Dậy sớm vậy má?
Câu chào của cô bảo mẫu mái ấm Thiện Duyên (huyện Củ Chi, TP.HCM) khiến bà Trần Thị Cẩm Giang (86 tuổi) giật mình. Thấy ngoài cửa sổ trời còn tối mịt, bà nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường.
Phát hiện chiếc kim ngắn mới chớm chỉ vào số 4, bà biết mình dậy sớm hơn thường ngày. Tuy vậy, bà mặc kệ. Xắn tay áo, bà bật bếp đun nước, chuẩn bị pha sữa, nấu cháo cho 80 đứa con nuôi mắc bệnh bại não.
Suốt 35 năm qua, từ khi quyết định thành lập mái ấm, nhận nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa trẻ có cảnh đời bất hạnh, sáng nào bà cũng làm công việc này. Khi bà xong việc, hành lang mái ấm mới đón những tia nắng sớm đầu tiên.
Cùng lúc này, những cô bảo mẫu được thuê cũng bắt đầu công việc chăm sóc 125 con người đang sinh sống, nương nhờ tại mái ấm. Không gian tĩnh lặng lập tức được thay thế bằng tiếng cười, nói, la hét, đập phá... của những đứa trẻ bất hạnh.
Trên mỗi giường, các em nằm, ngồi với đủ tư thế, miệng cười ngây ngô, vô cảm. Tuy vậy, mỗi khi thấy bà Giang đến hỏi thăm, các em đều cười, cố với tay về phía bà như một cách đáp lại tình cảm của người đã cưu mang mình.
Trong khi đó, những người có thể nói chuyện, hiểu được phần nào lời hỏi thăm của bà đều gọi bà bằng cái tên thân thương là má Mười. “Sở dĩ các con gọi tôi là má Mười vì tôi nuôi, chăm sóc và yêu thương các con như con ruột của mình”, bà nói.
Má Mười đến với công việc nuôi, chăm sóc trẻ tật nguyền, mồ côi một cách đầy tình cờ. Năm 1988, má Mười về Củ Chi thăm lại chiến trường cũ. Tại đây, má đau đớn khi biết những người từng nuôi giấu mình trong năm tháng chiến tranh đều đã qua đời.
Họ bỏ lại những đứa con tật nguyền không ai chăm sóc. Thương những đứa trẻ bất hạnh, má quyết định nhận các em về nuôi, chăm như con ruột.
Má Mười kể: “Lúc đó, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm nuôi các bé. Bởi, lúc chiến tranh, cha mẹ các con đã chở che, nuôi giấu mình. Tôi gom các bé lại, đưa về chăm sóc trong căn nhà tình thương được dựng tạm trên phần đất của gia đình.
Lúc đó, tôi chỉ mới nhận nuôi 5 bé thôi. Các bé đều bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nên tật nguyền, yếu ớt lắm”.
Bỗng chốc có thêm 5 đứa con nuôi tật nguyền, má Mười vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Thời bao cấp, mỗi tháng má chỉ được lãnh chục cân gạo. Lương tháng của má cũng vẻn vẹn “mấy trăm ngàn”.
Tuy vậy, má vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng nuôi 5 đứa trẻ tật nguyền. Má nghĩ “mình đã khổ, chúng còn khổ hơn” nên “khổ mấy cũng nuôi cho bằng được”. Mỗi ngày, má nấu một nồi cơm chung rồi cho các con ăn trước.
Sau đó, má vét lại chút cơm thừa, cơm cháy dưới đáy nồi để ăn tạm cho qua bữa. Những ngày đó, mái ấm chỉ là mái lá xiêu vẹo, trống trước hở sau. Mỗi khi mưa gió, mái lá lung lay, nước tràn vào nhà.
Má một mình tát nước, che mưa cho đàn con không cùng huyết thống. Những tháng nắng gắt, trời nóng như đổ lửa, má ngồi quạt, lau mồ hôi cho từng đứa trẻ ngô nghê, chỉ biết khóc cười, la hét, đập phá mỗi khi khó chịu.
Thấy má chăm các bé như ruột thịt, người ta bắt đầu đem con đến bỏ trước mái ấm. Đa số các bé bị bỏ rơi đều tật nguyền, bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Số còn lại, cha mẹ các bé không có điều kiện nuôi hoặc trót mang thai ngoài ý muốn.
Không để các bé tổn thương thêm lần nữa, má Mười ẵm vào mái ấm, nhận làm con nuôi. Các bé đều được má làm giấy khai sinh lấy theo họ Trần của má. Với các bé gái, má đều đặt tên là Duyên. Bé trai, má lấy chữ Thiện làm tên lót cho các con.
Sau đó, thông tin má Mười nuôi trẻ mồ côi, tật nguyền lan xa. Nhiều gia đình có con em bị tật nguyền bẩm sinh, gia cảnh nghèo khổ bắt đầu tìm đến gửi con, nhờ mái ấm “nuôi giúp”. Từ 5 đứa con nuôi, má Mười trở thành má của hơn 100 đứa trẻ.
