Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Hungary khá đông, phần lớn bà con sinh sống tập trung ở Budapest. Với mong muốn duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam, những lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt thế hệ thứ 2 và 3 ở Hungary đã được cộng đồng người Việt Nam quan tâm, duy trì. 

hungaria.jpg
Hoạt động văn hóa, giao lưu tiếng Việt của cộng đồng kiều bào ở Hungary

Điển hình như các lớp học tiếng Việt dành cho trẻ em được dịch giả Hồng Nhung dạy tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Budapest mở ra để giúp các em mang hai dòng máu Việt - Hung có thể giao tiếp với bố mẹ tốt hơn. 

Chị Hồng Nhung mở nhiều lớp tiếng Việt theo nhiều trình độ, lứa tuổi khác nhau. Lớp mẫu giáo, chị dạy bằng hình ảnh, video, trò chơi. Lớp học sinh lớn hơn, chị dạy chữ, phát âm, ghép chữ kết hợp với các hoạt động trực quan thông qua ngày lễ văn hóa Việt, Tết Nguyên đán, Trung thu...

Nữ dịch giả khẳng định, việc học và nói tiếng Việt giúp các em tăng tính kết nối với quê hương, nguồn cội. Chị mong muốn đưa tiếng Việt đến các em một cách dễ dàng, gần gũi chứ không phải là một ngoại ngữ. 

Sự khó khăn khi giảng dạy tiếng Việt ở Hungary là các em không có môi trường để nói tiếng Việt. Phần lớn thời gian các em đến trường thì nói tiếng Hungary, khi trở về nhà, thời gian sinh hoạt chung với gia đình rất ít. Nhiều bố mẹ bận rộn cũng không có thời gian kèm con nói tiếng Việt ở nhà hoặc thấy con nói tiếng Hungary, bố mẹ cũng sử dụng tiếng Hungary. Vì vậy, các bài tập chị Hồng Nhung giao về nhà thường yêu cầu có sự tương tác của bố mẹ với con để cả gia đình cùng tập luyện. 

Chị Hồng Nhung cho rằng, gia đình có vai trò rất lớn trong việc trao truyền, gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ kiều bào trẻ. Từ cái nôi gia đình, tiếng Việt sẽ phát triển, thấm đẫm trong lòng và trái tim của các em.

Gia đình Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary; Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Hungary – Việt Nam; Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary là một ví dụ. Tiến sĩ Phan Bích Thiện kết hôn với chồng là người Hungary. Bà có 2 con gái là Thurózy Karolina My Lan, 25 tuổi, kiến trúc sư và Thurózy Viktória Ly Anh, 23 tuổi, sinh viên Đại học Oxford. Từ nhỏ, hai cô con gái luôn được mẹ chú trọng gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt. Nhờ đó, My Lan và Ly Anh đều nói tiếng Việt rất tốt.

Tại Triển lãm tổng kết cuối năm của Trường Đại học Kiến trúc và Môi trường The Bartlett, thuộc Đại học UCL (University College London), Vương quốc Anh, diễn ra từ ngày 21/6 - 6/7/2024, luận án tốt nghiệp thạc sĩ của My Lan là một trong 5 luận án xuất sắc nhất của khóa và được chọn in vào kỷ yếu của trường.

Luận án của My Lan với tựa đề “Ngôi nhà của hành trình hơn 5.000 dặm” được xây dựng dựa trên nền tảng ngôi nhà của chính gia đình cô tại Budapest. Mẹ My Lan đã cố gắng đưa các nét văn hóa Việt vào việc trang trí nội thất ngôi nhà của gia đình với mong muốn chồng con sẽ hiểu thêm, yêu thêm quê hương Việt Nam.

Chính sự gắn bó với Việt Nam đã là động lực để cô sinh viên chuyên ngành kiến trúc mang hai dòng máu Việt Nam - Hungary chọn đề tài làm luận án tốt nghiệp thạc sĩ về sự kết hợp giao thoa hai nền văn hóa Việt Nam và văn hóa châu Âu trong thiết kế và được giáo sư hướng dẫn rất ủng hộ, khuyến khích thực hiện.

306694524_596152598651627_3347781014175307626_n.jpg
Một tiết mục văn nghệ, hát tiếng Việt của học sinh Trung tâm tiếng Việt Budapest.

Tại Hungary, Trung tâm tiếng Việt Budapest là nơi bà con kiều bào tin tưởng, gửi gắm con em đến học tiếng Việt. Trung tâm thường khai giảng lớp tiếng Việt vào tháng 9 hàng năm. Các em không chỉ học ghép chữ, đọc, viết tiếng Việt mà được học cả âm nhạc, hát tiếng Việt đồng thời tham gia các cuộc thi tiếng Việt nhằm khuyến khích, tạo nguồn động viên cho thế hệ kiều bào trẻ tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ quê hương. 

Từ năm 2023, Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài từng bước trở thành một cột mốc quan trọng trong đời sống của bà con cộng đồng. Đặc biệt thông qua các sự kiện này, trẻ em Việt Nam ở Hungary ngày càng yêu thích tiếng Việt, qua đó giúp duy trì tiếng Việt. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá, dân tộc Việt Nam, xây dựng tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước.

Năm nay, triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030 và Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, ngay từ tháng 3, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đã phát động Cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024 để tìm kiếm và phong tặng danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài. Đây sẽ là những người truyền cảm hứng, có nhiệm vụ quảng bá văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tiêu chí đánh giá, bình chọn được dựa trên năng lực tiếng Việt (phát âm, sử dụng ngôn ngữ, khả năng truyền cảm, biểu cảm/ năng lực hùng biện). Cùng với đó là vốn tri thức về đất nước, con người Việt Nam. Hoạt động cộng đồng nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm: đóng góp xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt có chất lượng, được nhiều kiều bào tin dùng; hoặc có sáng kiến xây dựng tủ sách/hệ thống tư liệu học tiếng Việt cho thiếu nhi người Việt Nam ở nước ngoài; hoặc có dự án – mô hình lớp học tiếng Việt hỗ trợ miễn phí cho thanh thiếu niên kiều bào; hoặc có hoạt động, sáng kiến hiệu quả trong dạy học và lan tỏa tiếng Việt; hoặc từng đạt giải thưởng về tiếng Việt ở cấp quốc gia tại các cuộc thi liên quan đến tiếng Việt (sáng tác văn học, hùng biện, kể chuyện, viết thư, hát…).