Theo thông tin từ Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, tại hội nghị cụm thi đua số 1 bao gồm 5 sở GD-ĐT của 5 TP trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây (27 và 28/7), lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã đại diện đề xuất về việc tuyển thẳng vào lớp 10 và phương án thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH…
Lãnh đạo các Sở GD-ĐT này cho hay, Quy chế tuyển sinh THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT (ngày 3/5/2022) quy định về chế độ tuyển thẳng vào lớp 10 chưa tạo được sự tự chủ trong tổ chức tuyển sinh của các địa phương, chưa có sự bình đẳng giữa các sơ sở giáo dục (các trường chuyên thuộc đại học đều tự đặt chế độ tuyển thẳng với đối tượng học sinh không được quy định trong quy chế tuyển sinh, như học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố...).
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT gồm học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyết tật; học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.
Vì vậy, các Sở GD-ĐT đề nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10. Ngoài ra, cụm thi đua cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia đối với các môn ngoại ngữ như tiếng Nhật, Hàn, Trung Quốc tại 5 thành phố lớn vì ở những nơi này đã triển khai dạy học các môn nói trên.
Đặc biệt, kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh theo học chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 (năm học 2022-2023 bắt đầu triển khai ở lớp 10) để các Sở GD-ĐT thuận lợi trong việc xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2018/NĐ-CP nhằm phù hợp với Luật Giáo dục 2019 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, qua đó tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình tích hợp với chương trình khác của nước ngoài; Cần có điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo quyền lợi của học sinh đã theo học các chương trình trước đó, điều chỉnh tỷ lệ học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, bổ sung quy định đối với thay đổi nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục...
Lịch sử thành môn 'bắt buộc': Cấp tốc sửa chương trình trong 1 tháng
'Ngược chiều' thế giới, có thể tăng tự chủ ở giáo dục phổ thông?
Nghiên cứu để áp dụng cơ chế tự chủ đối với bậc phổ thông ở các vùng có điều kiện, dù đi ngược với xu hướng của các nước phát triển, rất cần được cân nhắc để tạo ra đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông...
Chương trình giáo dục phổ thông: Địa phương được chủ động nhiều
Tại hội nghị trực tuyến chiều 9/1 triển khai “Chương trình giáo dục phổ thông, vấn đề quyền chủ động của địa phương đã được đặt ra sôi nổi.