn nhiều rào cản về ngôn ngữ. Đã thế, tính cầu toàn của người Việt chưa cao, từ người quản lý tới đội ngũ nhân viên còn xuề xòa dễ dãi, thay vì làm rất tốt công việc được giao thì chỉ làm tới mức tốt đã thấy thế là được rồi. Tình trạng “nhảy việc” của người Việt tương đối nhiều”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng thẳng thắn nhận định.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có nhiều sự liên kết với nhau. Khi nguồn nhân lực, nguồn tài chính các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có hạn, sự liên kết, phối hợp, khai thác những điểm mạnh của nhau để tăng năng lực cạnh tranh là việc cần phải làm.
Trong lúc doanh nghiệp rất cần có những nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh thì hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại từ các cơ quan nhà nước ở trong nước cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hầu hết doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường quốc tế vẫn đang phải mò mẫm tự “dò đường”.
Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng đã trở thành một trong những “cánh tay” đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trên hành trình “vươn ra biển lớn”.
“Bắt đầu từ nhiệm kỳ VII (2021 – 2024), Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng đã thành lập Câu lạc bộ Giao thương quốc tế, đẩy mạnh hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, tổ chức nhiều hoạt động, chương trình kết nối 1:1 giữa doanh nghiệp hội viên ở Đà Nẵng với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều đối tác nước ngoài sau khi hợp tác hiệu quả lần một đã quay lại thêm nhiều lần nữa. Điển hình như Nhật Bản. Sáng 12/7 vừa qua, một đoàn Nhật Bản đã quay lại làm việc với Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, và thêm 1 hợp đồng của doanh nghiệp Nhật với công ty Việt đã được ký kết. Ngoài công nghệ thông tin, chúng tôi còn hỗ trợ kết nối kinh doanh với nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp phụ trợ”, ông Hải cho biết.
Song song với việc sẵn sàng đón tiếp các đoàn nước ngoài tới Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng còn đẩy mạnh hoạt động đi ra nước ngoài như Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc…
“Chúng tôi hy vọng những thị trường này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp/doanh nhân làm công nghệ thông tin của thành phố Đà Nẵng”, ông Hải bày tỏ.
Để có thể khai thác tốt các cơ hội kinh doanh quốc tế, ông Hải khuyến nghị các doanh nghiệp, một mặt phải cải thiện bộ máy, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao kỹ năng mềm của nhân lực, mặt khác phải năng động hơn trong việc mở rộng mạng lưới liên kết thị trường.
Ở góc nhìn rộng hơn, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng lưu ý, sự suy giảm kinh tế toàn cầu đang khiến tất cả các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng doanh nghiệp công nghệ thông tin đứng trước nhiều nguy cơ, rủi ro lớn.
Các doanh nghiệp Đà Nẵng rất cần sự hỗ trợ, đồng hành vượt khó của các cơ quan nhà nước để có thể tái tạo năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp địa phương mong mỏi thành phố có chính sách hỗ trợ về giá thuê văn phòng với những trung tâm phần mềm của thành phố như Công viên phần mềm số 2 vừa được hoàn công.
Bài: Bình Minh
Thiết kế: Minh Hòa