Sáng 14/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Data Center and Cloud Infrastructure Summit 2022 với chủ đề “Định hình tương lai số hoá tại Việt Nam”.
Đây là sự kiện quy mô lớn đầu tiên trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây (Data Center and Cloud Computing) do một nhà cung cấp dịch vụ nội địa tổ chức.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã tạo dựng được tên tuổi của mình trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cùng điều kiện cơ sở hạ tầng số phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Hoàng Văn Ngọc – Giám đốc Viettel IDC, chỉ trong vòng 10 năm qua, lưu lượng dữ liệu tại Việt Nam đã tăng gấp 7 lần, lưu lượng kết nối trong nước tăng 40 lần về băng thông, lưu lượng kết nối quốc tế tăng 25 lần. Số lượng thuê bao Internet hiện đã chiếm tới 75% tổng số hộ gia đình Việt Nam.
Vị chuyên gia này cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, công suất tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu Việt Nam hiện đã tăng gấp 3 lần, băng thông sử dụng tăng 10-15 lần. Cùng với đó là các tiêu chuẩn, chứng chỉ trong lĩnh vực này cũng ngày càng khắt khe hơn.
Ở những năm 2010, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp các dịch vụ dữ liệu đơn lẻ thì đến nay, các nhà cung cấp Make in Vietnam đã mang tới một hệ sinh thái đa dạng với hơn 30 sản phẩm, dịch vụ khác nhau, giúp giải quyết cơ bản nhu cầu trong nước.
Tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) đã có những chia sẻ sâu sắc phản ánh bức tranh thị trường Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Việt Nam, đồng thời nêu ra những định hướng về tương lai trong ngắn, trung và dài hạn.
Theo ông Tuấn, về hiện trạng, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam thời gian qua có 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp.
Một số đơn vị mạnh như FPT Telecom đã có trên 5.000 Rack (tủ chứa máy chủ và thiết bị mạng) với các trung tâm dữ liệu tại Hà Nội, TP.HCM. Viettel IDC cũng có 4.200 rack với các trung tâm dữ liệu ở Hòa Lạc, Bình Dương…
Tổng cộng Việt Nam hiện có từ 18.000-20.000 Rack. Số Rack đang sử dụng tại Việt Nam phần lớn có mật độ công suất thấp, số Rack công suất cao chỉ chiếm cỡ 20%. Đây là vấn đề mà nước ta đặt mục tiêu phải cải thiện trong thời gian tới.
Hiện các trung tâm dữ liệu Việt Nam tập trung phần lớn ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Trong đó, miền Bắc chiếm 46,48%, miền Nam chiếm 35,13% và miền Trung chiếm 18,39%. Tỷ lệ này có sự chênh lệch bởi các trung tâm dữ liệu lớn tập trung chính ở các bộ, ngành khu vực phía Bắc.
Về điện toán đám mây, thị trường Việt Nam hiện có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài Google, Microsoft, Amazon, các doanh nghiệp mạnh trong nước như Viettel, VNPT, CMC, FPT… và một số doanh nghiệp nhỏ.
Thị phần điện toán đám mây Việt Nam hiện chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 20% thị phần (cỡ 900 tỷ đồng).
Trong 80% thị phần Cloud do các nhà cung cấp nước ngoài nắm giữ, Amazon Web Services chiếm nhiều nhất với 33%, Google và Microsoft cùng chiếm 21%.
Theo ông Trần Minh Tuấn, hiện có 3 xu hướng chính tác động tới thị trường dữ liệu, đó là xu hướng chuyển đổi số toàn dân và toàn diện, xu hướng phát triển 5G, điện toán biên, tiếp đó là nhu cầu về xây dựng các hệ thống trung tâm dữ liệu phục vụ chung cho các nước trong khu vực.
Chia sẻ về định hướng của Việt Nam thời gian tới, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp nội cung cấp.
Đối với định hướng phát triển điện toán đám mây, Việt Nam phấn đấu làm chủ các công nghệ dùng cho điện toán đám mây và đa dạng các loại hình ứng dụng.
Bên cạnh đó, nước ta sẽ kết nối nền tảng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của các doanh nghiệp theo mô hình Multi Cloud. Việt Nam cũng sẽ kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích việc phát triển, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Make in Việt Nam.
Trọng Đạt