Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025, giai đoạn 2025-2030, thi tốt nghiệp giữ ổn định thi trên giấy.
Đồng thời, dự thảo đề xuất tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và trên máy tính).
Giai đoạn sau 2030, khi tất cả các địa phương trên toàn quốc đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính, sẽ chuyển sang tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
THI TRÊN MÁY TÍNH ĐÃ ĐỀ CẬP TỪ 3 NĂM TRƯỚC
Thực tế, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đã được Bộ GD-ĐT đề cập cách đây 3 năm. Tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020, Bộ GD-ĐT nêu rõ tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Cũng theo Bộ, tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như: ETs, ACT...
Với Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.
QUÁ AN TOÀN VÀ LẠC HẬU
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT, cho rằng khi đưa ra phương án thi tốt nghiệp giai đoạn 2025-2030 thực hiện thí điểm thi trên máy tính, Bộ đã tính toán kỹ lưỡng, làm từng bước, đầu tiên làm ở những địa phương có điều kiện phát triển, tiến tới mở rộng ra ở một số địa phương khác.
Đến năm 2030, khi kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, hạ tầng mạng được đầu tư đồng bộ như tiến tới phủ sóng mạng 5G, mạng cáp quang kéo đến từng trường học, từng nhà, đây là điều kiện thuận lợi có thể triển khai việc thi tốt nghiệp trên máy tính đồng bộ.
Giám đốc tuyển sinh một trường đại học phía Nam cho rằng, đến năm 2025, hoặc trễ nhất tới năm 2027, có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đồng bộ đối với những môn thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn).
Theo ông, việc đầu tư trang thiết bị máy tính rất dễ. Các trường THPT ở các địa phương, nếu có ít học sinh, có thể tự trang bị máy tính. Đối với các địa phương có số học sinh lớn như Hà Nội, TP.HCM, có thể mượn máy tính của các trường đại học, cao đẳng để thi tốt nghiệp THPT.
“Hiện, Chính phủ đang đẩy mạnh việc số hóa toàn bộ. Số hóa, tức là công nghệ thông tin sẽ chiếm phần lớn công việc của mình, nếu còn thi trên giấy nữa e rằng trễ quá. Việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đã được tôi đề cập từ lúc ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính cách đây gần 10 năm.
Lúc đó, tôi đã nêu ý tưởng thi tốt nghiệp THPT cũng nên thực hiện trên máy tính. Do đó, chiến lược của Bộ GD-ĐT là quá an toàn và lạc hậu. Thời đại bây giờ là thời kỳ công nghệ đã phát triển. Con tôi học lớp 8 và lớp 5 nhưng các cháu đã biết cách dùng máy tính để tìm kiếm thông tin về bài học, biết sử dụng Chat GPT để hỏi han về cách thức xây dựng bài STEM. Nếu còn bàn cãi chuyện thi trên giấy hay thi trên máy tính là quá trễ” - ông nói.
Giám đốc tuyển sinh này cho biết, trường ĐH của ông đã tính đến phương án mua máy tính cho thuê và như vậy chỉ 3-4 năm là đủ chi phí cho đầu tư. Sau đó, nhà trường dùng để thi Anh văn, Tin học, thi học kỳ trên máy tính.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng các môn thi trắc nghiệm nếu tổ chức thi trên máy tính rất tốt, nhưng sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng và dự trù các phương án xảy ra như đường truyền internet, việc hỏng hóc thiết bị, đặc biệt là gian lận thi cử, vì thi trên máy tính phải kết nối mạng.
Đối với phương án của Bộ GD-ĐT, ông Tùng nói: “Cần thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện sớm, không nhất thiết chờ đến năm sau 2025. Trên cơ sở thí điểm, rút kinh nghiệm và triển khai, mở rộng dần ở những địa phương đủ điều kiện thực hiện. Đồng thời cũng phải tính đến trường hợp là các địa phương khó khăn, đến năm 2030 vẫn chưa triển khai được để thi trên máy tính đồng bộ”.
Theo ông Tùng, việc thi trên máy tính không nhất thiết phải có thời hạn, thậm chí có thể thí điểm ngay năm sau, càng sớm càng tốt.
Về thiết bị, theo ông Tùng "có nhiều cách để giải quyết". Thứ nhất, hiện rất nhiều học sinh đã có máy tính, có thể tận dụng chính máy tính của các em để làm bài thi, tuy nhiên việc chống gian lận sẽ phức tạp hơn. Thông thường sẽ có 1 phần mềm riêng, ngăn chặn và không cho máy tính kết nối với các phần mềm khác mà chỉ để phục vụ thi cử.
Nếu làm được như vậy, Nhà nước đỡ một phần chi phí trang bị máy tính. Thứ hai, có thể mượn máy tính từ các công ty sản xuất máy tính trong một thời gian ngắn để phục vụ kỳ thi. Tuy nhiên, phải có các giải pháp đảm bảo về kỹ thuật, cụ thể như thí sinh đang thi mà mạng bị trục trặc hay phần mềm bị lỗi, hay những chuyện gian lận, kết nối, chuyển đề thi ra ngoài…
Ông Tùng cũng chia sẻ Trường ĐH FPT đã cho sinh viên thi ngay trên chính máy tính của mình. Tất nhiên, nhà trường có các biện pháp kỹ thuật như sẽ kiểm tra được sinh viên đang làm gì trên máy tính, từ đó hạn chế thấp nhất việc gian lận thi cử.
Mời quý phụ huynh, học sinh tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 trên VietNamNet