Không chỉ sở hữu tòa nhà cao nhất Việt Nam - Landmark-81, TP.HCM còn có nhiều công trình biểu tượng, điểm nhấn kiến trúc đô thị như tháp tài chính Bitexco, cầu Thủ Thiêm 2, hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á.
Sau 48 năm giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đi đầu của cả nước, từng bước phát triển thành một đô thị, trung tâm tài chính hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Nếu những năm trước, Nhà thờ Đức Bà hay Dinh Độc Lập là biểu tượng của TP.HCM thì ngày nay từ bất cứ nơi đâu nếu nhìn thấy tòa tháp cao 81 tầng là dễ dàng nhận ra Hòn ngọc Viễn Đông. Đây là một điểm nhấn kiến trúc đô thị hiện đại của thành phố lớn nhất Việt Nam.
Toà tháp Landmark-81 cao nhất cả nước tọa lạc tại 720A Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, nơi được coi là cửa ngõ phía Đông Bắc, nút giao thông quan trọng của thành phố. Với diện tích tổng thể 241.000m2, chiều cao 461,3m, tòa tháp đã phá vỡ kỷ lục "chọc trời" trước đó của công trình Keangnam Hanoi Landmark Tower (336m).
Trước khi Lanmark-81 mọc lên, tòa tháp tài chính Bitexco tọa lạc số 19 - 25 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé (quận 1) là biểu tượng kiến trúc đô thị của TP.HCM. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu SSD, cao 262m với 3 tầng hầm và 68 tầng lầu, trong đó 50.000m2 diện tích văn phòng. Tất cả được thiết kế bằng thép và kính đôi gia nhiệt, có hàm lượng sắt thấp. Đặc biệt, tầng 49 là đài quan sát Sài Gòn Skydeck và bãi đỗ trực thăng dài 40m ở tầng thứ 52. Đây từng là tòa nhà cao nhất Việt Nam khi đưa vào hoạt động năm 2010.
Sau khi khánh thành từ tháng 1/2022, công viên bến Bạch Đằng trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 đã làm thay đổi cảnh quan ven bờ sông Sài Gòn rõ rệt so với trước. Ở giai đoạn 1 của dự án, công viên rộng hơn 8.000m2, kinh phí 35 tỷ đồng, tính từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu tàu số 2, gồm hệ thống lối đi dạo, sân cỏ, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, tưới nước tự động... Giai đoạn 2, công viên được mở rộng từ cầu tàu số 2 đến khu vực súng thần công, rộng khoảng 7.300 m2, kinh phí 30 tỷ đồng.
Công viên dự kiến chia thành 3 khu chức năng: khu tưởng niệm lịch sử (khoảng 4.000m2); khu xúc tiến du lịch (khoảng 5.150m2); công viên cộng đồng (khoảng 2.750m2). Bến Bạch Đằng ở số 2 đường Tôn Đức Thắng gồm bến cảng và công viên, dài 1,3km, rộng 23.400m2.
Những năm gần đây, nhờ những tiềm năng và lợi thế ít nơi nào có được, nhiều nhà đầu tư đã đổ về thành phố phát triển các công trình đô thị, bất động sản khiến hạ tầng của Hòn ngọc Viễn Đông như một đầu tàu kéo dậy cả vùng đất. Hàng tỷ USD dồn dập đổ về TP.HCM, trong đó phải kể tới những dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, làng đại học…
Nhờ sự kết nối với đô thị cũ tại quận 1, Thủ Thiêm đang trở thành một đô thị hiện đại và chứa đựng những bản sắc riêng.
Đặc biệt, trên địa bàn quận 7 diện tích tự nhiên là 3.576 ha có Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng được quy hoạch tổng thể bài bản ngay từ đầu nay đã hoàn thiện toàn bộ. Các công trình, hạ tầng kỹ thuật, xã hội như hệ thống đường giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông... đã được xây dựng hoàn chỉnh; cả trăm dự án về xây dựng nhà ở; gần 20 cơ sở y tế, tổng cộng hàng chục cơ sở giáo dục hoàn thiện.
