Năm nay, kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài đến hết ngày 26/1 (mùng 5 Tết). Ngay từ lúc này, nhiều gia đình đang chuẩn bị “khăn gói” quay trở lại thành phố, về lại với công việc và nhịp sinh hoạt thường nhật.
Nếu phải lái xe để đưa gia đình trở lại thành phố, bạn nên tham khảo một số kinh nghiệm sau đây:
1. Kiểm tra kỹ tình trạng phương tiện
Khi trở lại với thành phố sau dịp nghỉ Tết, không thể tránh được tình trạng đông xe cùng đổ dồn về các tuyến đường cửa ngõ ngay cả trong giờ thấp điểm. Việc tắc đường quá lâu có thể dẫn tới chiếc xe bị nóng máy, nặng có thể chết máy giữa đường khiến bạn phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục.
Do vậy, việc dành một chút thời gian kiểm tra kỹ các chi tiết trên xe trước khi khởi hành là điều hết sức cần thiết.
Cũng giống như việc kiểm tra xe trước mỗi chuyến đi xa, bạn cần “soi” qua các chi tiết như: Lốp xe, phanh, ắc quy, nước làm mát động cơ, nước rửa kính, đèn xe,... nhằm đảm bảo chiếc xe của bạn đang có trạng thái hoạt động tốt nhất, giảm thiểu tối đa rủi ro không đáng có trên đường.
Bạn cũng nên đổ đầy bình nhiên liệu trước khi trở lại thành phố, tránh việc dừng chờ lâu trên các tuyến cao tốc, đường vành đai trong tình trạng bình xăng cạn kiệt, rất phiền phức.
2. Nên tránh khung giờ cao điểm
Tâm lý của nhiều gia đình là muốn hưởng trọn vẹn thời gian nghỉ Tết, do đó hầu hết đều có xu hướng bắt đầu xuất phát vào buổi chiều của ngày nghỉ cuối cùng. Chính điều này khiến lượng phương tiện ô tô, xe máy quá lớn cùng đổ về thành phố trong một thời điểm, gây ra tình trạng kẹt cứng ở các cửa ngõ.
Thông thường, thời điểm từ 15h-21h sẽ là thời gian "nóng" nhất trên các tuyến cửa ngõ sau mỗi kỳ nghỉ dài. Do vậy, nếu không có việc gì quá cấp thiết, bạn nên thay đổi thời điểm xuất phát để chuyến đi được “dễ thở” hơn. Có thể xuất phát từ sáng hoặc để hẳn lúc tối muộn nhằm tránh tắc đường.
3. Chọn lộ trình thích hợp
Chọn lộ trình thích hợp cũng là điều rất quan trọng khi trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết. Sẽ có nhiều cung khác nhau đường để vào được thành phố mà bạn có thể đi, không nhất thiết phải là trục đường chính và tuyến đường gần nhất.
Khi chuẩn bị đến các điểm rẽ, chúng ta có thể tham khảo thông tin trên radio hoặc sử dụng ứng dụng Google Map để cập nhật, kiểm tra tình trạng ùn tắc nhằm lựa chọn cung đường hợp lý, thông thoáng nhất.
4. Giữ khoảng cách an toàn, không phanh gấp
Trong trường hợp không may trở thành nạn nhân của tắc đường, bạn cũng đừng nôn nóng bởi sự mất kiên nhẫn không làm bạn đi nhanh hơn được. Đặc biệt chú ý giữ khoảng cách an toàn bởi xe phía trước có thể phanh gấp bất cứ lúc nào mà nếu không cẩn thận, bạn rất dễ đâm vào. Khi đó, lỗi sai hoàn toàn thuộc về bạn.
Khi đi đường tắc, bạn cũng nên hạn chế tối đa việc phanh gấp, sẽ khiến xe phía sau đâm phải, rất mất thời gian để giải quyết và làm cảnh tắc đường thêm trầm trọng. Phanh gấp liên tục còn khiến những người trên xe không mấy dễ chịu sau một hành trình mệt mỏi, có thể còn nôn ói ra xe,...
5. Không đi kiểu "điền vào chỗ trống"
Mỗi khi đường đông, một thói xấu mà nhiều lái xe mắc phải là kiểu “điền vào chỗ trống”. Hễ thấy làn bên cạnh có khoảng trống là chuyển làn sang, tạt đầu xe phía sau để “ngoi” lên trên.
Trên thực tế không hiếm gặp trường hợp ô tô đi cả vào làn khẩn cấp hoặc vào phần đường dành cho xe máy. Nếu chỉ vì nóng vội mà chuyển làn, tạt đầu các xe khác sẽ rất dễ xảy ra va chạm, càng khiến ùn tắc thêm khủng khiếp hơn.
Lời khuyên của những lái xe có kinh nghiệm là hãy bình tĩnh, cố gắng đi đúng là đường và chỉ chuyển làn khi thực sự cần thiết, tránh gây ức chế cho những người tham gia giao thông xung quanh. Đồng thời, tuân thủ tuyệt đối theo sự điều tiết, phân luồng của các lực lượng chức năng.
Và cuối cùng, luôn giữ cho mình tâm lý thoải mái nhất sau tay lái. Sự nóng vội, ức chế hay mất tập trung vừa không giúp bạn đỡ tắc đường hơn, lại có thể làm hại bản thân và những người xung quanh.
Hoàng Hiệp
Mời bạn đọc chia sẻ bài viết, video, hình ảnh về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!