Đêm giao thừa giữa đại ngàn
PGS.TS - Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu là con gái thứ 3 của vợ chồng cố bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) và Vi Kim Ngọc (1916 - 1988).
Nhắc đến Tết, bà Nữ Hiếu cho biết, khoảng năm 1949-1950 bà theo bố mẹ đi tản cư ở vùng Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu |
Cuộc sống thiếu thốn nhưng năm nào cụ Vi Kim Ngọc cũng chuẩn bị cho các con một cái Tết tươm tất.
“Cha tôi làm việc ở Sơn Dương (Tuyên Quang), Tết mới về Chiêm Hóa thăm vợ con.
Thực phẩm Tết có thịt lợn hun khói do mẹ tự làm. Loại thịt này, mẹ để dành từ trước đó nhiều tháng, ướp với muối trong thùng gỗ kín, đặt lên gác bếp.
Mấy mẹ con tăng gia, nuôi thêm đàn gà, trồng vài luống rau. Hoa quả là đặc sản rừng như quýt rừng, quả gắm…
Các loại đồ khô như miến, măng, mọc được chuyển từ dưới xuôi lên. Nhờ sự tháo vát của mẹ, nhà tôi có mâm cỗ Tết đủ đầy…”.
Vợ chồng GS Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc cùng các con trong ngày Tết ở chiến khu. |
Bà Nữ Hiếu chia sẻ, Tết với bà vui nhất vào sáng mùng 1. “Kháng chiến chống Pháp nổ ra, rời khỏi Hà Nội, mẹ tôi vẫn mang theo áo dài nhưng không có nhiều cơ hội dùng, chỉ có Tết mới mặc.
Mẹ tôi cùng các dì Vi Kim Phú (vợ GS Hồ Đắc Di), Vi Kim Quý, chị Nguyệt Hồ (vợ GS Tôn Thất Tùng) đưa trẻ con đến chúc Tết bà con dân bản và sinh viên bên trường Y.
Buổi chiều, các sinh viên và mọi người xuống nhà tôi quây quần, cùng ăn uống”.
Gia đình GS Nguyễn Văn Huyên. |
Tuy nhiên, trong suy nghĩ non nớt ngày ấy, BS Nữ Hiếu thừa nhận, mình không có cảm giác gì về đêm Giao thừa.
“Năm đó, đêm Giao thừa trôi qua lặng lẽ như mọi ngày bình thường, chỉ có ánh đèn dầu leo lét. Bước ra ngoài cửa là màu đen tịch mịch bao trùm.
Trong khi mẹ miệt mài với công việc nghiên cứu. Chị em tôi học xong, chui vào màn ngồi kiểm điểm xem hôm đó làm được việc gì tốt cần phát huy, việc gì chưa tốt để điều chỉnh bản thân.
Sau đó, chị em mới bảo nhau đi ngủ. Đây là cách dạy con vô cùng tinh tế của bố mẹ tôi”, BS Nữ Hiếu nhớ lại.
Món ăn đặc biệt tiếp khách quý
Trở về Hà Nội, Tết với đại gia đình bà Nữ Hiếu đã có nhiều đổi khác.
“Chúng tôi lập gia đình nhưng vẫn ở cùng bố mẹ trên phố Trần Hưng Đạo”, bà Nữ Hiếu kể.
Người phụ nữ sinh năm 1942 cho hay: “Nhà tôi nuôi lợn nhưng không biết mổ. Bởi thế cuối năm số lợn được bán đi, dành tiền mua thịt gói bánh. Mẹ tôi gói bánh chưng rất khéo, không dùng khuôn nhưng bánh đều tăm tắp.
Năm nào bà cũng gói đủ các loại bánh, gồm: Bánh chưng thường, bánh chưng gấc, bánh chưng dài (của người Tày), bánh chưng ngọt…
Bánh chưng ngọt giống bánh chưng thường, có gạo, thịt, đỗ nhưng thêm đường phên hoặc đường trắng. Khi gói phải làm sao cho đường không bị lẫn với gạo, nếu không gạo sẽ bị sượng.
Bánh chưng gấc mẹ tôi gói to, khoảng 1 kg. Khi gói lật lá ngược lại, tránh màu xanh của lá làm mất màu đỏ đặc trưng của gấc”.
BS Nữ Hiếu cùng đại gia đình họp mặt ngày mùng 1 Tết tại Trần Hưng Đạo. |
Theo lời BS Nữ Hiếu, trong ngày Tết, gia đình bà không thể thiếu món bún thang Hà Nội tiếp khách quý.
“Mẹ tôi nổi tiếng là kỹ tính. Mỗi khi khách đến nhà, ngoài các món ăn thông thường, bà chuẩn bị bún thang tiếp đãi. Bát bún thang của mẹ vẫn đầy đủ trứng tráng mỏng, giò, tôm, thịt gà…, nhưng sự khác biệt chính là cách bày trí.
Trên lớp bún, bà xếp đặt trứng và các nguyên liệu thành hình con bướm, sau đó mới chan nước lên. Nhìn bát bún đẹp mắt, hương vị hấp dẫn, ai thử qua 1 lần cũng tấm tắc khen ngợi”, BS Nữ Hiếu nói.
Thời bao cấp, đại gia đình của BS Nữ Hiếu cũng đầy ắp những kỷ niệm khó quên.
“Tết đến là mỗi gia đình được phát bìa ra mậu dịch nhận hàng. Chúng tôi thay phiên nhau đi ‘đặt gạch’ xếp hàng nhận đồ phân phối. Đại gia đình 15 người ăn chung nên đồ Tết gom lại khá nhiều. Mỗi túi hàng Tết gồm mứt, miến, mộc nhĩ, thuốc lá, gói chè…
Bố tôi làm bộ trưởng nên có thêm tiêu chuẩn mua hàng ở mậu dịch quốc tế. Những phiếu này mẹ tôi không dùng mà để dành tặng bạn bè có con cái cưới xin hay khi nhà có việc đại sự”.
Báo cáo thành tích đầu năm mới là truyền thống được gìn giữ nhiều năm nay tại gia đình bà Nữ Hiếu. |
Một truyền thống không thể không nhắc đến trong gia đình GS Nguyễn Văn Huyên là việc báo cáo thành tích vào ngày đầu năm.
Đúng 10 giờ sáng mùng 1 Tết, các thành viên tụ họp về căn nhà ở Trần Hưng Đạo. Tất cả đứng trước bàn thờ tổ tiên chia sẻ về những thành tích đã đạt được và mục tiêu phấn đấu của mình trong năm tới.
“Ngay cả khi bố mẹ lần lượt qua đời, chị em tôi vẫn giữ truyền thống này như một nếp nhà. Sau đó, chúng tôi xuống mở sâm banh, chúc nhau năm mới an lành và nghe trẻ con trong nhà chơi piano”, Bs Hiếu mỉm cười nói.
Cuộc sống trong biệt thự tổng đốc của giai nhân đất Bắc
Kể từ khi mẹ ruột qua đời, giai nhân Vi Kim Ngọc cùng chồng con chuyển về sinh sống trong căn biệt thự rộng lớn của tổng đốc Vi Văn Định, giúp cha quản lý việc nhà.
Diệu Bình - Vũ Lụa