1. Căn chuẩn thời gian làm bài cho từng phần
Đi thi không chỉ hơn nhau ở kiến thức mà còn ở tốc độ. Tốc độ viết rất quan trọng. Để có thể hoàn thành bài thi trong 120 phút, học sinh cần phân chia thời gian làm hợp lý cho từng phần: 20 phút cho phần đọc hiểu, 25 phút cho phần viết đoạn văn nghị luận xã hội và 75 phút cho bài nghị luận văn học.
2. Bí kíp lấy trọn 3 điểm phần đọc – hiểu bài thi tốt nghiệp THPT Ngữ văn
Đọc chậm rãi văn bản đề cho để thẩm thấu để hiểu nội dung của đoạn trích, chú ý nhan đề và nguồn trích văn bản. Chú ý các dạng câu hỏi thường ra sau đây:
Xác định thể thơ
Xác định phương thức biểu đạt
Theo tác giả….?
Anh chị hiểu thế nào về….?
Xác định biện pháp tu từ và hiệu quả nghệ thuật của đoạn thơ
Anh chị có đồng tình với…? Vì sao?
Lưu ý, ở tất cả các câu đọc hiểu, học sinh nên gạch đầu dòng để giám khảo dễ đọc, dễ tìm ý cho điểm. Câu 1, 2 nên ghi ngắn gọn, chính xác. Câu 3, 4 thì mỗi câu nên ghi khoảng 10–12 dòng.
3. Chiến thuật viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
Đoạn văn nghị luận không nên quá ngắn cũng không nên quá dài. Độ dài lý tưởng của đoạn văn là khoảng 25 dòng, nếu viết dài hơn cũng không nên quá một trang giấy thi.
Giám khảo sẽ giơ thẻ vàng với những kiểu mở bài nhàm chán, cũ kĩ như “Trong cuộc sống ngày này…”.
Tuyệt đối tránh kiểu viết đoạn thành một bài văn thu nhỏ. Hãy xoáy vào yêu câu của đề, không lan man. Đoạn văn nhất định phải có một dẫn chứng hợp lí, thuyết phục. Nên chọn cấu trúc “tổng – phân – hợp cho đoạn văn chặt chẽ.
4. Lập trình cấu trúc bài nghị luận văn học
Đọc kĩ đoạn văn/ đoạn thơ mà đề cho, phác họa luận điểm ngay trên đề thi. Bài văn sẽ chỉ có điểm cao khi phân tích sâu vào các luận điểm chứ không phải phân tích dàn trải, chung chung, sơ sài.
Bài văn nhất định phải có giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ tác phẩm, chủ đề và vị trí của đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm.
Đừng quên đoạn đánh giá về nghệ thuật, cũng không nên viết quá sơ sài đoạn này.
Yêu cầu phụ của đề nghị luận văn học để phân loại thí sinh, các em nên chú ý vào giá trị nhân đạo, phong cách tài hoa độc đáo của tác giả, thông điệp sâu sắc của tác phẩm. Phần nhận xét này nên viết từ 12–15 dòng.
5. Chiêu thức mở bài đốn tim giám khảo
Văn hay không kể văn dài, chỉ mở đầu bài là biết văn hay. Hay thật sự đầu tư chăm chút cho mở bài để thu hút giám khảo.
Thực tế cho thấy nhiều mở bài “cũ kĩ đến mức ngửi thấy cả mùi mốc” nhưng vẫn gặp rất nhiều trong các kì chấm thi, như: “Trong kho tàng văn học Việt Nam….”. Mở bài hay nhưng phải dẫn được vấn đề cần nghị luận vào mới có điểm, nhưng nhiều thí sinh đã quên mất điều này.
Để tránh mất thời gian suy nghĩ, hãy chuẩn bị sẵn một kiểu mở bài siêu hay ở nhà ở thể áp dụng được cho nhiều tác phẩm, kiểu như:
“Âm nhạc là một phương tiện diệu kì xoa dịu mọi trái tim thương tổn. Còn văn chương sẽ nâng đỡ chúng ta trên vạn dặm hành trình. Nhà soạn nhạc thiên tài Bethoven dừng chân tại kiếp sống này và để lại cho đời bản sonanta “Ánh trăng” – bản giao hưởng định mệnh. Nhà văn Banzac trước khi về với đất mẹ, đã kịp lưu lại cho đời tác phẩm kinh điển “Tấn trò đời”. Họa sĩ trứ danh Leonardo da Vinci trước khi rời xa cuộc đời cũng đã kịp để lại nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa. Giữa dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, mai này vẫn sẽ còn lưu lại (tác phẩm/) của (tác giả?) đi xuyên qua trái tim người đọc, để lại một lẽ sống cao cả của tâm hồn. Để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc là (đoạn trích?/ nhân vật?)”.
