Lời Tòa soạn:

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 khóa 12 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp tỉnh không là người địa phương.

Đến nay, số bí thư cấp tỉnh không là người địa phương ngày càng nhiều, được lựa chọn kỹ lưỡng và chất lượng. Việc này đã mang đến luồng gió mới, góp phần đổi mới và tạo nhiều chuyển biến cho địa phương. 

Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay có “bóng dáng” đậm nét của nhiều bí thư tỉnh ủy không là người địa phương. Đồng thời, nhiều cán bộ qua luân chuyển về địa phương đã trưởng thành và trở về giữ chức vụ quan trọng ở Trung ương.

Qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với một số bí thư tỉnh ủy được luân chuyển thời gian qua, VietNamNet khái quát lại kết quả bước đầu trong triển khai, thực hiện chủ trương “bí thư không là người địa phương”.

 

So với con số 27/63 bí thư không là người địa phương từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng, đến nay có thêm 13 nhân sự từ Trung ương về địa phương làm bí thư tỉnh ủy.

Trong đó có thể kể đến một số gương mặt mới được Bộ Chính trị điều động, chỉ định từ Trung ương về địa phương trong năm 2022, 2023.

Cụ thể, ngày 23/7/2022, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn được Bộ Chính trị điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Ngày 27/10/2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Đức Thắng được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Ngày 16/11/2022, Phó Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

Ngày 16/1/2023, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cũng được điều động về làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Ngày 31/3/2023, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn được chỉ định về làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Ngoài ra, cũng có một số cán bộ được điều động từ địa phương này sang làm bí thư tỉnh ủy, thành ủy địa phương khác.

Điển hình như ngày 25/7/2022, ông Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình.

Ngày 27/5/2023, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu được phân công về làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ.

Cùng với việc đưa cán bộ Trung ương về địa phương, Bộ Chính trị cũng điều động một số bí thư không là người địa phương trưởng thành ở một số tỉnh, thành trở về Trung ương giữ chức vụ mới.

Cụ thể như ông Ngô Văn Tuấn, từ Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương được điều động về địa phương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình từ tháng 7/2019. Đến tháng 10/2020, ông Tuấn được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình. Sau 3 năm trải nghiệm ở địa phương, tháng 7/2022, ông được điều động trở về Trung ương giữ chức Phó Tổng kiểm toán phụ trách Kiểm toán Nhà nước và được Quốc hội bầu làm Tổng Kiểm toán từ tháng 10/2022 cho đến nay.

Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng cũng là cán bộ Trung ương được điều động về làm Phó Chủ tịch (7/2018-7/2019), rồi lên Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh từ tháng 7/2019-10/2020. Sau đó ông được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên trong 2 năm (10/2020 - 10/2022) và trở lại Trung ương với cương vị mới là Bộ trưởng Bộ GTVT từ tháng 10/2022.

Còn bà Đào Hồng Lan được điều động về Bắc Ninh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy vào tháng 2/2018 khi đang giữ chức Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Từ tháng 9/2020-7/2022, bà giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Sau hơn 4 năm gắn bó với địa phương, bà được điều động quay trở lại Trung ương làm Bộ trưởng Y tế từ ngày 15/7/2022.

Mới đây nhất là trường hợp ông Đặng Quốc Khánh khi đang làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang từ 7/2019 - 5/2023.

Sau gần 4 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ông Khánh được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từ ngày 22/5/2023.

Phát biểu liên quan đến chủ trương này, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai từng nêu 2 câu hỏi hay gặp phải: “Bí thư là người địa phương có phải tốt hơn bí thư không phải người địa phương không? Bí thư làm Chủ tịch UBND tốt hơn hay làm Chủ tịch HĐND tốt hơn?”.

Bằng thực tiễn trong ngành tổ chức, bà Trương Thị Mai khẳng định: “Về cơ bản bí thư không phải người địa phương sẽ tốt hơn”.

Bên cạnh đó bà cũng nêu rõ, với một số nơi đặc thù, cán bộ người dân tộc thiểu số sẽ đại diện tốt nhất cho cộng đồng lớn nhất của địa bàn đó thì bí thư phải là người địa phương. Nếu bố trí bí thư không là người địa phương trong trường hợp này có khi không phù hợp.

Vì vậy, bà Trương Thị Mai lưu ý, mục tiêu của chủ trương bí thư không là người địa phương là lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực và uy tín để làm bí thư cấp ủy, tránh tuyệt đối hóa, quan niệm “người khác địa phương tốt hơn người địa phương”.

Bà Mai phân tích thêm, bí thư không phải người địa phương có thể phải có thời gian tiếp cận để hiểu biết địa bàn nhưng khi về địa phương điều quan trọng là họ “phải giữ gìn”.

Bởi cán bộ, đảng viên, nhân dân ở đó họ soi vào thì cán bộ phải giữ gìn, phải khẳng định mình trưởng thành, làm việc có hiệu quả. Vì vậy, người từ nơi khác đến động lực khác so với người địa phương vì họ dễ ỷ lại "sống lâu lên lão làng".

Hơn nữa, cán bộ ở nơi khác đến thường có tư duy mới, cách nghĩ mới, lề lối mới, cách làm mới, dễ đột phá, sáng tạo.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, việc luân chuyển cán bộ nói chung, thực hiện chủ trương bí thư không là người địa phương nói riêng vừa kết hợp hài hòa, nâng cao hiệu quả giữa mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ với tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn gắn với quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Từ đó, góp phần khắc phục một phần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ và đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp tỉnh không là người địa phương.

Chất lượng cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển được nâng lên, đa số cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín; nhiều cán bộ sau thời gian điều động, luân chuyển đã có sự trưởng thành rõ rệt.

Việc lựa chọn địa bàn, chức danh và chuẩn bị nhân sự điều động, luân chuyển đã gắn kết chặt chẽ với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của Trung ương, địa phương, có sự đổi mới, phối hợp hiệu quả giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ là khâu quan trọng để đào tạo, rèn luyện, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài cho Đảng. Nhiều cán bộ sau khi được điều động, luân chuyển đã có những bước trưởng thành, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thiết kế: Nguyễn Ngọc