XEM VIDEO:

Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình khẳng định với Tuần Việt Nam: Luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương là chủ trương lớn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

"Từ trải nghiệm của mình, tôi cho rằng việc luân chuyển cán bộ hết sức cần thiết, tạo cơ hội rất tốt cho cán bộ có điều kiện thâm nhập thực tiễn, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng lãnh đạo. Trên thực tế, nhiều cán bộ đã được bố trí làm lãnh đạo ở địa phương để tự mình rèn luyện và có cơ hội đóng góp cho sự phát triển địa phương", ông chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất nằm ở chính người được đi luân chuyển

Từ vị trí Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ được Trung ương luân chuyển về làm Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng hơn 6 năm qua, ông có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn ông đã trải qua trong quá trình trở thành người của địa phương?

Thuận lợi to lớn nhất, đó là sự yêu thương, đùm bọc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Phòng dành cho tôi. Đây có thể nói là một hành trang vô cùng quý báu, thuận lợi lớn vô cùng để tôi có thể thâm nhập thực tiễn, tích lũy cho mình kiến thức, kinh nghiệm để làm tốt công việc.

{keywords}
Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình: Cán bộ được luân chuyển phải tạo sự gắn bó máu thịt với địa phương mình đến

Còn về khó khăn thì cá nhân tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất nằm ở chính người được đi luân chuyển. Đó là kiến thức của mình dù có rộng đến bao nhiêu thì cũng rất nhỏ bé so với thực tiễn. Mình có bao nhiêu kinh nghiệm cũng không đủ khi về một địa phương hoàn toàn mới.

Hay nói một cách ngắn gọn là năng lực, kinh nghiệm của mình còn hạn chế so với công việc mới, lĩnh vực mới, địa phương mới mà mình được cử đến.

Chính vì vậy, người được luân chuyển phải tự trang bị và được cơ quan có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trang bị thêm trước khi về địa phương để khắc phục những khiếm khuyết đó. Đây là vấn đề cực kỳ cần thiết.

Điều đó cũng đòi hỏi mỗi cán bộ được luân chuyển cần phải tích lũy hơn, rèn luyện hơn, học tập nghiêm túc để trưởng thành từng ngày, đáp ứng được nhiệm vụ mới.

Phải tạo sự gắn bó máu thịt với địa phương

Hơn một nhiệm kỳ gắn bó với địa phương, ông rút ra được những bài kinh nghiệm gì để một cán bộ được luân chuyển làm tốt công tác của mình?

Theo tôi, mỗi cán bộ trải qua những vị trí công tác khác nhau sẽ có những kinh nghiệm khác nhau. Ví dụ như bản thân tôi từ một sinh viên tham gia quân đội trở về công tác tại Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ trước khi được luân chuyển cũng đã trải qua một vài vị trí công tác, trong một chừng mực nào đó đã cố gắng tích lũy cho mình một vốn kiến thức, những kinh nghiệm cần thiết.

Đó là tiền đề cần để có thể tiếp nhận học tập thêm, rèn luyện thêm cả bản lĩnh nghiệp vụ, kỹ năng để mình làm tốt công việc của mình. 

Có một điểm chung là phông nền văn hóa và kiến thức quản lý của mình càng nhiều bao nhiêu, càng rộng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu cho vị trí mình sẽ đảm nhiệm ở địa phương.

Thực tâm tôi thấy điều cực kỳ quan trọng là cán bộ phải biết khiêm tốn học tập kiến thức. Trải nghiệm của cá nhân không bao giờ là đủ, phải khiêm tốn học tập, học tập từng ngày, học tập từ người dân, đồng nghiệp, những cán bộ của mình. 

Tôi có kinh nghiệm công tác 6-7 năm ở Bộ Tư pháp, 20 năm ở Bộ Nội vụ nhưng khi tới Hải Phòng thì thực tiễn mênh mông vô cùng, kiến thức của mình không là bao nhiêu cả, cho nên việc học tập rất quan trọng.

Vấn đề thứ hai cũng cực kỳ quan trọng, đó là mình phải tâm huyết, phải yêu mảnh đất mình đến, dồn tâm huyết của mình trong công việc, cho cái chung.

Cán bộ được luân chuyển phải tạo sự gắn bó máu thịt đối với địa phương mình đến, với người dân. Khi đó cán bộ sẽ thành công và sẽ có được sự ủng hộ, có được cơ hội rèn luyện và cũng có cơ hội để đóng góp. Có lẽ với cá nhân tôi đó là bài học sâu sắc nhất.

Một trong những vấn đề mà cán bộ được luân chuyển thường băn khoăn, lo lắng là tính cục bộ địa phương. Khi được luân chuyển về đây, ông đối mặt với vấn đề như thế nào?

Nói thật là trước khi về Hải Phòng, tôi không biết mình được phân công đi đâu. Khi biết tôi về Hải Phòng thì nhiều anh em bạn bè, đồng nghiệp chia vui nhưng cũng có nhiều người cảnh báo tôi rằng “Mảnh đất này dữ dội lắm, xuống đấy khó khăn lắm”.

{keywords}

Nguyễn Xuân Bình

Phó chủ tịch TP Hải Phòng

.

Nhiều người cảnh báo “Hải Phòng khó khăn lắm, mảnh đất này dữ dội lắm” nhưng có lẽ về Hải Phòng là một cơ may với tôi.

Nhưng về Hải Phòng là một cơ may với tôi, chưa bao giờ tôi phải đối mặt với chuyện đó, ngay từ lúc đầu tiên đến với Hải Phòng, tôi đã nhận được sự đón tiếp rất chân tình và được giao nhiệm vụ. Tôi đã nhận được sự yêu thương, đùm bọc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.

Đây là sự may mắn và tự tôi cho rằng đó là phần thưởng lớn nhất mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP dành cho tôi. Và cũng luôn đòi hỏi tự thân rất lớn là làm sao cố gắng từng ngày làm tốt phần việc của mình, đóng góp vào sự phát triển của TP, như một cách để trả món nợ ân tình đó.

Luân chuyển chỉ để 'tráng men' thì không thành công

Khi nói đến luân chuyển, một số ý kiến cho rằng, đây là “bước đệm” cho những bước tiến sau đấy của cán bộ?

Từ sự trải nghiệm của tôi, tôi không cho rằng điều đó đúng, luân chuyển không bao giờ là sự "tráng men". Bởi lẽ thực tiễn thực tiễn vị trí quản lý một địa phương đòi hỏi bản lĩnh, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, đòi hỏi tâm huyết và trách nhiệm của cán bộ rất nhiều.

Theo ông, để công tác luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả cao, đào tạo những lớp cán bộ “đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ", ngoài sự nỗ lực của chính cán bộ và sự tạo điều kiện của địa phương đòi hỏi phải có yếu tố nào khác?
 
Theo tôi, Đảng, Nhà nước cần làm sớm công tác luân chuyển ngay từ đầu nhiệm kỳ để làm sao lựa chọn được những đồng chí có năng lực, có triển vọng đưa đi luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chọn được các đồng chí trẻ càng tốt.

Ở độ tuổi trên dưới 40 mà được đào tạo, luân chuyển thì rất tốt; ít nhất sau đó cán bộ còn có điều kiện có 1-2 nhiệm kỳ làm tốt những vị trí công tác khác.

Bởi vì nếu như luân chuyển muộn quá, thời gian đúc rút kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kiến thức để cán bộ áp dụng vào công việc mới không đủ dài cũng là cái phí.

Thu Hằng - Đức Yên - Trần Thường

Bí thư Yên Bái trải lòng về chủ trương đưa cán bộ Trung ương về địa phương

Bí thư Yên Bái trải lòng về chủ trương đưa cán bộ Trung ương về địa phương

Ngay sau khi trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy đã dành cho TuanVietNam những chia sẻ chân tình và thẳng thắn về quá trình trở thành "người Yên Bái".