Đối với môn Ngữ văn, các em nên lưu ý những điều sau:
Tiếp tục ôn luyện theo cấu trúc đề của Bộ GD-ĐT
Cấu trúc gồm 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Trong đó phần làm văn gồm 2 câu: Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
Việc ôn tập theo cấu trúc này phải đảm bảo nắm vững cả về kiến thức lẫn kĩ năng làm bài dành cho từng phần, từng câu; cần chú trọng vào chương trình đã được tinh giản của Bộ GD-ĐT.
Khi ôn luyện theo cấu trúc này, các em cần chú ý:
- Với phần đọc hiểu (3 điểm), cần nắm chắc lại những kiến thức cơ bản như: thể thơ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ.... Rà soát lại các dạng câu hỏi ở từng mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng có khả năng ra trong phần đọc hiểu và nắm chắc cách trả lời dành cho từng dạng câu hỏi một.
- Với câu nghị luận xã hội, học sinh cần xác định kĩ những yêu cầu của một câu nghị luận xã hội: yêu cầu về hình thức, yêu cầu về dung lượng, yêu cầu về nội dung. Các em cũng cần phải nắm vững phương pháp làm bài, cách thức triển khai dành cho từng dạng đề như: trình bày suy nghĩ về ý nghĩa một vấn đề, trình bày suy nghĩ về hậu quả một vấn đề hay trình bày suy nghĩ về giải pháp để thực hiện vấn đề. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tổng hợp tri thức xã hội để sử dụng khi làm bài.
- Với câu nghị luận văn học, học sinh cần hệ thống hóa những kiến thức quan trọng trong những văn bản văn học nằm trong chương trình 12 (chú trọng phần văn học Việt Nam, chương trình đã được tinh giản của Bộ GD-ĐT với các mảng kiến thức: Thơ, truyện, kí, kịch). Đồng thời phải nắm vững kỹ năng làm bài dành cho từng dạng đề cụ thể.
Bám sát vào đề thi tham khảo năm 2022 của Bộ GD-ĐT để ôn tập
Đề thi tham khảo là một đề thi quan trọng mang tính định hướng cho đề thi chính thức. Vì vậy, bám vào đề thi này để ôn tập, chúng ta sẽ tiếp cận khá sát với đề thi chính thức.
Các em nên dành thời gian để tự giải đề tham khảo, đọc thêm một số bài giải có chất lượng dành cho đề thi này, nắm kĩ các dạng câu hỏi và cách làm bài dành cho từng dạng trong đề tham khảo này.
Chọn làm một hoặc hai đề thi thử của các Sở GD-ĐT, các trường THPT trong cả nước
Các em nên chọn những địa chỉ uy tín, dành đúng 120 phút để làm bài giống như thi thật.
Qua việc làm bài này, các em sẽ rút ra được cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai bài làm, giữ vững tâm lí, phân chia thời gian…, từ đó chuẩn bị được cho mình những điều quan trọng dành cho kì thi chính thức.
Khi vào phòng thi, dựa vào số điểm của từng câu hỏi mà phân bố thời gian làm bài cho hợp lí
Dành ra khoảng 3 phút để đọc kĩ lại bài và sửa lỗi trước khi nộp bài.
Căn cứ vào đặc điểm của từng câu mà có cách làm bài phù hợp
Phần đọc hiểu trả lời ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề, không dài dòng, không lan man. Câu nghị luận xã hội thể hiện ý cho rõ; câu nghị luận văn học viết chắc, phong phú, rõ ý, cần mở rộng, liên hệ, nâng cao để bài viết có chất lượng hơn.
Giữ tâm lí bình tĩnh, tự tin, tuyệt đối không được hoảng hốt, lo sợ
Dù đề thi ra vào phần mình không ôn kĩ cũng phải giữ bình tĩnh để từ từ nhớ lại kiến thức và vận dụng kĩ năng để làm bài. Các em cần đọc kĩ đề, gạch chân các từ khóa quan trọng trong từng câu hỏi để đám bảo xác định đúng vấn đề, tránh lạc đề, xa đề.
Hy vọng những lời khuyên này sẽ hữu ích cho các em. Chúc tất cả các em có một kì thi thật thành công.
>>>Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên