Thông tin sơ bộ về dự kiến phương án thi được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đưa ra tại buổi làm việc với cán bộ, giáo viên Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) ngày 18/2. 

Phát biểu tại buổi làm việc về thực hiện chương trình phổ thông 2018, các giáo viên đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm có định hướng về kỳ thi "đầu ra" của học sinh lớp 9 và 12 để giáo viên cũng tự tin hơn về cách mình làm liệu đã đúng hướng.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu cũng cho hay, học sinh và cả phụ huynh đều đang rất muốn biết kỳ thi cuối cấp theo chương trình mới sẽ ra sao, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025. Qua đó, bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT sớm có văn bản chỉ đạo về kỳ thi cuối cấp đối với các học sinh để nhà trường có định hướng đúng trong dạy học.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu cùng các giáo viên bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT sớm có thông tin về kỳ thi cuối cấp để nhà trường có định hướng đúng trong dạy học.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, các thầy cô và các học sinh hoàn toàn yên tâm là Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp với thực tế dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Theo ông Độ, hiện học sinh lớp 10 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 6 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử. Căn cứ vào đó, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. 

Ngoài ra, các môn học tự chọn cũng đang được Bộ GD-ĐT cân nhắc đưa vào kỳ thi tốt nghiệp sao cho phù hợp, đảm bảo việc xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng lưu ý đây là tinh thần mà Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu và mới chỉ là dự kiến, chứ chưa phải là phương án chính thức. “Bộ GD-ĐT đang cùng các chuyên gia xây dựng, xin ý kiến góp ý và khi ra được phương án thì sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt", ông Độ nói.  

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Trước đó, trả lời cử tri tỉnh Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, triển khai xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tổ chức tham khảo ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô giáo, các nhà trường và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. 

Sau khi phương án được ban hành, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quy chế thi tốt nghiệp THPT theo hướng đồng bộ, thống nhất và phù hợp với hệ thống quy định pháp luật hiện hành; đồng thời triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt ngay từ năm 2023. 

Nỗi buồn môn Sử

Nỗi buồn môn Sử

Thông tin 'dự kiến Lịch sử sẽ trở thành một trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025', cùng Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, vừa được đại diện Bộ GD-ĐT đưa ra, lại gợi cho tôi nỗi buồn về môn Sử.
Để học sinh không 'quay lưng' với môn Sử

Để học sinh không 'quay lưng' với môn Sử

Theo cô Nguyệt Anh, không cần phải lo học sinh quay lưng với môn Lịch sử mà vấn đề chúng ta cần quan tâm hơn cả chính là cách dạy môn Sử trong nhà trường như thế nào để hấp dẫn cũng như cuốn hút học sinh.