Trước tiên, cần phải khẳng định luật pháp hiện chưa cho phép báo chí tư nhân (được hiểu là báo chí do tư nhân sở hữu và tư nhân quyết định toàn bộ hoạt động báo chí xuất bản).
Tuy nhiên, Luật Báo chí (sửa đổi) cho phép báo chí được liên kết với các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác đủ năng lực. Vấn đề là Luật Báo chí hiện chưa quy định cụ thể về việc liên kết này dẫn đến nhiều hiện tượng biến tướng, lách luật và đó chính là biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”.
Theo Cục Báo chí (Bộ TT&TT), “tư nhân hoá báo chí” bản chất là cơ quan báo chí giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát một phần nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích liên kết.
Hoạt động liên kết được quy định trong Luật Báo chí, nhưng mới chỉ có giới hạn về phạm vi những nội dung được liên kết mà không quy định rõ hình thức liên kết (có 2 hình thức chủ yếu là “liên kết khai thác quảng cáo” và “liên kết sản xuất nội dung kết hợp khai thác quảng cáo). Từ đó dẫn đến thực tế là mỗi cơ quan báo chí có một cách tiến hành hoạt động liên kết khác nhau, trong đó một số trường hợp có những “biến tướng” cần nhận diện rõ để điều chỉnh.
Hiện tượng này đã được biết đến và đã được nhắc nhở, xử lý lâu nay. Tựu chung lại, có những biểu hiện cụ thể sau.
Về hình thức: Các biểu hiện “tư nhân hoá báo chí” chủ yếu xuất hiện trên loại hình điện tử (cả báo và tạp chí). Có trường hợp giao diện chuyên trang của báo, tạp chí điện tử giống y nguyên hoặc có mẫu nhận diện giống, gây nhầm lẫn với trang thông tin điện tử tổng hợp của đối tác liên kết (Logo nhận diện giống nhau; Tên các chuyên mục giống nhau; Trang thông tin điện tử của đối tác ghi mập mờ, có tên miền giống hoặc gần giống tên miền báo, tạp chí điện tử, chuyên trang điện tử).
Về nội dung: Báo, tạp chí điện tử, chuyên trang điện tử thể hiện là công cụ “rửa nguồn” tin cho trang thông tin điện tử tổng hợp đăng những tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách.
Số lượng tin bài “xuất bản” trên trang báo, tạp chí điện tử đột biến lớn, không tương xứng với năng lực sản xuất của cơ quan báo chí. Số lượng nhân lực ít nhưng lượng tin bài sản xuất quá lớn, nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí không thể duyệt lượng khổng lồ tin, bài (vượt quá năng lực thông thường của con người).
Tạp chí điện tử thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích do thực hiện việc rửa nguồn tin cho trang thông tin điện tử.
Về kỹ thuật, máy chủ, địa chỉ IP của trang chủ, chuyên trang đặt ở những nơi khác nhau; có cùng địa chỉ với máy chủ, IP của đối tác liên kết. Cơ quan báo chí sử dụng hệ thống kỹ thuật của bên đối tác và bên đối tác có quyền truy cập, tác động; đưa tin, bài lên, chỉnh sửa, gỡ xoá tin bài trên hệ thống.
Về hoạt động tác nghiệp: Cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên (là người của đối tác liên kết) ghi là phóng viên của cơ quan báo chí, dẫn đến việc người của đối tác liên kết (công ty truyền thông) đi tác nghiệp như phóng viên cơ quan báo chí.
Phóng viên của cơ quan báo chí là người chịu trách nhiệm nội dung của trang thông tin điện tử (viết bài đăng ở cơ quan báo chí rồi đưa sang trang thông tin điện tử cùng là một người, một nhóm người).
Về tổ chức: “Phân lô, bán nền”, giao khoán các chuyên trang, chuyên mục cho nhà báo, phóng viên, Văn phòng đại diện, đối tác liên kết. Giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động.
Cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ nhà báo cho nhân sự của đối tác, đồng thời vừa làm báo vừa làm trang thông tin điện tử tổng hợp.
Về lợi ích kinh tế: “Tư nhân hoá” báo chí xảy ra khi lợi ích đối với cơ quan báo chí nhỏ hơn nhiều so với lợi ích mà đối tác liên kết thu được. Thực tế kiểm tra sơ bộ tại một số cơ quan báo chí cho thấy khoản “phí liên kết” (được quy định tại các “hợp đồng hợp tác” hoặc “thoả thuận hợp tác”) mà cơ quan báo chí thu được là rất nhỏ so với quy mô và lợi ích mà đối tác liên kết có thể thu được.
Chưa phát hiện các quan hệ liên kết có sử dụng đến tài chính, tài sản của nhà nước nên chưa đánh giá được góc độ này. Chủ yếu các quan hệ liên kết giữa cơ quan báo chí và các đơn vị truyền thông – quảng cáo là dựa trên thế mạnh sẵn có và chức năng của các bên (chỉ có “hợp đồng hợp tác” hoặc “thoả thuận hợp tác”, chứ không thành lập pháp nhân chung, không có góp vốn, góp tài sản).
Về lợi ích khác (thương hiệu của cơ quan báo chí, cơ hội nâng cao trình độ nghiệp vụ cho phóng viên…..), chưa thấy mối liên hệ rõ rệt giữa việc liên kết với các đối tác truyền thông với việc phát triển thương hiệu của cơ quan báo chí. Uy tín của cơ quan báo chí không tăng lên khi thực hiện hoạt động liên kết (nếu như không nói là kéo theo nhiều “phiền toái” về kiểm soát định hướng nội dung). Chưa thấy rõ ích lợi về việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên ở các cơ quan báo chí thực hiện liên kết (kỹ năng biên tập nội dung, sử dụng các công cụ xuất bản hiện đại….).
Các cơ quan báo chí liên kết với các công ty truyền thông – công nghệ có nhận được một số lợi ích khác qua việc được hỗ trợ về công nghệ xây dựng trang web của cơ quan báo chí, về hệ điều hành xuất bản nội dung, về băng thông, chỗ đặt máy chủ…
Khi chưa có quy định cụ thể, những hành vi tư nhân hóa báo chí với những biểu hiện rõ ràng đã, đang và sẽ bị xử lý quyết liệt. Được biết, hiện các cơ quan chức năng đang tính toán các phương án để việc liên kết trong hoạt động báo chí diễn ra minh bạch và có lợi cho tất cả các chủ thể tham gia.
Ban Thời sự