icon icon

Lời tòa soạn: Tuy cùng cơ chế, chính sách nhưng rõ ràng địa phương nào dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới hoặc có tập thể, cá nhân lãnh đạo dám vì cái chung mà hành động thì luôn có kết quả tốt trong phát triển kinh tế- xã hội. Những địa phương trong loạt bài này đều đã đạt được những thành quả lớn ở nhiều hay từng lĩnh vực cụ thể.

Nếu như trước đây có câu “Nhất Gia, nhì Xương”, ý muốn nói tới sự nghèo khó của hai huyện vùng ven biển ở phía Nam của tỉnh Thanh Hóa là Tĩnh Gia (nay là Nghi Sơn) và Quảng Xương thì nay cả hai địa phương đã đổi thay rõ rệt. Nghi Sơn hiện đang phát triển mạnh, mang dáng vóc của một thành phố biển hiện đại, trù phú.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm không thể quên được người “đặt nền móng” cho sự ra đời của KKT Nghi Sơn lúc bấy giờ. Người đó là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi.

Chia sẻ với VietNamNet, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi cho biết, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Khu Công nghiệp (KCN) Nghi Sơn. Lúc bấy giờ, các cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa nhận định nếu chỉ là KCN như mọi KCN khác, thì tiềm năng và thế mạnh của Nghi Sơn sẽ không được phát huy đầy đủ. Mục tiêu đặt ra là phải xúc tiến thành lập KKT. Chỉ có như vậy mới có cơ chế đặc thù, và từ đó sẽ có nhiều các công ty lớn về đầu tư.

“Đây là thời điểm khá nhạy cảm. Vì trước đó đã có một số KKT trong nước được thành lập nhưng không phát huy hiệu quả. Từ đó, tạo ra một làn sóng dư luận, khiến Trung ương phải xem xét”, ông Lợi cho biết. 

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi

Nghi Sơn có lợi thế nổi bật và riêng so với các địa phương khác, đó là cảng nước sâu. Cảng này có khả năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn của cả nước, với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 50.000DWT, năng lực xếp dỡ lên đến hàng trăm triệu tấn/năm.

“Từ những lợi thế và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa, chúng tôi đã chủ động trình bày ý tưởng dự án với các bộ, ban, ngành Trung ương. Đúng như dự đoán, một số ý kiến từ phía Trung ương chưa được đồng thuận. Lúc bấy giờ chúng tôi đã bằng mọi cách để trình bày, thuyết phục và cuối cùng cũng được đồng thuận”, ông Lợi nhớ lại. 

Ngày 15/5/2006, KKT Nghi Sơn chính thức được thành lập theo quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, KKT Nghi Sơn đã thu hút được các dự án lớn như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Xi măng Nghi Sơn, Dây chuyền 1 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, các dự án may mặc, da giày...

Dự án lớn như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Để “giữ chân” được các dự án lớn, công tác giải phóng mặt bằng được quan tâm hàng đầu. Có đợt cao điểm, chỉ trong 40 ngày huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) phối hợp với KKT Nghi Sơn đã di chuyển được gần 700 hộ dân tới khu tái định cư mới. Chỉ tính đến cuối năm 2008, KKT Nghi Sơn đã giải phóng mặt bằng cho 31 dự án, với diện tích 831,67 ha. 

Giờ đây, KTT Nghi Sơn đã phát triển sôi động có vai trò to lớn trong định hướng, chiến lược phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, và trở thành một trong các KKT động lực của Việt Nam với một số dự án trọng điểm, mang tầm quốc gia, đóng góp quan trọng vào các chỉ số tăng trưởng và thu ngân sách hằng năm của tỉnh.

Ông Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (gọi tắt là KKT Nghi Sơn) tỉnh Thanh Hóa cho biết, KKT Nghi Sơn đang tạo việc làm cho gần 37 nghìn lao động. Lũy kế đến nay có 264 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.084 tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.809 triệu USD. Lũy kế giá trị thực hiện đạt 68.051 tỷ đồng và 12.078 triệu USD.

Năm 2021, KKT Nghi Sơn nộp ngân sách nhà nước hơn 16.000 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 11.600 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Để có được những kết quả nổi bật nêu trên, ngay từ những ngày đầu, Thanh Hóa đã xác định tầm chiến lược quan trọng của KKT Nghi Sơn và hạt nhân là Liên hợp Lọc hóa dầu (LHLHD) Nghi Sơn. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào nơi đây.

Thanh Hóa phát huy thế mạnh cảng biển.

Đáng kể như đầu tư về giao thông, sau khi đưa Cảng Hàng không Thọ Xuân vào khai thác dân dụng, Thanh Hóa đã trở thành một trong số ít địa phương có hệ thống giao thông toàn diện, đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Cùng với đó là đầu tư xây dựng tuyến đường từ KKT Nghi Sơn đi sân bay Thọ Xuân, dài khoảng 60km đưa vào sử dụng. Như vậy, chỉ riêng khu vực KKT Nghi Sơn, hệ thống giao thông kết nối đã hoàn thiện, tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, các dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa được hưởng các ưu đãi vượt trội về đất đai, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp... Đây là tiền đề rất quan trọng để Thanh Hóa sớm trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, sớm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2022 là 28.143 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27.143 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 11.000 tỷ đồng. Chỉ mới 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN trên địa bàn đã ước đạt 26.334 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán cả năm và tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021, và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. 

Lê Dương - Thiết kế: Minh Ngọc

Lê Dương

Xem các bài viết của tác giả

Tin nổi bật