Là một đất nước dân số trẻ với 97,3 triệu người, trong đó hơn 70% là người sử dụng Internet, Việt Nam đã và đang trở thành mảnh đất đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp nền tảng số. Nhiều nền tảng số đã phủ sóng rộng khắp và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của dân mạng Việt Nam. Đó là công cụ tìm kiếm Google, Gmail, dịch vụ gọi xe Grab, GoJek hay phổ biến hơn cả là các mạng xã hội.
Theo thống kê mới nhất của We are social năm 2022, Facebook hiện là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam với 93,8% người dùng Internet sử dụng hàng tháng. Công cụ nhắn tin Messenger, mạng xã hội chia sẻ video TikTok và mạng xã hội chia sẻ ảnh Instagram cũng là những nền tảng số được nhiều người Việt Nam sử dụng (đều chiếm trên 60%).
Sự có mặt của các nền tảng số xuyên biên giới đã mang tới cơ hội tiếp cận dịch vụ Internet cho nhiều người dân Việt Nam. Tuy vậy, nó kéo theo những hệ lụy cần lưu tâm, đó là câu chuyện chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng.
Từ trước đến nay, nhận thức của phần lớn người dân vẫn thiên theo hướng bảo vệ chủ quyền quốc gia truyền thống, đó là những vấn đề về lãnh hải, lãnh thổ. Thế nhưng, trong một thế giới mới, nơi dòng chảy vật chất song song cùng tồn tại với dòng chảy dữ liệu, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng là một vấn đề cần lưu tâm.
Đó là việc dữ liệu của người dân Việt Nam đang ở đâu? Ai là người hiểu được hành vi của người dân cũng như các cơ quan, tổ chức Việt Nam trên không gian mạng?
Nếu những dữ liệu đó chỉ nằm trong tay các công ty cung cấp nền tảng xuyên biên giới, liệu chúng ta có an toàn? Sẽ thế nào nếu các nền tảng xuyên biên giới được sử dụng vào mục đích chính trị để tác động lên các cuộc bầu cử hay thực hiện những "lệnh cấm vận"... trên không gian số?
Mở cửa với thế giới nhưng không được phép phụ thuộc về công nghệ. Đó là thách thức của rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ đối với riêng Việt Nam.
Điều này còn được đặt trong bối cảnh thế giới đang có những biến động khó lường, bao gồm các cuộc xung đột quân sự, chiến tranh thương mại lẫn những thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu hay dịch bệnh Covid-19.
Tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen giao dịch công nghệ, cắt đường sử dụng dịch vụ Google trên smartphone Huawei. Một năm sau, Mỹ lại hạn chế các công ty bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ bán hàng cho Huawei. Những đòn giáng của Mỹ dành cho các công ty công nghệ Trung Quốc đẩy mức độ căng thẳng của “chiến tranh công nghệ” lên một cấp độ mới.
Mới đây nhất, điều này đã được thể hiện rõ khi nhiều Big Tech như Apple, Twitter, Spotify tuyên bố rút lui khỏi Nga sau những xung đột của nước này với Ukraine. Cùng lúc đó, YouTube, Meta và Microsoft đã tiến hành hạn chế hoạt động của các kênh truyền thông đa phương tiện Nga như RT và Sputnik ở châu Âu. Đáp lại, Nga đã cấm truy cập Twitter và Facebook, Instagram từ khi nổ ra xung đột với Ukraine.
Khi Mỹ và các chính phủ thành viên NATO theo dõi hoạt động của Nga để xác định chính sách phản ứng phù hợp, thông tin tình báo mà họ dựa vào không chỉ đến từ hệ thống gián điệp và vệ tinh gián điệp trị giá hàng triệu USD.
Phương tiện truyền thông xã hội, dữ liệu lớn, điện thoại thông minh và vệ tinh giá rẻ hiện đã chiếm vị trí trung tâm trong việc thu thập dữ liệu. Trích xuất dữ liệu Twitter trở nên quan trọng không kém thứ gì khác trong các bộ công cụ phân tích tình báo.
Trên thế giới, một số quốc gia cũng đã thực hiện yếu tố tránh bị phụ thuộc vào công nghệ, dịch vụ của các công ty toàn cầu để họ có thể đảm bảo rằng sẽ bị ảnh hưởng thấp nhất nếu có vấn đề gì xảy ra.
Cùng với việc đẩy nhanh xây dựng xã hội số, kinh tế số và chính phủ số, Việt Nam sẽ đối phó với những thách thức từ không gian mạng. Hơn lúc nào hết, việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng và ứng phó với những nguy cơ mới trở thành vấn đề sống còn.
Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng việc thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng nội. Đó là những nền tảng số Make in Việt Nam. Tất nhiên, chiến lược Make in Vietnam không có nghĩa là bài trừ các ứng dụng xuyên biên giới, mà đây là sự lựa chọn mới những dịch vụ, giải pháp được địa phương hóa phù hợp cho người Việt, đảm bảo chủ quyền trên không gian số, lại vừa tăng sức cạnh tranh của môi trường Internet bằng cách tạo ra sự lựa chọn khác cho người dùng.
Theo Vụ CNTT (Bộ TT&TT), “Make in Việt Nam - Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam” là một chủ trương, định hướng lớn để khơi dậy nội lực, khát vọng phát triển đất nước trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Kể từ khi Make in Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chính thức đưa ra thông điệp tại Diễn đàn quốc gia lần thứ nhất về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào tháng 5/2019, phong trào này đã tạo một luồng sinh khí mới, năng lượng tích cực, hiệu triệu hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số hưởng ứng tham gia. Nhà chức trách cho rằng, phong trào Make in Việt Nam đã làm thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của doanh nghiệp công nghệ và sản phẩm công nghệ số trong công cuộc phát triển đất nước.
Cho đến thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã tiên phong để đưa ra các sản phẩm, giải pháp dịch vụ Make in Việt Nam.
Ngày 17/1/2020, Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị của Viettel sản xuất. Việc triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số.
Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 sản xuất thiết bị này. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể sản xuất thiết bị 5G.
Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch VNPT cho hay, để thực hiện sứ mệnh trở thành một tập đoàn công nghệ, VNPT sẽ phải tiên phong trong việc nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đúng với tinh thần Make in Việt Nam và chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ, VNPT sẽ thực hiên nghiên cứu để làm chủ các công nghệ lõi, hướng tới sản xuất thiết bị công nghệ 4.0.
Không chỉ có những doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT... , hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cũng đã có những sản phẩm số Make in Việt Nam có thể thay thế những dịch vụ của các công ty công nghệ xuyên quốc gia.
Trong đó, ứng dụng nhắn tin Zalo đang trở thành một nền tảng truyền thông xã hội với 91,3% người dùng Internet Việt Nam sử dụng. Tỷ lệ người dùng Zalo tại Việt Nam chỉ kém Facebook (93,8%) và bỏ xa các nền tảng xuyên biên giới khác. Không chỉ Zalo, Facebook, TikTok hay Instagram, thị trường mạng xã hội Việt Nam còn có sự góp mặt của Gapo và Lotus...
Ở lĩnh vực gọi xe, ứng dụng be của Việt Nam cũng cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng số ngoại như Grab (Malaysia) hay Gojek (Indonesia). Tổng thị phần của 3 nền tảng gọi xe này chiếm tới 99% thị trường gọi xe Việt Nam năm 2020. Đó là một miếng bánh khổng lồ với tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35% mỗi năm và tổng doanh thu đạt 2,4 tỷ USD trong năm 2021.
Trong lĩnh vực công nghệ số, Cốc Cốc là một sản phẩm Make in Việt Nam khá quen thuộc với người dùng. Thống kê về thị phần trình duyệt ở Việt Nam của StatCounter cho thấy, tính đến tháng 2/2021, Cốc Cốc đang nằm trong top 3 trình duyệt phổ biến nhất với 8,9% thị phần, chỉ sau Chrome và Safari. Trong đó, phiên bản máy tính của Cốc Cốc hiện chiếm 14,12% thị phần.
Chia sẻ với VietnamNet về vấn đề này, đại diện Cốc Cốc cho rằng, muốn phát triển bền vững, cần phải tự chủ, đặc biệt, sự tự chủ về công nghệ càng trở nên quan trọng trong thời đại số.
Sự tự chủ về công nghệ, hay có thể gọi là “chủ quyền số”, “tự do số” có thể hiểu là việc sở hữu những nền tảng, sản phẩm công nghệ có chất lượng, năng lực ngang, thậm chí vượt trội với các sản phẩm nước ngoài.
Tự do số giúp phá bỏ thế độc quyền, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, giảm tải sự phụ thuộc vào công ty công nghệ nước ngoài. Đặc biệt, nó còn đóng vai trò như giải pháp giúp người dùng nội địa có sản phẩm thay thế những sản phẩm nước ngoài. Các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam cần đóng vai trò tiên phong để hạn chế sự chi phối của các “ông lớn”, góp phần tích cực vào công cuộc chống độc quyền công nghệ.
Cốc Cốc - trình duyệt web và công cụ tìm kiếm Make in Việt Nam là cái tên nổi bật, một trong những công ty công nghệ tiên phong dám đối đầu với những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới.