“Đàn con tăng nhanh”, má Mười chật vật hơn gấp bội. Má tất tả sáng bán hủ tiếu, vé số, bánh tráng chiều làm tương chao, muối ớt… bán lấy tiền nuôi con.
Nhưng, dù đã dùng hết những đồng tiền cuối cùng, má vẫn không thể chu toàn bữa cơm, chiếc áo cho bầy con nuôi. Cuối cùng, má quyết định bán căn nhà mặt phố ở quận Tân Bình, TP.HCM để có tiền trang trải.
Má bỏ thành thị, về Củ Chi xây mái ấm Thiện Duyên làm nơi cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tật nguyền. Sau này, má Mười cũng nhận chăm sóc, đưa người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn về mái ấm sinh sống.
Mái ấm được chia thành những khu vực riêng như: Trẻ bình thường, trẻ mắc bệnh nhẹ, trẻ bị bại não, trẻ bị động kinh, trẻ sơ sinh và phòng chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, mái ấm dành một không gian riêng làm nơi chăm sóc người già bệnh tật, neo đơn.
Hiện, mái ấm đang nuôi, chăm sóc 125 trẻ mồ côi, khuyết tật. Trong số này có đến 80 em bại não, 40 em lành lặn, đang học các cấp học khác nhau.
Má Mười nói: “Ở đây có bé chưa đầy 1 tuổi, có người đã sống được nửa đời trong mái ấm. Có rách áo mới thương người áo rách nên suốt hơn 30 năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ không chăm lo cho các con.
Tôi xem mọi người trong mái ấm như người nhà, xem các con như ruột thịt. Thế nên dù khó khăn bao nhiêu, tôi cũng không bao giờ bỏ các con”.
Dù tuổi đã cao, má Mười vẫn minh mẫn, nhớ như in hoàn cảnh của từng đứa con trong mái ấm. Ngoài 5 trường hợp là con của những người từng nuôi giấu mình lúc tham gia kháng chiến, má nhớ nhất hoàn cảnh của cô gái mang tên Bánh Trung Thu.
Năm đó, má Mười đi bán bánh trung thu để có tiền chăm lo cho các con ở mái ấm. Trên đường bán bánh, má bắt gặp hình ảnh cô bé khoảng 9 tuổi chân tay teo tóp, nằm bất động ở một góc đường.
Má đến bên cạnh và biết bé gái tật nguyền bị cha mẹ bỏ rơi. Má quyết định bế đứa trẻ về mái ấm nuôi và đặt tên cho bé là Bánh Trung Thu. Trung Thu bệnh tật nên không thể tự sinh hoạt, chăm sóc bản thân. Có lúc, cô tưởng chừng không thể vượt qua cái chết.
Ấy vậy mà nhờ tình yêu thương, chăm sóc của má Mười, Trung Thu vượt qua tất cả. Đến nay, Trung Thu đã bước qua tuổi 30. Dù vẫn không thể tự chăm sóc cho mình và không hiểu được những gì má Mười nói, Trung Thu luôn cười mỗi khi thấy má đến bên giường của mình.
Những lúc như vậy, má Mười thường rưng rưng nước mắt. Má hạnh phúc vì biết các con cảm nhận được tình yêu thương của mình. Má tâm sự: “Tôi biết, các con không hiểu những điều tôi nói. Nhưng tôi tin các con cảm nhận được tình cảm của tôi dành cho mình. Đó là niềm an ủi, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”, má chia sẻ.
Không chỉ cưu mang, má Mười còn dựng vợ gả chồng cho những đứa con nuôi đã trưởng thành. Đối với những người già neo đơn, bệnh tật, sau khi mất, má Mười lo hậu sự chu đáo cho họ.
Má tự hào cho biết mình đã xây dựng gia đình cho 8 người con nuôi. Thậm chí, má còn cho đất, xây nhà cho những người con này. Để đáp đền công ơn của má, sau khi có cuộc sống riêng, những người này đều thường xuyên về mái ấm, đỡ đần má trong việc chăm sóc các em.
Tuy vậy, má Mười vẫn chưa lúc nào nguôi ngoai nỗi lo không ai chăm sóc cho mái ấm khi mình nhắm mắt xuôi tay. Suốt 35 năm qua, má chưa bao giờ có mong cầu gì cho bản thân ngoài việc các con trong mái ấm được bù đắp phần nào nỗi bất hạnh.
Má luôn khắc khoải nỗi niềm tìm được người đủ tâm đức để tiếp tục công việc còn dở dang của mình tại mái ấm. Má tâm sự: “Bây giờ, điều tôi lo lắng nhất là sau khi mình nhắm mắt xuôi tay, các con có còn no ấm, được chăm sóc như bây giờ hay không?
Tôi luôn mong đến ngày mình mất, đừng ai đem bông đến viếng. Thay vào đó, ai có lòng thì hãy đem vài ba bao gạo đến cho tụi nhỏ có bữa ăn là tôi vui rồi. Tôi cũng mong có người đủ tâm đức, tình yêu thương đứng ra thay tôi chăm nom cho mái ấm”.
Nội dung: Hà Nguyễn
Thiết kế: Hồng Anh