Trò chuyện với nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp nhân dịp Tết Giáp Thìn, tổng kết lại một năm đã qua, ông “khoe”: “Năm vừa rồi, tôi bay 82 chuyến khắp trong Nam ngoài Bắc”.
Nghỉ hưu đã 12 năm nay nhưng ông vẫn làm thơ, viết sách và đặc biệt “đắt sô” đi khắp nơi trò chuyện, chia sẻ.
Trước khi ông về hưu, một phóng viên hỏi: “Về hưu, ông sẽ về nơi nào?”, ông không ngần ngại đáp: “Tôi sẽ về nơi nào hội đủ 4 điều kiện: có bạn bè, đồng nghiệp đông nhất; có con cháu nhiều nhất; có hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt nhất và đó phải là nơi tôi có cơ hội làm nghề truyền thông thuận lợi nhất”.
Ông chọn Hà Nội làm nơi “trú chân” cho những năm cuối đời. Nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, như bao năm nay vẫn vậy, ông lại trở về ngôi nhà nơi mình đã sinh ra và lớn lên ở Nghệ An.
Chỉ có 5 năm trở lại đây, khi bố mất, mẹ yếu, ông mới đưa mẹ ra Hà Nội để tiện chăm sóc cho đến ngày mẹ qua đời. Với ông, “mẹ ở đâu thì Tết ở đó”.
Khi được hỏi về những cái Tết mà ông nhớ nhất, bất giác có 3 hình ảnh hiện lên ngay trong ký ức của ông.
“Đó là cái Tết ở chiến trường năm Kỷ Dậu 1969. Khi ấy tôi 18 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, lần đầu tiên đón Tết trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Giữa cái nắng chang chang, tôi nhớ cái rét, nhớ mưa phùn của miền Bắc. Nỗi nhớ nhà da diết trào dâng. Chúng tôi không có bánh chưng, không có thịt lợn. Anh em chia nhau một bánh lương khô, ngồi bên nhau kể chuyện ngày Tết quê mình”.
Nhớ lại những cái Tết thời thơ ấu, ông không thể quên hình ảnh của cái nghèo nhưng thấm đậm tình người. “Tết ngày xưa khiến người ta trông mong, chờ đợi bởi vì chỉ đến Tết mới có những thứ mà ngày thường không bao giờ có”.
“Đến Tết mới được ăn cơm không độn. Đến Tết mới được mặc quần áo mới. Đến Tết, trẻ con được đi chơi cả ngày mà không bị bố mẹ la rầy. Ngày Tết, không ai nói nặng lời với nhau. Tất cả những thứ ấy tạo nên một không khí thiêng liêng vô cùng”.
Nhớ về giai thoại ăn cơm độn, ông chia sẻ một câu chuyện được nghe kể lại. “Năm 1961, Bác Hồ về Nghệ An. Bác xuống nhà ăn của tỉnh uỷ thì thấy toàn cơm không độn. Bác hỏi: ‘Quê choa bây giờ không phải ăn độn nữa à?’. Ông Bí thư tỉnh uỷ Võ Thúc Đồng khi ấy chưa biết trả lời thế nào thì cô cấp dưỡng nhanh miệng nói một câu rất thật: ‘Bác về, cả tỉnh vui mừng. Chúng cháu nấu một bữa cơm không độn để liên hoan. Bác đi rồi nhà cháu sẽ ăn độn bù vào’”.
Nói vậy để biết rằng, những ngày tháng đói khổ ấy, ăn cơm không độn một bữa đã được gọi là liên hoan. Thế mà ngày Tết, không những không phải ăn cơm độn, còn được một lát bánh chưng, miếng cá, miếng thịt mà ngày thường không bao giờ có.
Cả năm, phải đợi đến Tết, trẻ con mới có một bộ quần áo mới để mặc. “Nhiều khi còn không dám mặc vì bạn bè mặc áo rách cả, mình mặc áo mới, thấy thẹn”.
Chính vì thế, ông từng viết mấy câu thơ khi nhớ về những ngày gian khó ấy:
“Con mong một tà áo đẹp
Mỗi năm chỉ được một lần
Trông chờ chiều 30 Tết
Mặc vào lòng dạ lâng lâng”
Ông gọi cái Tết năm Đinh Hợi - năm thực thi chức trách Bộ trưởng Văn hoá Thông tin - là cái Tết cống hiến. Đêm giao thừa năm đó, ông chủ trương thực hiện các chương trình nghệ thuật vui xuân đường phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Trong khi gia đình vẫn đang ở Nghệ An, ông ở lại trực tiếp chỉ đạo và thưởng thức chương trình nghệ thuật đến 2h sáng. Trước đó, ông đã dặn cậu lái xe mua sẵn chiếc bánh chưng vì biết sáng hôm sau chẳng ai bán gì. 4h sáng, ông Bộ trưởng và chú lái xe ngồi cắt bánh chưng ăn, rồi lên xe chạy một mạch từ Hà Nội về quê ăn Tết với gia đình.
Kỷ niệm ấy có lẽ ông không bao giờ quên về một cái Tết của người lãnh đạo, tuy vất vả nhưng tràn đầy niềm vui được cống hiến cho đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô.
