Huyện Than Uyên nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Lai Châu, cách thành phố Lai Châu 100km về phía Tây Bắc và cách Hà Nội khoảng 300km theo quốc lộ 32. Trên địa bàn huyện hiện nay có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có hơn 8.300 nhân khẩu người Mông, chiếm khoảng 11,15% dân số.
Thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 562/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Huyện ủy Than Uyên đã ban hành Kế hoạch số 39-KH/HU ngày 26/4/2021, chỉ đạo HĐND huyện ban hành 01 Nghị quyết; UBND huyện ban hành 06 kế hoạch và 01 Quyết định để triển khai thực hiện. Từ năm 2023, huyện Than Uyên đã triển khai tìm lại và phục dựng những điệu hát, múa, những trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông, với mong muốn bảo tồn và gìn giữ cho muôn đời sau, trong đó tập trung phục dựng lễ hội Gầu Tào.
"Gầu Tào” là lễ hội truyền thống lâu đời của bà con dân tộc người Mông. "Gầu Tào” theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay được hiểu là “Hội chơi núi mùa Xuân”. Đây là dịp để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, những gia đình người Mông luôn được ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên, múa khèn. Lễ hội này được xem như điểm hẹn văn hóa đáng trân quý, giữ gìn của con người Lai Châu. Sau lễ hội, bà con lại lên nương, xuống đồng, bắt tay vào lao động sản xuất với niềm tin và hy vọng về một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Năm 2023 là năm đầu tiên huyện Than Uyên tiến hành phục dựng lễ hội nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, như vận động và quy tụ bà con người Mông, huy động kinh phí, tìm kiếm tài liệu liên quan lễ hội… Tuy còn nhiều khó khăn nhưng năm nay, lễ hội Gầu Tào tại Than Uyên vẫn được tổ chức thành công với hai phần: Phần lễ bao gồm các nghi thức cúng tế thần linh; phần hội bao gồm các hoạt động như hát, múa và các trò chơi dân gian. Những trò chơi dân gian và điệu hát, múa khá đặc sắc được quy tụ và phục dựng như: múa khèn Mông, hát ống, hát giao duyên, đàn môi, kèn lá, kéo nhị, ném pao, nhảy dây pao, rồng ấp trứng, bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, đánh cù… Bà con người Mông rất phấn khởi tham gia. Ngày lễ hội còn thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Lãnh đạo huyện Than Uyên mong muốn các trò chơi dân gian và những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông nói riêng và tất cả các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện Than Uyên và tỉnh Lai Châu nói chung, sẽ được tiếp nối không chỉ diễn ra trong lễ hội, mà trong đời sống thường nhật, các không gian văn hóa, tạo tiền đề phát triển du lịch cho địa phương, hấp dẫn du khách gần xa.