Tình yêu nảy nở từ một lần gặp gỡ tình cờ
Sinh ra và lớn lên tại Huế nhưng chị Thủy Tiên (38 tuổi) lại bén duyên với nước Nhật gần 17 năm với vị trí điều hành trực tiếp của một công ty phân phối dược. Cũng chính những năm tháng đó, chị gặp và nên duyên với người chồng hiện tại, anh Ronny Wroblewski (người Đức) tại lễ hội giao lưu văn hóa giữa các du học sinh của trường đại học Shizuoka, Nhật Bản.
Sau vài lần nói chuyện, chị nhận thấy anh là người hiền lành, giỏi giang, chăm chỉ và luôn biết truyền những năng lượng tích cực cho người đối diện. Sự vui vẻ, hoạt bát của chị cũng khiến anh cảm mến sau nhiều lần gặp gỡ và nảy sinh tình cảm yêu đương. Cũng vì yêu, anh quyết định từ bỏ công việc ở Đức, cùng chị định cư ở Nhật, xây dựng tổ ấm ở một đất nước không phải là quê hương của cả hai.
Chị kể: "Buổi đầu tiên anh về gặp ba mẹ mình ở TP.HCM, mọi thứ đều thuận lợi. Ba mẹ vui lắm, mua rất nhiều đồ ngon cho con rể 'tương lai' ăn. Kỉ niệm rất vui đó là ba mình mua trứng vịt lộn cho anh Ronny ăn, rồi nói giỡn: 'Ăn được món này thì ba cho con làm rể'. Cuối cùng chồng mình ăn ngon lành, còn khen ngon nữa”.
Vì hai người tâm đầu ý hợp lại được gia đình đồng ý nên chuyện tình cảm khá suôn sẻ. Thời gian yêu nhau, có lẽ màn cầu hôn lãng mạn và bất ngờ là điều khiến chị Thủy Tiên không thể nào quên.
"Chồng mình luôn làm cho mình bất ngờ và cảm động, nhớ nhất vẫn là màn cầu hôn lãng mạn ở Paris. Hồi đó tụi mình đi du lịch vòng quanh châu Âu. Lúc ở Paris, anh ấy cầu hôn mình. Anh quỳ gối, trao nhẫn cho mình và hỏi mình có muốn cưới anh ấy không", chị chia sẻ.
Quen nhau 5 năm, năm 2016, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân. Hiện gia đình nhỏ có thêm 2 thành viên nhí, 1 trai, 1 gái.
Có lẽ may mắn với chị Thủy Tiên là được ba mẹ chồng coi như con gái, yêu thương và chăm sóc hết mức. Chị luôn cảm nhận được tình yêu thương, sự gần gũi từ ba mẹ chồng. Gia đình không có khoảng cách, hàng tháng ba mẹ chồng vẫn gửi nhiều đồ Đức sang Nhật cho các con, luôn dặn dò các con giữ gìn sức khỏe. Có thời gian, anh chị cũng về Đức thăm ba mẹ chồng.
"Có thể hơi ngôn tình một chút nhưng ngần ấy năm lấy nhau, mình và anh vẫn như ngày đầu. Lấy chồng, sinh con nhưng mình vẫn luôn thoải mái: Làm việc mình thích, đi cafe, đi ăn món ngon, gặp gỡ bạn bè…
Chồng mình đặc biệt hiếm có, vì công việc nhà anh ấy làm phụ mình hết. Từ việc chăm con đến các việc bếp núc, anh ấy đều lo toan, hỗ trợ vợ, và đặc biệt là rất yêu thương mình", chị Tiên tự hào nói về người chồng gắn bó nhiều năm.
Chồng ngoại quốc mê tết Việt
Gần 17 năm sống bên Nhật, số lần về quê đón Tết cổ truyền ở Việt Nam của chị Tiên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị cho biết, người Nhật không ăn tết Âm lịch và mùa Tết ở Việt Nam cũng không trùng với dịp nghỉ ở Nhật nên mọi người vẫn làm việc bình thường.