6. Cách viết kết bài “chất” như học sinh giỏi quốc gia
Là giám khảo, thầy sẽ giơ thẻ đỏ với những kết bài qua loa vài dòng, hoặc sáo mòn. Hãy tin rằng kết bài ấn tượng luôn phải tạo được dư vị cho người chấm. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một kết bài “hay – xịn – mịn” để sơ của, kiểu như:
“Haruki Murakami – một văn sĩ người Nhật, cha đẻ của cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất thể kỉ XX – Rừng Na Uy đã chia sẻ rằng: “Con người chúng ta có thể lấy kí ức làm nhiên liệu để mà sống”. Vì thế những thương nhớ trong tâm hồn nghệ sĩ khi dư đầy cũng sẽ hóa thành Thánh ca, thành thi ca. Phần đời rất dài còn lại của sau này, tôi biết mình sẽ không thể quên............... của.................”.
7. Bắt chước cách viết của thủ khoa Văn
Giám khảo rất thích những bài viết sáng tạo, có cảm xúc và cả chất lí luận văn học. Lồng ghép một số nhận định văn học hay vào bài viết là điều nên làm để tạo thiện cảm cho người chấm bài.
Giới thiệu với các bạn một số “nhận định siêu hay – học ngay kẻo lỡ”:
- Mỗi câu chữ chảy ra dưới ngòi bút của thi nhân đều là “kì quang tuyệt diệu nhất” của trái tim.
- Thơ là Thánh ca của trái tim người thi sĩ, là khúc nhạc lòng rung ngân dưới ngùi bút của thi nhân.
- Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện với những vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn – Lê Đạt.
- Viết là một hành trình nhọc nhằn, một sự lựa chọn chữ nghĩa một cách đầy cẩn trọng, khó khăn, nặng nề và dằn vặt. Đó là một quá trình lao động sáng tạo miệt mài, đam mê và đầy trân trọng. Đó cũng là một sự giải tỏa và thể nghiệm đễ văn chương hòa vào cuộc sống của chính mình - Nguyễn Ngọc Tư trải lòng đầy chân thành và nhẹ nhàng về nghề văn.
- Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời - Trích Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
- Nghệ thuật không đứng bên ngoài tô vẽ cho chúng ta đường đi. Nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải bước lên đường ấy - Nguyễn Đình Thi.
- Là một người đọc có tâm, phải nhận ra nét duyên trong câu chữ của tác giả, cảm được cái nhân hậu của người viết. Khi đó, gấp sách lại, có thể nhoẻn cười sung sướng, hoặc ứa nước mắt vì rung cảm tận đáy lòng. Và ngay cả khi ta khóc, ta vẫn thấy nước mắt của mình thật trong trẻo và đẹp đẽ, ấy là cái đáng giá mà nhà văn/ nhà thơ... mang đến cho người đọc chúng ta.
8. Lắng nghe chính mình – đừng nghe lời đồn
Mọi thông tin trong các hội nhóm, trang mạng xã hội đồn thổi đều không đáng tin. Hãy tập trung vào các các phẩm văn xuôi nhưng cũng không nên lơ là các thi phẩm. Đừng học tủ theo sự đoán mò của mạng xã hội.
Hãy dành ngày cuối cùng để đọc thẩm thấu các tác phẩm trọng tâm, cố gắng ghi nhớ hệ thống luận điểm.
9. Giữ tâm thể thoải mái trước ngày thi
Đừng phát hoảng với tập đề cương dài ngoằng, mớ kiến thức hỗn độn hay bị “lạc trôi”. Hãy chọn một không gian yên tĩnh, một góc trời riêng của bạn để tập trung tuyệt đối vào bài Văn và không bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.
Bạn có thể mang sách vở ra công viên – nơi có nhiều cây xanh để tinh thần thoải mái, đầu óc thư thái. Hoặc chọn những quán coffee rộng rãi, thoáng mát, ít người và được thiết kế cho học tập sẽ cho bạn một không gian đầy cảm hứng học bài. Tìm cho mình những không gian mở và yên tĩnh để có thể thoải mái mà tập trung cao độ cho việc học thuộc. Mã hóa đề cương dài thành sơ đồ tư duy cho dễ nhớ.
Không học khi tâm trạng không vui. Nếu cảm thấy không ổn về sức khỏe hay tâm trạng đang căng thẳng thì hãy dừng ngay việc học lại và dời vào một lúc khác thoải mái hơn.
10. “Bùa hộ mệnh cho môn Văn”
Hay nỗ lực hết mình trong 24 giờ cuối cùng. Sự chăm chỉ nỗ lực chính là bùa hộ mệnh cho em.
Hãy chăm chỉ cho đến giờ phút cuối cùng vì trong cuộc sống bình phàm này, chỉ cần em nỗ lực bền bỉ thì tia sáng dù nhỏ cũng sẽ mãi lấp lánh.
Thầy luôn mong các em bước vào phòng thi mạnh mẽ tự tin như một chiến binh, chiến đấu hết mình. Và khi bước ra khỏi phòng thi, sẽ không bỏ lỡ ánh mặt trời và bầu trời trong xanh của cuộc sống.
Thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM