Năm nay, trong số trên 1 triệu thí sinh đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có hơn 880 nghìn em sử dụng điểm thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn trong vài năm gần đây đều được đánh giá là phù hợp với mục đích đặt ra của kỳ thi này.
>>> Gợi ý làm bài thi Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2022
'Đề thi tốt hơn năm trước'
Về đề thi Ngữ Văn thi tốt nghiệp THPT 2022, Th.S Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) nhận định: cấu trúc đề thi quen thuộc. Cấu trúc gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu nghị luận xã hội (2 điểm) và câu nghị luận văn học (5 điểm). Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây, học sinh đã rất quen thuộc với cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.
Về độ khó và sự phân hóa, đề thi được ra nhẹ nhàng, chủ yếu ở mức độ cơ bản, bám sát chương trình đã được tinh giản của Bộ GD & ĐT. Phần đọc hiểu ra một đoạn thơ trong “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo và hỏi 4 câu hỏi nhỏ. Hai câu đầu tiên ở mức độ nhận biết, đọc vào thấy ngay câu trả lời, hầu như em nào cũng có thể làm được; câu 3 (mức độ thông hiểu) cũng tương đối nhẹ nhàng; câu 4 (mức độ vận dụng) đòi hỏi học sinh phải suy ngẫm và có óc khái quát thì mới làm bài được.
Phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”.
Câu này cũng được ra ở mức độ bình thường, đơn giản, không làm khó học sinh. Câu nghị luận văn học yêu cầu trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác. Trong hai yêu cầu của câu này, yêu cầu thứ nhất ở mức độ cơ bản, yêu cầu thứ hai ở mức độ cao hơn để phân hóa học sinh. Sự liên hệ giữa hai ý này linh hoạt và có hiệu quả hơn so với đề thi năm trước.
Về dạng câu hỏi, đề thi tập trung vào những dạng câu hỏi quen thuộc, đã từng được ra nhiều lần trong đề thi của các năm trước, chưa thấy có sự đổi mới, sáng tạo gì đáng kể.
Về nội dung đề thi, theo thầy Minh, phần đọc hiểu cho một đoạn trong “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo.
"Đây là một ngữ liệu tốt, giàu ý nghĩa, đảm bảo tốt cho yêu cầu đọc hiểu. Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Vấn đề cũ, quá quen thuộc nhưng cũng là một vấn đề có ý nghĩa xã hội thiết thực. Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác. Đây là một tác phẩm được học trong chương trình, các em đã được học, được ôn tập kĩ nên khá nhẹ nhàng cho các em" - thầy Minh nhận định.
Nhìn chung, theo thầy Minh, đề tham khảo của Bộ dành cho kì thi năm nay nhẹ nhàng, quen thuộc, phù hợp với một năm học mà một số địa phương học sinh chủ yếu học online do dịch Covid – 19. Theo thầy Minh, đề thi năm nay tốt hơn đề năm trước. Tuy nhiên, vẫn theo lối mòn quen thuộc như các năm, chưa thể hiện được sự đổi mới, sáng tạo gì đáng kể.
"Việc lựa chọn ngữ liệu của đề thi khá tốt" - Th.S Nguyễn Phước Bảo Khôi, ĐH Sư phạm TP.HCM cùng chung nhận định. Theo thầy Khôi, đề thi an toàn, tính phân hóa được đảm bảo, dự kiến điểm trung bình từ 6.0 - 6.5 điểm.
Đề tài “dâng hiến thanh xuân vì Tổ quốc” không quá mới mẻ, song những câu thơ được viết với tính biểu trưng cao, giàu hình ảnh khơi gợi cảm xúc. Các câu hỏi nhận biết rất dễ đạt điểm tối đa. Câu hỏi thông hiểu quen thuộc, song sẽ tốt hơn nếu đổi thành yêu cầu xác định và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong đoạn thơ. Câu hỏi vận dụng là một nội dung phân hóa quan trọng, khơi gợi những suy ngẫm khá sâu sắc cho học sinh. Nếu học sinh làm tốt câu này thì sẽ gặp nhiều thuận lợi cho việc thực hiện câu Nghị luận xã hội bên dưới.
Với câu Nghị luận xã hội, vấn đề “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” đi sâu vào thông điệp mà nội dung văn bản đọc hiểu gợi ra, có ý nghĩa giáo dục cao và khá quen thuộc với học sinh. Đây là thái độ cần thiết mà thế hệ trẻ phải có. Xuất phát từ một bài thơ cụ thể nhưng vẫn gắn với thực tế cuộc sống, một lần nữa đề thi nhấn mạnh cho học sinh về quá trình hoàn thiện dần nhân cách trong tương lai, khi trách nhiệm tiếp bước cha anh dần phải trở thành ý thức tự thân và thể hiện qua hành động cụ thể.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thúy Anh, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An nhận định, đề thi năm nay không có gì mới. Mức độ khó trung bình, các câu đọc hiểu dễ ăn điểm. Các câu 1,2,3, học sinh cấp THCS cũng đã có thể làm được. Theo cô giáo này, vấn đề Nghị luận xã hội quá quen thuộc và khuôn mẫu.
Tuy nhiên, "Phần nghị luận văn học có "đất" để các thí sinh viết, có câu hỏi phân hoá mức điểm khá và giỏi".
"Do tình hình dịch bệnh và yêu cầu của kỳ thi nên việc Bộ GD-ĐT ra đề như vậy cũng là phù hợp" - cô Thúy Anh nói.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) nói đề yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn trích ở đầu tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" - tác phẩm nằm trong top dự đoán cao của học sinh cả nước nên không gây bất ngờ. Sẽ có nhiều thí sinh phấn khởi với đề thi này.
"Chiếc thuyền ngoài xa" là tác phẩm có tần suất ra thi thường xuyên trong những năm gần đây: 2015, 2018, 2022. Nhưng đề năm nay chưa thật sự rõ ràng về đối tượng cần phân tích mà chỉ ghi chung chung là phân tích đoạn văn, sẽ gây khó cho thí sinh trong việc xác định đối tượng phân tích và luận điểm. Dù "trúng tủ" tác phẩm dự đoán cao nhưng vẫn sẽ có nhiều thí sinh "lệch ngăn" vì tập trung ôn về nhân vật bà làng chài mà ôn sơ sài phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng về bức ảnh bình minh tuyệt vời trên biển.
"Thí sinh cần xoáy vào chỉ ra được phát hiện của Phùng và phân tích được sâu, kỹ phản ứng của nghệ sĩ Phùng trước phát hiện đó. Yêu cầu phụ của đề là liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Đây là yêu cầu không dễ. Ở câu hỏi này, thí sinh khá giỏi sẽ có đất để dụng võ và bật lên" - thầy Đức Anh nói.
Cô Đỗ Thanh Thuỷ, giáo viên dạy Ngữ Văn của Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) cũng nhận định ngữ liệu đọc hiểu có dung lượng vừa phải, trong đó, câu hỏi đọc hiểu số 4 đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu sắc nội dung đoạn trích, có kỹ năng nhận xét, đánh giá về vấn đề yêu cầu.
“Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu vừa sức với học sinh, câu 4 là câu hỏi mang tính phân loại cho bài làm của thí sinh”, cô Thủy nhận xét.
Về phần Làm văn, theo cô Thủy, câu 1 nói về một vấn đề rất ý nghĩa và cũng đồng thời quen thuộc trong thi ca, văn học, trong cuộc sống hàng ngày, do đó học sinh không gặp nhiều khó khăn.
“Câu 2 là câu nghị luận văn học với lệnh đề yêu cầu học sinh cảm thụ giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích, học sinh đã quen với yêu cầu của đề và được rèn nhiều về kỹ năng.
Câu lệnh thứ 2 yêu cầu học sinh liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Đây là lệnh đề mang tính phân loại, yêu cầu học sinh phải hiểu sâu sắc nội dung, tư tưởng của toàn tác phẩm, thì mới có thể rút ra được thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời theo yêu cầu của đề bài”, cô Thủy phân tích.
Nhìn chung, theo cô Thủy, đề thi đảm bảo kiến thức cơ bản, song vẫn đảm bảo mức độ phân hóa.
“Đề vừa sức, quen thuộc với học sinh. Các học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 - 6; học sinh khá có thể đạt mức 7 - 8 điểm”.
Phổ điểm môn Ngữ văn trong 3 năm gần đây không quá khác biệt
Năm 2019, khi kỳ thi vẫn mang tên Kỳ thi THPT quốc gia, môn Ngữ văn có điểm trung bình là 5,49. Có 27,84% bài thi có điểm dưới 5. Môn Ngữ văn không có điểm 10 nào và có 1.265 bài thi bị điểm liệt (<=1). Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 6 điểm.
Năm 2020, trong kỳ thi khi này đã có tên Kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình bài thi môn Ngữ văn là 6,62. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75.779 (chiếm tỷ lệ 9%). Có 2 thí sinh đạt điểm 10 trong bài thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của cả nước năm 2021 cho thấy: Có 978.027 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn trong đó điểm trung bình là 6,47 điểm, điểm trung vị là 6,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 172 (chiếm tỷ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 117.915 (chiếm tỷ lệ 12,06%).