Bài toán giảm tải tỷ lệ học sinh/lớp
Các chuyên gia, giáo viên đề cập đến nhiều yếu tố để nâng cao chất lượng giáo dục bậc phổ thông của nước ta hiện nay, như: đổi mới sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đầu tư phương tiện dạy học, …
Nhưng có một yếu tố, nếu không cho là quan trọng thì bản thân nó mặc nhiên vẫn rất quan trọng, đó là bài toán tỷ lệ học sinh trong một lớp nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học.
Nhiều nghiên cứu đã công bố khẳng định rằng, tỷ lệ học sinh trong một lớp học là yếu tố để đảm bảo chất lượng dạy và học. Nếu không giải quyết được bài toán này thì khó có thể nâng cao được chất lượng giáo dục cho dù các yếu tố khác được thực hiện.
Nhiều trường học ở Hà Nội sĩ số lớp học lên đến 60. Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Hiện nay, do áp lực về tỷ lệ giáo viên/lớp, nhu cầu người học, cơ sở vật chất của trường học chưa được đáp ứng… nên tỷ lệ học sinh/lớp khá cao ở các thành phố lớn, sĩ số học sinh/lớp có nhiều nơi lên đến 50 học sinh/lớp. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ học sinh/lớp tương đối thấp. Ví dụ: ở Úc tối đa 30 học sinh/lớp, ở New Zealand là 20-25 học sinh/lớp. Tỷ lệ học sinh/lớp cao là một trong những cản trở cho nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục cho dù các yếu tố khác được đáp ứng.
Với 40-50 học sinh/lớp thì giáo viên khó có thể thực hiện được yêu cầu đổi mới, đặc biệt là việc “hình thành năng lực, phẩm chất của cá nhân từng người học”, hoặc “cá nhân hóa năng lực của học sinh”. Đó là một thực tế kéo dài trong suốt nhiều năm qua mà chưa được quan tâm giải quyết.
Qua khảo sát ý kiến, đa số giáo viên đều cho rằng, để truyền thụ kiến thức đến từng học sinh nhằm “hình thành năng lực, phẩm chất của từng cá nhân người học” là không khả thi nếu lớp học có sĩ số 40-50 học sinh. Điều này dẫn đến việc học sinh không thể lĩnh hội đủ kiến thức phổ thông ở trên lớp học.
Vì không thể nắm bắt được đầy đủ kiến thức trên lớp nên xuất hiện nhu cầu học thêm, dạy thêm là điều tất yêu. Và cần gọi đúng bản chất của việc học thêm hiện nay là “học lại”.
Hệ lụy của học thêm – dạy thêm
Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay dẫn đến nhiều hệ lụy: Lãng phí tiền của mà đáng lẽ ra xã hội (phụ huynh) không cần phải tốn thêm nếu chúng ta giải quyết tốt chất lượng giáo dục trên lớp học; gây ra nhiều áp lực đối với học sinh (không có thời gian nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ..).
Mặt khác, dạy thêm, học thêm ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của người thầy. Đồng thời, gây ra tình trạng bất bình đẳng đối với học sinh đến từ những gia đình không có điều kiện.
Học sinh Việt Nam có rất ít thời gian nghỉ ngơi? Ảnh minh họa: Thanh Tùng |
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng học sinh Việt Nam có rất ít thời gian nghỉ ngơi và không dành đủ thời gian để tham gia vào các hoạt động khác nhằm nâng cao thể chất và kỹ năng sống; trẻ em không có đủ thời gian hưởng thụ đúng nghĩa “tuổi thơ” mà đáng lẽ các em cần phải có. Một thế hệ học sinh chỉ dành phần lớn thời gian nhồi nhét kiến thức mà không đủ thời gian để nâng cao thể chất, vui chơi, phát triển kỹ năng sống thì sẽ là gánh nặng cho xã hội trong tương lai.
Vì vậy, việc giảm tải sĩ số học sinh/lớp là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao được chất lượng giáo dục và giảm bớt những hệ lụy nói trên.
Giảm sĩ số đồng nghĩa với tăng số lượng trường học, phòng học, lớp học, tăng số lượng giáo viên.
Nói chung là tăng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội về cơ sở vật chất, số lượng biên chế của giáo viên và ngân sách hoạt động.
Vậy cần phải giải quyết bài toàn giảm sĩ số học sinh như thế nào khi nguồn lực Nhà nước còn eo hẹp?
Thúc đẩy cơ chế tự chủ nằm nâng cao chất lượng
Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đang thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học và ngày càng chứng minh được tính hiệu quả của chính sách này. Tuy nhiên, tự chủ đối với giáo dục phổ thông vẫn rất mới mẻ.
Trường THPT Phan Huy Chú là trường phổ thông đầu tiên của cả nước được tự chủ cả về tài chính và biên chế. Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Nếu xét về xu hướng chung của thế giới thì tự chủ (tài chính) ở bậc phổ thông không phải là chính sách ưu tiên của các nước phát triển. Ở Úc, New Zealand, Canada… thì các trường phổ thông công lập hầu như được bao cấp toàn bộ. Những nước phát triển thực hiện hệ thống giáo dục phổ thông công lập miễn phí song song với hệ thống trường học tư thục (dành cho người có thu nhập cao hơn).
Tuy nhiên, đối với thực tiễn nước ta hiệu nay, tự chủ đối với các trường phổ thông nên là hướng nghiên cứu để có thể áp dụng (cho dù đang đi ngược lại với xu hướng chung của các nước phát triển).
Thực hiện tự chủ (tài chính) là cách Nhà nước huy động được nguồn lực của xã hội khi ngân sách địa phương đang còn eo hẹp. Bên cạnh đó, tiết kiệm được ngân sách của nhà nước về chi thường xuyên, về đầu tư cơ sở vật chất và chi trả lương cho đội ngũ, và để dành nguồn lực để ưu tiên đầu tư giáo dục cho những vùng khó khăn hơn.
Đồng thời, tạo được môi trường giáo dục năng động để các trường ở vùng/khu vực có điều kiện phát triển mà không quá phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.
Để tránh gây ra những cú sốc, chính sách tự chủ chỉ nên áp dụng đối với những vùng phát triển (thành phố, thị xã), đối với các trường công lập có vị trí thuận lợi và các trường đã gây dựng được uy tín chất lượng giáo dục lâu năm.
Ngoài ra, cơ chế tự chủ cần thực hiện qua từng giai đoạn để những trường được giao tự chủ có đủ thời gian làm quen và xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp. Ví dụ: 2 năm đầu tiên giao tự chủ 100% nguồn chi thường xuyên; năm thứ 3 thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên và 50% tiền lương; năm thứ 5 tự chủ 100% chi thường xuyên, chi tiền lương và chi đầu tư phát triển.
Đối với các trường được giao tự chủ thì cần có một cơ chế đặc thù về chỉ tiêu biên chế hành chính, số người làm việc, hợp đồng lao động, cũng như học phí và giá dịch vụ giáo dục khác mà trường cung cấp.
Từ những phân tích trên có thể thấy, nghiên cứu để áp dụng cơ chế tự chủ đối với bậc phổ thông ở các vùng có điều kiện, dù đi ngược với xu hướng của các nước phát triển, rất cần được cân nhắc, xem xét để áp dụng, từ đó tạo ra sự đột phá, cú hích trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong điều kiện nguồn lực Nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế.
Ý kiến, góc nhìn của bạn đọc về các vấn đề của giáo dục, xin vui lòng gửi cho chúng tôi qua địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được biên tập và đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn.
Tiến sĩ du học nước ngoài về làm hiệu trưởng ngôi trường 'dưới đáy'
Với bản lý lịch khoa học khá ấn tượng, TS Trương Đình Thăng khiến nhiều người ngỡ ngàng khi biết nơi công tác của anh hiện nay là Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị.