LỜI TOÀ SOẠN

Nếu như lực lượng công an điều tra thường xuyên được nhắc tên trong mỗi vụ án thì những người làm kỹ thuật hình sự được ví như người hùng thầm lặng ở phía sau. Họ là những người miệt mài ở hậu trường với những tử thi, mẫu vật, tài liệu… để hỗ trợ cơ quan điều tra phá án. 

Công việc của họ là gì? Cảm xúc, tâm lý của các chiến sĩ công an ở hậu trường như thế nào khi tiếp xúc với những vụ án gây rúng động? VietNamNet giới thiệu tuyến bài Nghề kỹ thuật hình sự qua chia sẻ của các cán bộ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). 

 

Cách đây 27 năm, Thượng tá Lê Viết Việt - Trưởng phòng Giám định truyền thống (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh học. Ngày đó, sau một thời gian đứng lớp, ông học tiếp lên thạc sĩ và làm luận văn tốt nghiệp về đề tài gen người.

Trong một lần đến nhà người quen chơi, nhìn thấy tập tài liệu về phân tử ADN gen người, ông tò mò đọc thử. Ngay lập tức, ông thấy hứng thú và nghĩ “bây giờ mà được làm về nó, được ứng dụng kiến thức đã nghiên cứu vào thực tiễn thì hay biết mấy”. 

Ông mạnh dạn mượn tài liệu về đọc, thấy hay, rồi quyết định hỏi cách nộp hồ sơ xin vào Trung tâm Giám định Sinh học (thuộc Viện Khoa học hình sự). 13 năm công tác ở đây là quãng thời gian ông được phát huy hết năng lực và tâm huyết của mình.

Năm 2018, từ vị trí Phó giám đốc Trung tâm, ông được điều chuyển sang làm Trưởng Phòng Khám nghiệm hiện trường. Đầu năm nay, ông được điều chuyển sang đảm nhận vị trí Trưởng Phòng Giám định truyền thống. Quyết định “đi theo tiếng gọi của con tim” năm nào đã khiến sự nghiệp và cuộc đời của Thượng tá Việt thay đổi hoàn toàn. 

Đặc biệt, 6 năm làm việc ở Phòng Khám nghiệm hiện trường cũng là khoảng thời gian ông cùng các đồng đội tiếp xúc và xử lý nhiều vụ án khó, làm dày thêm đáng kể kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học hình sự.

“Khám nghiệm hiện trường là công việc đòi hỏi kiến thức khoa học tổng thể. Vì thế, phòng của chúng tôi có một lực lượng tổng hợp, bao gồm cả giám định viên cơ học, giám định viên súng đạn, giám định viên đường vân, giám định viên sinh học, hoá học… Khi cần, chúng tôi phải trưng dụng thêm chuyên gia của các phòng, các lĩnh vực khác” - Thượng tá Việt nói.

Bản chất của khám nghiệm hiện trường là phát hiện, thu lượm và bảo quản các dấu vết ở hiện trường. Việc phát hiện có thể bằng mắt, bằng các trang thiết bị, hoá chất, các nguồn sáng, bằng tư duy đánh giá. 

Ông Việt chia sẻ: “Thông thường, anh em phải đặt mình vào địa vị của đối tượng, xác định lối vào, lối ra, dấu vết để lại như thế nào, từ đó xác định đối tượng là chuyên nghiệp hay không chuyên…”.

Nói về công việc của mình, Thượng tá Việt đúc kết: “Đã nằm trong lực lượng vũ trang, đặc biệt là khi làm công việc đặc thù này, thì không kể sáng tối, ngày đêm, không có khái niệm cuối tuần. Điện thoại của chúng tôi lúc nào cũng có 2 chiếc trong tình trạng sẵn sàng. Có chỉ đạo là lập tức lên đường, bởi càng để lâu sẽ càng mất dấu”.

“Có những cuộc gọi lúc nửa đêm, chắc cũng làm vợ con mất ngủ nhưng công việc của mình như thế, vợ con cũng hiểu và thông cảm”.

Nói đến hiện trường hình sự, ai cũng sẽ nghĩ đến những trọng án, những thảm kịch tang thương và ghê rợn. Các cán bộ của Phòng Khám nghiệm hiện trường có thể là những người phải chứng kiến nhiều nhất những hình ảnh ám ảnh ấy. 

Thượng tá Lê Viết Việt bước chân vào nghề cũng bắt đầu bằng một vụ án thảm khốc như thế. Đó là vào những năm 2005-2006, khi ông còn ở Trung tâm Giám định Sinh học. Đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ như in những tình tiết rợn người của vụ án đầu tiên mình được tham gia.

“Thủ phạm và nạn nhân là hai người yêu nhau. Khi phát sinh mâu thuẫn, thủ phạm sát hại người yêu, phân xác. Khi cơ quan điều tra vớt lên, thi thể đã phân huỷ, chỉ còn các cơ bám vào xương.

Chúng tôi phải mang mẫu vật vào phòng thí nghiệm để phân tích. Cái mùi ấy ám vào phòng thí nghiệm cả tháng trời, dù đã có dụng cụ hút không khí ra ngoài...

Có những vụ án, cán bộ làm công tác khám nghiệm hiện trường cùng với bác sĩ pháp y phải nhặt từng mảnh xương sọ vỡ đang phân huỷ để lắp ráp lại, phân tích xem nạn nhân chết trước hay sau khi vỡ hộp sọ. Có những bạn lính mới, vừa đến hiện trường đã nôn khi chứng kiến cảnh mổ tử thi. Thậm chí, những người có kinh nghiệm vẫn có thể bị sốc như thế trước những hành vi phạm tội quá man rợ. 

Có một bạn trẻ, sau khi khám nghiệm xong một vụ chết cháy, tâm sự rằng ‘sao em tắm 3 lần rồi mà vẫn còn mùi’. Lúc ấy, mình mới nhắc bạn ấy ‘em quên rửa lỗ mũi’. 

Hiện trường như vậy nhưng công việc của chúng tôi bắt buộc phải tiếp cận thật gần để quan sát, khám nghiệm”.

Ông Việt bảo, “tất nhiên những chuyện ấy, chúng tôi không bao giờ mang về nhà kể. Bản thân tôi chỉ kể với các con những câu chuyện thú vị và những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong công việc của mình”.

Gây ám ảnh nhất là hình ảnh của những người còn sống, của người nhà nạn nhân khi đến hiện trường. 

“Chúng tôi cũng đều là con người cả mà. Chúng tôi cay xè mắt khi nghe tiếng khóc xé lòng của họ. Và rồi chúng tôi lại trở thành những người làm công tác ổn định tâm lý bất đắc dĩ.

Còn làm như thế nào để vượt qua những cảm xúc hay những nỗi ám ảnh ấy? Chỉ có một cách, đó là chúng tôi luôn tự nhủ rằng mình đang làm một công việc khoa học để đòi lại sự công bằng cho nạn nhân, người bị hại. Có như thế mới vượt qua được”.

Suốt 18 năm làm nghề, tiếp xúc với đủ các loại vụ án, đã có đôi ba lần Thượng tá Lê Viết Việt chứng kiến những hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong phòng thí nghiệm. Những hiện tượng mà nếu không có đủ kiến thức và cập nhật, sẽ dẫn đến kết luận hoàn toàn không chính xác.

Ông kể: “Một lần, khi thu mẫu ADN, tôi và một đồng nghiệp chịu trách nhiệm phân tích kiểu gen để kiểm tra quan hệ bố con và mẹ con của nạn nhân với người nhà. Phân tích cho ra kết quả nạn nhân không phải là con của 2 người kia như ghi nhận.

Chúng tôi quyết định làm lại lần 2. Kết quả vẫn y như lần trước. 

Nhưng điều kỳ lạ nhất là lần này kiểu gen lại ra một người hoàn toàn khác, khác với mẫu gen ở kết quả lần 1. Lúc ấy là nửa đêm, hai anh em ngồi trong phòng thí nghiệm, nhìn nhau, hơi rợn tóc gáy.

Sau nhiều lần làm đi làm lại đến vã mồ hôi, chúng tôi mới tìm ra được nguyên nhân là mẫu vật thu được bị phân huỷ, cấu trúc ADN gãy vụn, vì thế cho ra các kết quả khác nhau và sai khác với cấu trúc ban đầu”, Thượng tá Việt chia sẻ.

Cũng chính nhờ trường hợp này mà sau đó, ông Việt đã thông báo cho các đơn vị phải thay đổi phương thức thu và bảo quản mẫu vật.

Một câu chuyện khác cũng hi hữu trong sự nghiệp của ông. Đó là một ca được khai là con đẻ, nhưng phân tích kiểu gen cho thấy không đúng. 

“Người vợ bảo cả đời tôi chỉ biết mỗi chồng tôi thôi, giờ các anh bảo không phải con ông ấy, tôi chỉ có nước đi nhảy cầu. Mà chị ấy định làm thế thật.

Sau đó, khi phân tích rất kỹ thì chúng tôi nhận ra có hiện tượng người lai chimera ở đây. Thông thường, 1 trứng thụ tinh với 1 tinh trùng sẽ tạo ra 1 hợp tử phát triển thành cơ thể. Nhưng ở đây có 2 trứng cùng rụng và thụ tinh với 2 tinh trùng, lẽ ra phát triển thành 2 cơ thể độc lập, hay còn gọi là sinh đôi thì trong trường hợp này, chúng lại trộn vào nhau và chỉ phát triển thành một cơ thể, dẫn đến những sai lệch khi xác định mối quan hệ qua gen. 

Ban đầu có người nghi ngờ là mẫu bị nhiễm (từ mẫu khác), nhưng tôi vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm vì tôi đã đọc và nghiên cứu trường hợp này từ hồi còn học thạc sĩ. Khi kiểm tra nhiều lần thì đúng như dự đoán”.

Những trường hợp hi hữu này khiến Thượng tá Lê Viết Việt luôn tin rằng, các cán bộ chiến sĩ của Viện Khoa học hình sự cần trau dồi và cập nhật liên tục để đáp ứng yêu cầu công việc.

“Khám nghiệm hiện trường thực ra là để phát hiện dấu vết, mà dấu vết là do tội phạm để lại. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, kiến thức và độ tinh vi của tội phạm cũng tăng lên. Chính vì thế, chúng tôi luôn phải tìm hiểu, cập nhật những cái mới để đáp ứng được yêu cầu thực tế”.

Ông nêu dẫn chứng: “Trong một vụ trộm mà tuyến huyện đề nghị Viện xuống hỗ trợ, anh em không xác định được lối vào của thủ phạm - chi tiết rất quan trọng để tìm kiếm dấu vết. Sau một tuần, chúng tôi được gọi xuống. Hôm đó, trời mưa, hiện trường bị tác động, rất khó khăn. Nhưng cuối cùng, bằng mọi biện pháp và trang thiết bị, chúng tôi cũng tìm ra cách thủ phạm đột nhập. Có những vụ án, phải nói là thủ phạm gần như ‘bay’ vào. Tội phạm bây giờ xem nhiều phim ảnh, sách vở nên cũng có những mánh khoé riêng để xoá dấu vết, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. 

Nhưng chúng tôi cũng được trang bị những thiết bị hiện đại, các phương pháp khôi phục lại dấu vết sau khi đã bị xoá. Vì thế, nhiều đối tượng rất ngạc nhiên khi bị bắt”.

