Hoãn lại lịch đi mua tem tại cửa hàng bưu chính trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Tiến sĩ Terry F. Buss lần đầu hé lộ về những điều ẩn sau bộ sưu tập 150.000 con tem mà ông đã sưu tầm được từ 50 quốc gia trên thế giới và những cuộc truy lùng cả chục năm trời chỉ để mua 1 con tem.
Mở đầu cuộc trò chuyện với PV VietNamNet về bộ sưu tập của mình, Tiến sĩ Terry F. Buss - Giáo sư về Chính sách công và Quản lý, Học giả nghiên cứu Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ - chia sẻ, ông bắt đầu sưu tầm tem từ hồi 8-9 tuổi. Khi đó, ông tham gia đội Thiếu sinh quân và mục đích sưu tầm thật nhiều tem chỉ đơn giản là có một chiếc huy hiệu.
“Bố tôi khi đó là quân nhân, thường xuyên xa nhà. Khi đóng quân ở bất kỳ đâu, trong hay ngoài nước Mỹ, ông đều mua tem rồi gửi về cho tôi”, ông nói.
- Hồi 8-9 tuổi, Tiến sĩ sưu tầm tem vì chiếc huy hiệu, vậy sau này thì sao?
Sau này sưu tầm tem dần trở thành sở thích, thú vui và rồi say mê.
Nhiều người nói sưu tầm tem rất buồn tẻ, không có gì vui. Đúng là như vậy nếu sưu tầm chỉ đơn giản là gom các con tem lại. Song, với bản thân tôi lại khác. Sưu tầm tem còn gắn với công việc của tôi. Tôi coi đó là một công việc chuyên nghiệp.
Tôi đã đi và làm việc ở 50 quốc gia khác nhau, đến đâu cũng sưu tầm tem. Thông qua tem, tôi tìm hiểu về quốc gia đó. Nhìn vào các con tem, tôi thấy được lịch sử của những đất nước, thấy cái gì là quan trọng với họ, quan trọng đến mức họ đưa hình ảnh đó lên con tem.
Đặc biệt, khi cầm con tem trên tay, tôi sẽ cảm nhận được nền nghệ thuật, văn hoá của quốc gia đó. Điều này rất khác khi tìm hiểu qua sách báo hay trên các phương tiện truyền thông.
Khoảng thời gian công tác 3 năm tại Hungary, tôi sưu tầm được những con tem hàng trăm năm tuổi. Khi ấy, do tính chất công việc, tôi đến một bệnh viện dành cho bệnh nhân cao tuổi và gặp được những người đã dán con tem ấy lên bì thư. Có những bệnh nhân hơn 100 tuổi chính là người trong đội kỵ binh của quân đội Hungary xuất hiện trên con tem. Trò chuyện với họ, tôi biết được nhiều điều về cuộc sống, về con người nơi đây, về những gì họ đã trải qua…
Tất cả những điều này đều giúp ích cho công việc của tôi.
- Ông thường tìm mua tem ở đâu?
Tôi hay đến những khu chợ trời. Nhiều người đem bán bộ sưu tập của mình ở các khu chợ trời đó.
Hồi ở Nga, tôi đến một chợ trời rất lớn ở Moscow. Tôi gặp những người sưu tầm, trò chuyện với họ về gia đình, hỏi họ nghĩ thế nào về những sự kiện được in trên con tem… Qua đó, tôi hiểu về đất nước của họ hơn.
Cứ như vậy, đi đến đâu tôi cũng tìm đến các khu chợ trời để mua tem. Điều thú vị, khi tìm đến những nhà sưu tầm, chúng tôi trò chuyện với nhau và các mối quan hệ được xây dựng một cách rất tự nhiên như thế, kết nối thành mạng lưới giống như các nhà sưu tầm tranh.
Ở Paris (Pháp), có một chợ trời chuyên về tem, không bán bất cứ mặt hàng nào khác. Bạn sẽ gặp ở đó rất nhiều người cao tuổi sưu tầm tem. Đến một lúc nào đó, cảm thấy cần tiền, họ sẽ bán đi. Trong số đó, có những người sưu tập suốt 50-60 năm. Bạn có thể mua được những con tem quý với mức giá thông thường.
