Thuroczy Karolina My Lan có bố là người Hungary và mẹ người Việt. Cô vừa bảo vệ xuất sắc luận án tốt nghiệp thạc sĩ ngành kiến trúc. Luận án của cô được đánh giá cao, là một trong số năm luận án của khóa được chọn in vào Kỷ yếu năm của Trường The Bartlett, thuộc Đại học UCL (University College London), Vương quốc Anh. Luận án của cô có tựa đề ’’Ngôi nhà của hành trình hơn 5000 dặm”.
Những tiêu chuẩn nào cần đạt được để luận án có thể được chọn vào Kỷ yếu của trường?
Hàng năm Trường The Bartlett, cơ sở đào tạo đại học về chuyên ngành kiến trúc và môi trường thuộc Đại học UCL đều chọn những đề án tiêu biểu của sinh viên tất cả 5 khóa, 3 khóa đào tạo bậc cử nhân và 2 khóa đào tạo bậc thạc sĩ để in vào Kỷ yếu của trường. Hiện nay tổng số sinh viên của trường khoảng 1700, mỗi khóa khoảng 250 -350 sinh viên nên để được trong số năm đề tài chọn in vào Kỷ yếu là điều vô cùng khó.
Đó là các đề tài xuất sắc nhất của khóa, được sự đồng thuận đánh giá cao của giáo viên hướng dẫn trực tiếp, đồng thời của các giáo sư, thầy cô giáo phụ trách các mảng khác nhau như về phần ý tưởng, phần thiết kế, phần nội dung, phần kỹ thuật trong trường. Những luận án được chọn in thường có các đề tài và cách tiếp cận đặc biệt, truyền tải được một ý nghĩa, giá trị chung nào đó hoặc những luận án đề cập đến vấn đề mới nào đó trong lĩnh vực kiến trúc và môi trường.
Chúc mừng bạn đã có luận án xuất sắc trong số hàng trăm luận án cùng khóa của trường đại học danh giá này. Luận án của bạn về đề tài gì?
Mình thực sự vui mừng và hạnh phúc khi luận án tốt nghiệp của mình có mặt trong nhóm 5 luận án xuất sắc nhất của khóa. Qua đề tài của luận án mình muốn mọi người hiểu hơn, biết thêm về quê hương Việt Nam. Nhiều người rất quan tâm và đánh giá cao luận án vì đề tài mình chọn khá đặc biệt, theo một hướng hoàn toàn khác.
Luận án của mình với tựa đề ’’Ngôi nhà của hành trình hơn 5000 dặm” được xây dựng trên cơ sở của chính ngôi nhà gia đình mình ở Thủ đô Budapest (Hungary). Mình có bố là người Hungary và mẹ người Việt. Trong suốt mấy chục năm sinh sống ở Hungary, mẹ mình luôn cố gắng đưa các nét văn hóa Việt vào việc trang trí nội thất ngôi nhà của gia đình mình. Bố mình cũng rất yêu Việt Nam, đã sang Việt Nam rất nhiều, lần đầu tiên vào năm 1989 khi đang là sinh viên và là một trong số 100 khách du lịch theo dạng cá nhân đầu tiên của Hungary sang Việt Nam.
Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hungary nhưng từ nhỏ mình và em gái luôn được mẹ kể về Việt Nam, dạy tiếng Việt, chỉ bảo, hướng dẫn các phong tục truyền thống Việt Nam. Trong gia đình mình tất cả các ngày lễ truyền thống của Việt Nam đều được tổ chức như Trung Thu, dịp Tết...
Gia đình cũng hay về Việt Nam thăm ông bà ngoại và người thân. Hồi còn nhỏ hai chị em mình thường xuyên được tham gia các chương trình Tết Trung Thu cũng như hoạt động khác của thiếu nhi người Việt tại Hungary.