Điểm nhấn về giao thông đô thị mới đây là công trình cầu Thủ Thiêm 2, tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, dài gần 1,5km, với 6 làn xe bắc qua sông Sài Gòn. Khánh thành ngày 28/4/2022, cây cầu này cũng được xem là biểu tượng mới của TP.HCM. Điểm đầu của cầu Thủ Thiêm 2 tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài cầu Thủ Thiêm 2, không thể không nhắc đến cây cầu Phú Mỹ, hơn 2.000 tỷ đồng, khánh thành năm 2009. Đây là cầu dây văng có quy mô lớn nhất nước thời kỳ đó với chiều dài hơn 2km, tĩnh không thông thuyền cao 45m, có 6 làn xe, kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Phú Mỹ Hưng và quận 9. Từ khi khánh thành, công trình đã giúp việc lưu thông trên quốc lộ 1A đi Tây Nam Bộ qua TP HCM được rút ngắn, đồng thời được xem là biểu tượng của TP.HCM.
Đường hầm Thủ Thiêm được thiết kế từ cầu Calmette nối khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Cửa hầm ở phía quận 1 nối đường Võ Văn Kiệt, cửa hầm còn lại nằm trên con đường lớn của quận 2.
Khánh thành tháng 11/2011, hầm Thủ Thiêm không chỉ là hầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam mà còn là hầm sông hiện đại nhất Đông Nam Á, một trong những hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây của TP.HCM. Hầm có chiều dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, với 6 làn xe lưu thông và 2 làn đường thoát hiểm hai bên, tốc độ thiết kế 60km/h. Cùng với nhiều dự án như cầu Thủ Thiêm 1, cầu Thủ Thiêm 2, cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4 trong tương lai, đây sẽ là công trình hỗ trợ nối kết giao thông thông suốt từ trung tâm tài chính mới với các quận 1, Bình Thạnh, quận 4, quận 7.
Nói đến những dự án hiện đại của TP.HCM không thể không nhắc tới những công trình giao thông. Một trong số đó là dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Hiện tại, tuyến đường sắt đô thị này đã hoàn thành hơn 95% tổng khối lượng toàn dự án. Trong năm 2023, các nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 100% công tác thi công lắp đặt các thiết bị còn lại, hoàn thiện kiến trúc các nhà ga và cầu bộ hành của trên toàn tuyến.
Cầu Sài Gòn 2 được xây dựng song song với cầu Sài Gòn cũ, dài gần 1km gồm 30 nhịp, được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Dự án có tổng kinh phí xây dựng gần 1.500 tỷ đồng, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đây là một trong những dự án cấp bách của TP.HCM hơn 10 năm về trước nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực lưu thông tại cửa ngõ đông bắc của thành phố.
Đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) được mệnh danh là một trong những con đường đẹp nhất TP.HCM. Con đường này được đặt tại phía đông dự án đại lộ Đông Tây với kinh phí lên tới hơn 16.000 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 21,89km (chưa kể hầm Thủ Thiêm dài 1,49km). Đại lộ bắt đầu từ xa lộ Hà Nội (quận 2) đến quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), đi qua quận 1,2,4,5,6,8, Bình Tân và Bình Chánh. Trong đó đường Mai Chí Thọ quận 2 dài 9km (mặt đường rộng 140m với 14 làn xe) bắt đầu từ xa lộ Hà Nội đến hầm vượt sông Sài Gòn.
Dự án mở rộng nút giao An Phú được khởi công từ cuối tháng 12/2022. Đây là nút giao thông dẫn vào tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối đi xa lộ Hà Nội và cảng Cát Lái, có tổng vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. Công trình được thiết kế từ 10 - 12 làn xe, 3 hầm chui 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh có 2 làn xe. Dự kiến, nút giao này hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 4/2025 và được kỳ vọng trở thành nút giao thông lớn nhất, đẹp nhất TP.HCM.
Nút giao thông ngã 3 Cát Lái (TP Thủ Đức) nằm ở điểm đầu của đại lộ Đông Tây kết nối với Xa lộ Hà Nội. Đây là tuyến đường quan trọng bậc nhất khu vực cửa ngõ phía đông nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Bắc. Công trình được xây dựng với hai cây cầu cạn, trong đó một cầu hướng từ cảng Cát Lái rẽ trái về trung tâm TP.HCM, một cầu từ quận Thủ Đức rẽ trái về cảng Cát Lái, hầm Thủ Thiêm và 7 nhánh đường phía dưới.
Đưa vào sử dụng từ tháng 8/2010, nút giao này đã tạo điều kiện cho dòng ô tô đầu kéo, xe tải nặng lưu thông giữa xa lộ Hà Nội và cảng Cát Lái thuận lợi, nhanh chóng.