"Tuy nhiên vì cộng đồng người Việt ở Nhật rất đông, nên việc đón Tết xa nhà cũng không khó khăn và thường mình sẽ ăn tết Việt sớm để bù lại. Khi người ta mới đón tết Dương thì mình tranh thủ ăn tết Âm lịch tại Việt Nam luôn rồi", chị Tiên chia sẻ.
Nói về chồng, chị cho biết, anh xã Ronny Wroblewski rất yêu tết Việt: "Chồng mình yêu vợ nên yêu luôn cả văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các phong tục Tết cổ truyền. Ngoài việc được trực tiếp trải nghiệm thì chồng, con vẫn được mình ‘dạy’ về các tập tục và truyền thống quê hương thông qua hình ảnh và video trên Internet. Anh và các con đều coi tết Việt như những ngày lễ quan trọng khác của châu Âu như Giáng sinh hay năm mới.
Cộng đồng người Việt ở Nhật ăn Tết đầy đủ hạt dưa, kẹo mứt, bánh chưng… nên gia đình mình vẫn đón đêm giao thừa, ngày đầu năm mới, ăn cỗ Tết không khác gì ở nhà. Lúc nào 3 bố con cũng bảo đồ ăn truyền thống Việt Nam ngon, độc đáo. Chồng con mình ở nhà vẫn học tiếng Việt, nói tiếng Việt, ăn đồ Việt, thường xuyên về Việt Nam chơi. Đó cũng là mong mỏi của mình, để luôn giữ cho gia đình mình gốc gác và văn hóa Việt Nam".
Theo chị Tiên, mỗi dịp Tết đến xuân về, tại một số công ty Nhật Bản mà phần lớn người lao động là người Việt Nam, công ty cũng có chính sách hỗ trợ cho các bạn nghỉ một vài ngày để ăn tết Âm lịch theo truyền thống người Việt. Nhưng đại đa số vẫn đi học, đi làm bình thường. Các bạn ở chung ký túc xá thì thường rủ nhau nấu đồ ăn Việt, đầy đủ các món như ở nhà để cùng đón giao thừa.
Ngày đầu năm mới, mọi người cũng tranh thủ xin nghỉ để đi chùa cầu bình an, hạnh phúc cho năm mới đến. Ở Tokyo cũng có rất nhiều cửa hàng, quán ăn Việt Nam nên ngày đầu năm gặp đồng hương, mọi người cũng không quên dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, lì xì lấy hên cho năm mới.
“Thực sự mà nói, khi vợ chồng yêu thương gắn kết với nhau sẽ yêu luôn cả nền văn hóa, những phong tục truyền thống và cả quê hương, gia đình của đối phương. Mình với nước Đức của anh cũng vậy, nên anh với Việt Nam của mình cũng không khác gì. Giờ đây, chúng mình có tận 3 quê hương: Việt Nam, Đức và Nhật Bản, nên việc được trở về Việt Nam ăn Tết với anh xã mình và các con cũng giống như một lần được trở về nhà, về với vòng tay yêu thương của gia đình lớn", chị Tiên tâm sự.
Mỗi lần về Việt Nam ăn Tết, đêm giao thừa, gia đình chị cùng ba mẹ bày mâm cúng, cùng thức chờ đón khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Sáng đầu năm, cả nhà đi chúc Tết người thân và bạn bè ở gần. Có năm chị còn về Huế, dẫn chồng và các con đi thăm các thành quách, lăng tẩm, những ngôi chùa cổ kính, ngắm sông Hương trong vắt mỗi mùa xuân và kể cho anh về tuổi thơ của chị ở đây.
“Chồng mình luôn chia sẻ rằng anh rất may mắn vì có một người vợ Việt Nam. Những khác biệt về văn hóa được yêu thương xóa nhòa, nhưng vẫn giữ lại đầy đủ sự mới mẻ và thú vị với một người Đức như anh. Không lấy vợ Việt, dễ gì được đón tết Việt, ăn bánh chưng, đón những mùa Tết rực rỡ sắc hoa, lớn thế này còn được ba mẹ lì xì. Anh cũng rất mong gia đình sẽ luôn giữ được những truyền thống tốt đẹp, đầy ý nghĩa của các dịp lễ Tết cổ truyền Việt Nam cho con, cho cháu về sau”, chị Thủy Tiên bộc bạch.