Do vậy đối với mình Việt Nam rất gần gũi và có rất nhiều điều thú vị. Mình đã đến những vùng quê còn rất nghèo của Việt Nam cũng như những tòa nhà chọc trời ở TP Hồ Chí Minh. Mình rất yêu thích Việt Nam, từ con người, ẩm thực, phong cảnh, văn hóa. Mình cũng muốn nhiều người ở châu Âu biết nhiều hơn về Việt Nam. Do vậy trong suốt thời gian các năm đại học các đề tài của mình đều liên quan đến một khía cạnh nào đó của Việt Nam. Năm thứ nhất mình làm đề tài thiết kế một ngôi nhà chủ đề ’’Không gian nón” mà trong đó có khu sản xuất nón lá, phòng giới thiệu triển lãm về nón lá. Đề tài năm trước của mình là thiết kế một nhà hát nổi có thể bơi di chuyển trên sông để phục vụ đồng bào đồng bằng sông Cửu Long.
Chính sự gắn bó với Việt Nam đã là nguồn cảm hứng và động lực cho ý tưởng chọn đề tài làm luận án tốt nghiệp thạc sĩ về sự kết hợp giao thoa hai nền văn hóa Việt Nam và văn hóa châu Âu trong thiết kế. Khi trao đổi với giáo sư hướng dẫn, mình được giáo sư rất ủng hộ và khuyến khích thực hiện. Theo Giáo sư đề tài này rất ý nghĩa vì môi trường đa văn hóa ngày càng phổ biến trên thế giới hiện nay.
Một đề tài luận án rất ấn tượng. Bạn có thể nói hơn về luận án đặc biệt này và quá trình thực hiện?
Tựa đề của luận án ’’Ngôi nhà của hành trình hơn 5000 dặm” bởi vì ngôi nhà mà mình lớn lên mang đậm tình cảm với quê hương và sự đúc kết chặng đường mấy chục năm của mẹ từ Việt Nam đến Hungary và được chị em mình mang tiếp đến nước Anh.
Để làm luận án mình cần rất nhiều tư liệu về Việt Nam mấy chục năm trước về văn hóa, kiến trúc và cả nhân sinh quan của con người. Mình đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của mẹ trong việc này. Mình có gọi điện trao đổi với mẹ mấy tiếng đồng hồ. Mẹ kể cho mình nghe về những thay đổi của ngôi nhà bên bờ hồ Tây từ khi mẹ sinh ra đến bây giờ.
Mẹ nói những điều gì rất quan trọng đối với người Việt khi xây nhà hay trang trí nội thất, về những trào lưu ở Việt Nam trong xây dựng nhà ở thời gian qua. Mình có hỏi mẹ vì sao mẹ luôn cố gắng quảng bá cho Việt Nam thì mẹ trả lời: ’’Mặc dù định cư ở Hungary nhưng mẹ luôn nghĩ mẹ vẫn là người Việt Nam và chúng ta không được quên nơi chúng ta sinh ra”.
Mình quan tâm là hồi xưa thế hệ ông bà ngoại phấn đấu vì mục đích gì thì được mẹ giải thích là thế hệ các ông bà họ chiến đấu vì lý tưởng giành độc lập cho đất nước. Mình đặt câu hỏi tiếp "Thế bây giờ Việt Nam độc lập rồi thì người Việt Nam phấn đấu vì điều gì?". Mẹ trả lời là "Ngày nay người Việt Nam cố gắng phấn đấu để có vị thế trên thế giới ". Cuộc trò chuyện với mẹ rất bổ ích và thú vị nên mình đã đưa nguyên văn câu chuyện vào phần phụ lục của luận án vì mình muốn mọi người nước ngoài hiểu thêm về quá trình phát triển của Việt Nam.
Trong luận án, mình đã phân tích tỉ mỉ sự kết hợp nội thất Á-Âu trong ngôi nhà của gia đình mình, viết về quá trình thay đổi và phát triển nhà ở tại Việt Nam mà trong đó lấy ví dụ cụ thể là ngôi nhà của bà ngoại ở Việt Nam từ khi mẹ sinh ra cho đến ngày nay. Luận án có các chương như “Toàn cầu trong một địa điểm” hay “Con đường từ châu Á đến châu Âu” để làm nổi bật được sự cần thiết và những ưu điểm của việc kết hợp đa văn hóa trong kiến trúc hiện nay. Trên các cơ sở đó và sự thay đổi của thời đại mình đã thiết kế một ngôi nhà đặc trưng cho sự đa văn hóa của những người sống trong đó phù hợp với thế giới phẳng hiện nay.
Điều gì bạn thấy tâm đắc nhất trong luận án?
Mình đã dành nhiều tâm huyết và công sức cho toàn bộ luận án nên khó nói điều gì là điều tâm đắc nhất. Có lẽ một điều mà giáo sư hướng dẫn, mẹ mình và mọi người đều có ấn tượng đó là mình nhìn nhận ra sự hòa hợp của trái tim ngôi nhà Việt và trái tim ngôi nhà châu Âu thông qua hình ảnh phòng làm việc của mẹ với bàn thờ chạm trổ Đồng Kỵ bên cạnh lò sưởi ốp gạch men Zsolnay của Hungary.
Mình biết đối với người Việt bàn thờ tổ tiên rất quan trọng, luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất như trái tim của ngôi nhà người Việt. Còn đối với người châu Âu đó là lò sưởi. Các ngôi nhà châu Âu truyền thống không thể không có lò sưởi, nơi mà cả gia đình quây quần những dịp ngày lễ.
Lò sưởi cũng như là trái tim của ngôi nhà ở châu Âu. Ngoài ra Đồng Kỵ và Zsolnay đều là những địa danh nổi tiếng về sản xuất thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và Hungary. Vậy mà cả hai điều đó được đứng cạnh nhau trong phòng làm việc của mẹ, nó là minh họa rất sinh động cho sự hòa hợp của hai nền văn hóa trong nội thất, trong cuộc sống. Có lẽ chính vì vậy mà bức ảnh này đã được chọn in vào Kỷ yếu của trường.
Luận án của bạn cũng được chọn là một trong số năm luận án được thuyết trình tại Triển lãm cuối năm của trường The Bartlett. Bạn muốn truyền tải điều gì cho người nghe khi thuyết trình về luận án?
Đúng là niềm vui nhân đôi khi mình biết luận án của mình được chọn để thuyết trình tại Triển lãm của trường diễn ra từ ngày 21/6 - 6/7. Trước tiên mình muốn người đến dự có thêm nhiều thông tin về Việt Nam, về sự thay đổi và phát triển của Việt Nam trong cả quá trình mấy chục năm vừa qua, về những nét văn hóa, truyền thống đặc trưng của Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc. Mẹ mình vẫn thường nói “Hãy cố làm một việc ý nghĩa, dù là nhỏ nhất hướng về Việt Nam, vì đó là nguồn cội, là quê hương của mình.”
Một thông điệp vô cùng quan trọng mình muốn truyền tải là chính sự giao thoa, hòa hợp giữa các nền văn hóa sẽ giúp mọi người cởi mở hơn, tôn trọng những nền văn hóa khác cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của mình. Đối với các nhà kiến trúc sư nên cố gắng lưu tâm đến điều này khi thiết kế trong thế giới đa văn hóa hiện nay.
Mình cũng rất vui khi được nghe giáo sư hướng dẫn chia sẻ khi gặp gia đình mình tại triển lãm rằng bà rất vui khi hướng dẫn đề tài luận án của mình, bởi những điều bố mẹ và gia đình mình làm thực sự ấn tượng và vô cùng cần thiết cho sự hòa hợp của các nền văn hóa.
Mùa hè năm tới mình sẽ về thăm Việt Nam. Mình muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực thiết kế, kiến trúc ở Việt Nam, gặp gỡ trao đổi với các bạn tại các trường đại học về kiến trúc ở Việt Nam. Mình mong muốn những kiến thức của mình có thể áp dụng được ở Việt Nam cũng như để các đồng nghiệp nước ngoài biết thêm về Việt nam. Một điều chắc chắn là yếu tố Việt Nam sẽ luôn có mặt trong các đề án của mình trong tương lai.