Năm nay, ngày 30 tháng Chạp rơi vào thứ Sáu, nhằm ngày 9/2/2024 dương lịch. Người Việt thường cúng tất niên vào những ngày cuối năm âm lịch, nhưng phần lớn sẽ chọn ngày cuối cùng của năm.
Để thực hiện nghi lễ cúng tất niên, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm tươm tất dâng lên ông bà, tổ tiên. Bữa cơm cuối cùng của năm mang ý nghĩa tiễn năm cũ và cầu mong năm mới may mắn, thịnh vượng.
Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) cho biết, mâm cúng tất niên rất quan trọng trong văn hóa Tết cổ truyền của người Việt. Tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, bữa cơm tất niên có thể bày biện “mâm cao cỗ đầy” hoặc đơn giản, thanh đạm.
“Mâm cúng tất niên có thể cúng ở trong nhà hoặc ngoài trời. Cỗ cúng tất niên không cần quá cầu kỳ, chủ yếu thể hiện tấm lòng của người cúng.
Nhà giàu, đông người, thích ăn thì làm cỗ to, gia đình khó khăn thì có cái gì cúng cái đấy”, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết lưu ý, mâm cúng tất niên của mỗi vùng miền cũng có sự khác biệt rõ rệt. Tùy theo sản vật của địa phương, mâm cỗ tất niên sẽ có những món ăn đặc trưng.
Mâm cúng tất niên miền Bắc
Nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết, mâm cỗ miền Bắc nói chung và người Hà Nội nói riêng đều có xôi gấc, bánh chưng, dưa hành muối, nem, giò thủ, gà luộc và thịt đông.
Các món ăn này phù hợp với tiết trời lạnh giá của miền Bắc khi đón năm mới vào mùa đông. Trong đó, thịt đông là món ăn đặc trưng của người miền Bắc mà các vùng miền khác thường không có.
Ngoài những món vừa kể, mỗi gia đình thường có thêm một số món như: bóng xào thập cẩm, canh măng, miến xào mề gà...
“Truyền thống ngày xưa, mâm cỗ cúng cần 4 bát, 4 đĩa. Những nhà khá giả hoặc làm quan thì làm 6 bát, 6 đĩa, thậm chí 8 bát, 8 đĩa.
Tuy nhiên, đây không phải tục lệ bắt buộc, tùy bối cảnh gia đình mà chuẩn bị cỗ ít hay nhiều. Ngày xưa, người Hà Nội thường sống chung nhiều thế hệ dưới một mái nhà. Vì vậy, đông người thì cỗ phải nhiều bát, nhiều đĩa.
Cách bày mâm cỗ theo bát đĩa đã không còn phù hợp với các gia đình trẻ, sống tách biệt bố mẹ sau khi kết hôn.
Hiện nay, người phụ nữ gánh nhiều trách nhiệm xã hội thì không thể suốt ngày trong bếp nấu mâm cao cỗ đầy”, nghệ nhân Ánh Tuyết phân tích.
Mâm cúng tất niên miền Trung
Nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết, mâm cúng tất niên của người miền Trung phản ánh rõ nét đặc sản, ẩm thực vùng miền.
Mâm cỗ tất niên của người miền Trung thường có ít nhất 7 món. Đó là những món ăn thường dùng trong cuộc sống hàng ngày, kèm một số món ăn đặc biệt chỉ nấu vào ngày Tết.
Ngoài các món gà luộc, xôi, chè, mâm cúng tất niên miền Trung có thêm bánh tét hoặc bánh chưng, món hầm, thịt luộc tôm chua, tôm thịt rim, cá chiên, nem chua, ram, gỏi…
Nếu như miền Bắc có thịt đông thì mâm cỗ cúng của người miền Trung không thể thiếu món thịt muối hoặc thịt ngâm mắm.
Mâm cúng tất niên miền Nam
Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, điểm khác biệt rõ rệt trong mâm cúng tất niên miền Nam là món thịt kho trứng và canh khổ qua nhồi thịt. Bên cạnh đó, bánh tét với đủ loại nhân mặn ngọt, vô số loại bánh mứt thể hiện vùng đất có sản vật trù phú.
Mâm cỗ cúng tất niên phương Nam không thể thiếu món thịt kho trứng. Quả trứng tròn miếng thịt vuông tượng trưng cho trời tròn đất vuông, mang ý nghĩa năm mới trọn vẹn, đầy đủ, sung túc.
Dân gian Nam bộ cho rằng, tất niên ăn món canh khổ qua nhồi thịt thì bao nhiêu cái khổ trong năm cũ sẽ qua hết, xua tan xui xẻo, đón tài lộc năm mới.
Ngoài các món ăn đặc trưng, mâm cúng tất niên của người miền Nam còn có gà xé phay, tôm khô củ kiệu, bánh mứt…
Bên cạnh các món mặn, mâm cúng tất niên 3 miền không thể thiếu mâm ngũ quả, hương hoa, đèn nến, trầu cau, trà, rượu…
Mâm ngũ quả, hương hoa thường được đặt trên ban thờ suốt Tết. Mâm cỗ mặn được đặt ở bàn thờ phụ hoặc một chiếc bàn nhỏ chữ nhật thấp hơn, đặt trước bàn thờ chính.