Hiện tại, Cốc Cốc là một trong số 20 trình duyệt và 10 công cụ tìm kiếm trên thế giới. Đây cũng là trình duyệt và công cụ tìm kiếm phổ biến thứ 2 tại Việt Nam. Sự hiện diện của Cốc Cốc đã và đang khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, phần nào hạn chế sự thống lĩnh và tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn của nước ngoài, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cốc Cốc còn là một công cụ hữu hiệu giúp kiểm tra chéo khi hoài nghi về kết quả có thể bị định hướng bởi sản phẩm nước ngoài. "Để chống độc quyền công nghệ, có được sự cạnh tranh bình đẳng, Chính phủ cần đồng hành, có thêm những chính sách phù hợp với thời đại để hỗ trợ những công ty như Cốc Cốc có không gian phát triển lành mạnh. Đây là bước đệm quan trọng trong tiến trình hướng tới một Việt Nam tự do số, để người Việt có thể tự hào vì sản phẩm Việt" đại diện Cốc Cốc nói.
Chia sẻ về lý do làm ra bản đồ số, đại diện IOTLink cho hay, ở tầm quốc gia, bản đồ số có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu sử dụng các nền tảng bản đồ của nước ngoài, hành vi người dùng và dữ liệu người dùng Việt sẽ do các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ.
Bản đồ số giúp liên kết các lớp dữ liệu đa ngành, xây dựng chiến lược đồng bộ, từ đó tạo ra bức tranh tổng thể của dữ liệu chạy ở nhiều lớp ứng dụng khác nhau, để giải quyết bài toán xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia. Nếu chúng ta sử dụng bản số Make in Việt Nam thì hành vi và dữ liệu của người Việt sẽ được đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, bản đồ số của người Việt có khả năng tích hợp thêm nhiều công nghệ khác như phân tích dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo, giúp doanh nghiệp sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số.
Theo IOTLink: "Nếu đẩy hết cơ sở dữ liệu lên bản đồ host tại nước ngoài thì chúng ta sẽ mất đi toàn bộ sự chủ động với chính dữ liệu của mình. Đó lý do quan trọng nhất, cũng là khởi đầu cho ý tưởng về một bản đồ số của Việt Nam. IOTLink không mang tâm thế cạnh tranh vào việc phát triển nền tảng bản đồ số Map4D mà muốn đây là nền tảng bản đồ số của người Việt, đặt tại Việt Nam và do người Việt làm chủ".
"Với mục tiêu đưa Map4D trở thành nền tảng bản đồ số lớn nhất Việt Nam, chúng tôi hi vọng sẽ giải được bài toán về an toàn thông tin, an ninh quốc gia, mọi thứ của Việt Nam cần đặt tại Việt Nam và của người Việt Nam" đại diện IOTLink nói.
Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp Việt đang hưởng ứng mạnh mẽ chiến lược Make in Việt Nam mà Chính phủ và Bộ TT&TT đưa ra. Hành trình để cạnh tranh và thay thế những ứng dụng xuyên biên giới là con đường nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trên con đường đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn mang sứ mệnh của đất nước để nghiên cứu, sáng tạo những dịch vụ cho người dùng Việt.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam: “Qua quan sát, chúng tôi thấy giai đoạn đầu phong trào Make in Việt Nam đã tạo ra nhiều hứng khởi. Nhiều công ty thể hiện mong muốn và khát vọng xây dựng các nền tảng Việt. Tất nhiên chúng ta đều biết việc xây dựng nền tảng là một cuộc đầu tư tốn kém và mạo hiểm, không phải ai cũng có thể đạt được thành công”.
Trên khía cạnh tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt, ông Bình cho rằng, không ít doanh nghiệp đã thực sự đầu tư để dấn thân.
“Tuy nhiên, tương lai của các nền tảng Make in Việt Nam như thế nào thì chúng ta phải chờ thêm đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như sự hiện diện trong đời sống của chính các nền tảng đó”, ông Bình chia sẻ.
Quan sát của Hiệp hội Internet Việt Nam cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những hướng dẫn cụ thể, đi vào các nhánh ứng dụng hoặc người dùng cụ thể hơn khi đưa ra chính sách nhằm động viên các doanh nghiệp trong nước.
Điều này có thể là gợi ý để các nền tảng Việt từng bước chiếm lĩnh thị trường, tạo được yếu tố khác biệt trong một lĩnh vực hoặc khu vực cụ thể, từ đó tạo ra ít nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nền tảng sẵn có của nước ngoài.
Ngoài câu chuyện kiến tạo, cổ vũ nói chung, cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra những chính sách cụ thể hơn theo ngành, chức năng hay khu vực nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt đầu tư xây dựng nền tảng và phục vụ người dùng.
Trọng Đạt