Ông bảo, ngày xưa không có chuyện đi chúc Tết cấp trên, chỉ có đi chúc lẫn nhau. Truyền thống văn hoá của người Việt là biết ơn và trả ơn. Biết trả ơn chính là văn hoá, là đạo đức.
“Ngày xưa người ta chỉ chúc nhau bằng lời, chứ không bằng vật chất. Quà Tết là cân gạo nếp đầu mùa, là rổ khoai mới bới, là những thứ mình tự sản xuất ra được, mang đi tặng người có ơn với mình, người đã giúp đỡ mình trong công việc và cuộc sống”.
Ông Hợp kể, suốt thời gian còn là quan chức, bản thân ông cũng đi chúc Tết nhiều người, nhưng ông hay chọn những “món quà văn hoá”.
“Nhận quà xong, người ta thấy mình hiểu và quý người ta. Nhận quà xong mà thấy vui thì đó mới là quà. Nhận quà xong mà thấy lo thì ai gọi là quà nữa…
Và người nhận quà cũng phải có văn hoá nhận sao cho không làm mất lòng người tặng mà vẫn giữ được phẩm giá và đạo đức. Nếu có công với người ta thì hẵng nhận và chỉ nhận trong giới hạn văn hoá, an toàn”.
Theo ông, quà Tết không phải là chuyện vật chất mà là một tín hiệu cho thấy ngày Tết có nghĩ đến nhau. Mà nghĩ đến nhau chính là văn hoá”.
Trước khi “làm quan”, ông Lê Doãn Hợp là một người lính. Vào sinh ra tử cùng 516 đồng đội trong 1 tiểu đoàn, kết thúc chiến tranh còn trong quân ngũ để tiến vào quân quản Sài Gòn là 51 người.
“Mình là hạt gạo trên sàng, sống được là nhờ may mắn. Vì thế, tôi dám khẳng định suốt những năm làm lãnh đạo từ cấp địa phương tới Trung ương, tôi không bị ai chê là ‘kẻ tham’. Bởi vì so với đồng đội, tôi đã quá lãi".
Một trong số những đồng đội của ông ngày ấy chính là người đã “biếu” ông món quà Tết đặc biệt mà đến giờ ông vẫn còn nhớ như in.
“Tôi có một ông bạn chiến đấu sống chết có nhau trong cùng đơn vị. Kết thúc chiến tranh, bạn về quê, gia cảnh rất khó khăn. Bạn có một cô con gái học đại học ngành văn thư lưu trữ, ra trường 3 năm không xin được việc làm. Khi ấy, vào những năm 2000, tôi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Một hôm hai vợ chồng ông bạn cùng cô con gái đạp xe tới nhà tôi có lời nhờ vả. Chị vợ nói: ‘Mỗi lần anh nhà em thấy anh Hợp trên tivi là lại khoe ‘ngày xưa anh Hợp cùng đơn vị với anh’. Nhưng chị vợ đáp: ‘Anh suốt ngày khoe quen anh Hợp mà không dám đến nhờ anh ấy xin việc cho con’. Nghe vợ nói mãi, cuối cùng ông bạn mới chịu đến nhà gặp tôi trình bày nguyện vọng”.
Ông Hợp giải thích thêm, khi còn là lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, ông nhận thấy năng lực của cán bộ xã rất yếu, trong khi cử nhân không có việc làm. Ông đã bàn bạc với ban thường vụ để đưa ra một chủ trương rất quyết liệt: Tất cả các em tốt nghiệp đại học chính quy loại khá trở lên chưa có việc làm, mời nộp hồ sơ cho Ban Tổ chức cán bộ của tỉnh. Sau đó, tỉnh bố trí về mỗi xã ít nhất 1 người, thực hiện chủ trương tỉnh trả lương, huyện quản lý, xã sử dụng. “Không để ai có học phải đi xin việc” - ông nói.
Quay trở lại với câu chuyện người đồng đội xin việc cho con gái, ông Hợp ngay lập tức viết một bức thư gửi cho ông chủ tịch xã nhờ bố trí công việc tại địa phương cho cháu. “Vì nhà cháu nghèo, vào Vinh cũng không có chỗ ở nên làm việc ở quê là tốt nhất”.
“Tôi nghĩ đó là sự giúp đỡ rất bình thường ở cương vị của tôi với một người bạn chiến đấu - người từng sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ Tổ quốc”.
“Nhưng cảm động nhất là Tết năm đó” - ông kể tiếp. “Hai vợ chồng cùng cô con gái và người yêu của cô bé chở nhau trên 2 chiếc xe đạp. Cô con gái ngồi sau xe người yêu, ôm một két bia tới nhà tôi để cảm ơn.
Chị vợ nói mấy câu khiến tôi cảm động rưng rưng nước mắt: ‘Anh Hợp ạ, mẹ con em không bao giờ quên được công ơn của anh. Anh có biết không, tháng đầu tiên nhận lương, cầm số tiền con mang về đưa cho mẹ, em đã khóc’”.
“Món quà Tết - một két bia thôi - nhưng nó quý hơn vàng. Đó là món quà Tết mà tôi trân trọng và tự hào khi được nhận. Mình nhận quà mà mình vui, người tặng cũng vui, bởi đó chính là tình nghĩa, là văn hoá”.
Bài: Nguyễn Thảo
Ảnh: Phạm Hải, Nguyễn Khang
Thiết kế: Nguyễn Ngọc