Khi được hỏi về một thành tích khiến ông tự hào, Thượng tá Việt trầm ngâm: “Có lẽ đó là lần chúng tôi biên tập và chỉnh sửa bộ tài liệu mang tính cập nhật cho lực lượng khám nghiệm hiện trường ở tuyến cơ sở. Tôi thực sự cho rằng, đó là một đóng góp đáng giá và rất vui khi làm được việc đó”.

Trên thực tế, hơn 90% công việc khám nghiệm hiện trường là do tuyến huyện thực hiện. Chỉ khi nào tuyến huyện gặp vướng mắc hoặc án tù quá 15 năm, mới đề nghị sự hỗ trợ từ cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương (Viện Khoa học hình sự). 

“Bởi vậy, bên cạnh công tác chuyên môn, Viện còn có chức năng đào tạo cho tuyến dưới, bao gồm cả tuyến xã vì họ là những người tiếp xúc đầu tiên với hiện trường và bảo vệ hiện trường. Muốn khám nghiệm tốt thì phải bảo vệ tốt, vì thế chúng tôi hướng dẫn và đào tạo để anh em bắt kịp với nhịp phát triển của xã hội”.

Thượng tá Việt chia sẻ: “Khám nghiệm hiện trường thực ra là một môn khoa học rất sâu. Trong quá trình cập nhật, chúng tôi tham khảo cả những bộ phim về CSI (điều tra hiện trường) của Mỹ, những tài liệu rất hay của Trung Quốc về pháp y, khoa học hình sự, dịch cả những tài liệu trên Internet”.

Nhóm của ông từng xử lý một vụ án có dấu vết rất khó quan sát bằng mắt thường do đối tượng chủ động xoá đi. Nhưng cuối cùng, nhóm vẫn phân tích thành công ADN nhờ một phương pháp đặc biệt. 

Năm 2017, khi dự hội nghị di truyền học ở Seoul (Hàn Quốc), đọc tài liệu, ông mới biết những gì mình làm đã ngang tầm nước bạn. 

“Những cái họ đang làm thời điểm đó thì từ năm 2008 mình đã bắt đầu nghiên cứu, 2010 đã làm được rồi và từ năm 2012 đã làm rất tốt. Điều đó cho thấy trình độ của chúng ta trong lĩnh vực khoa học hình sự không thua kém ai. Trước đây, để phân tích một bộ gen người có thể mất vài năm và phải trưng dụng hàng chục phòng thí nghiệm. Nhưng bây giờ, với hệ thống của Viện, chúng tôi chỉ mất khoảng 1 tuần. Công nghệ của khoa học máy tính giúp ích rất nhiều và mang lại độ chính xác ngày càng cao”.  

Thượng tá Lê Viết Việt cười khi được hỏi đây có phải là một công việc “rất ngầu” và hấp dẫn các bạn trẻ hay không. “Chắc chỉ hấp dẫn những người đam mê” - anh đáp. 

“Có những vụ việc chúng tôi phải lăn xả đúng nghĩa lên rừng, xuống biển. Có lần, anh em bị mắc kẹt trên chiếc ca nô chết máy trôi dạt ra đến cửa biển, giữa thời tiết 11 - 12 độ C. Sóng to, gió mạnh, tàu to không thể tiếp cận được. Lúc ấy, ai cũng lo lắng. Rất may, cuối cùng cũng huy động được ngư dân cứu hộ trong đêm. 

Rồi những hiện trường phải khám nghiệm từ sáng đến tối không kịp ăn bữa nào, chính tay tôi phải cắm ống hút sữa vào miệng anh em. Những cuộc gọi lúc nửa đêm phải bật dậy, trong tư thế sẵn sàng. Nữ cán bộ vẫn chui gầm xe như bất cứ ai… Tôi nghĩ, chỉ có đam mê mới giúp chúng tôi giữ trọn vẹn nhiệt huyết, cho đến tận bây giờ”.

Ảnh: Nguyễn Thảo, NVCC

Thiết kế: Nguyễn Cúc