Tôi rất cẩn trọng khi mua tem ở những nơi này, không bao giờ mặc cả để mua được mức rẻ hơn giá chào bán. Bởi, tôi hiểu những người phải mang bán ở đây thật sự đang rất cần tiền.
Trong nhiều trường hợp, tôi sẽ trả cao hơn giá mà họ đưa ra dưới dạng tiền tip. Vì cái tôi thu về không chỉ là những con tem mà còn là câu chuyện họ chia sẻ. Sưu tầm tem, nói chuyện với người dân là cách riêng để tôi tìm hiểu về quốc gia đó.
- Với những con tem quý, việc tìm mua có khó không?
Một điều khiến tôi cực kỳ thích thú chính là việc sưu tầm biến tôi trở thành nhà thám tử, đi truy lùng những con tem. Khi cần, tôi sẽ tìm mọi cách, dành rất nhiều thời gian để tìm ra nó. Và cảm giác khi được cầm trên tay con tem sau khi đã dành rất nhiều thời gian và công sức tìm kiếm thực sự vô cùng mãn nguyện.
Ví dụ như bộ tem Đức. Tôi có một cuốn album là toàn bộ tem từ thời đế chế Đức đến giờ, nhưng có 1 ô vẫn bỏ trống vì chưa sưu tầm được đủ bộ tem phát hành năm 1870. Đối với nhà sưu tầm, khi mở cuốn album còn 1 ô trống khiến tôi cảm thấy không yên.
Con tem này tính đến nay khoảng 150 năm tuổi. Tôi đã mất rất nhiều năm, đến rất nhiều nơi để tìm nó. Từ câu lạc bộ của người chơi tem, các chợ trời, cửa hàng bán tem tôi đều đến. Thậm chí, tôi hỏi bất kỳ ai khi có cơ hội để xem ngày còn trẻ họ có viết thư cho người yêu không, biết đâu họ còn giữ những bì thư có con tem tôi đang tìm, rồi hỏi xem đã thấy con tem này bao giờ chưa.
Cuối cùng, tôi đã truy tìm thành công và mua được con tem này, không phải ở Đức mà ở Hungary.
Với những con tem như thế, nếu tính chi phí bỏ ra để truy lùng thì cao hơn rất nhiều so với giá trị của tem. Nhiều lần tôi gặp được những người có tem nhưng không muốn bán, và tôi đã phải bỏ ra rất nhiều tiền, tăng giá lên nhiều lần để mua được con tem mình đang cần.
Chúng ta đừng nghĩ rằng việc sưu tầm tem sẽ mang lại lợi nhuận. Điều mà một nhà sưu tầm tem thu về là những giá trị phi tiền bạc. Đó là một hành trình chứa đựng biết bao cảm xúc: sự mong mỏi, hồi hộp, và niềm sung sướng vỡ oà cuối chặng đường. Sưu tầm tem với tôi chắc chắn không phải để kiếm tiền.
Bộ tem Việt Nam của tôi hiện còn thiếu 2 con tem. Tôi đã truy lùng hơn chục năm nay nhưng vẫn còn 2 ô trống.
- Tiến sĩ vừa nhắc tới bộ sưu tập tem Việt Nam. Với ông, tem Việt Nam có gì đặc biệt?
Có những con tem vô cùng đặc biệt mà chỉ Việt Nam mới có. Ví dụ như tem Bác Hồ được in trên giấy dó. Trên thế giới không có quốc gia nào in tem trên giấy dó cả. Hay như tem thóc - tức giá tem được tính bằng thóc.
Thời đó, tem Việt Nam chưa có sẵn lớp hồ dán ở đằng sau như bây giờ. Để dán tem lên bì thư, người ta thường lấy cơm thay cho hồ dán. Đây là điều khiến tôi vô cùng thích thú khi sưu tập tem Việt Nam.
Tôi còn sưu tầm được một số con tem in lỗi. Những con tem đó rất hiếm, các nhà sưu tầm săn lùng nhưng rất ít người tìm được. Và thật thú vị là có một con tem in lỗi tôi đã tìm mua được ở Mỹ.
Sưu tầm tem ở Việt Nam rất khác biệt so với các nơi khác. Ở đây, không có nhiều nhà buôn tem cũng như nhà sưu tầm tem buôn bán. Người chơi đa phần chỉ gặp gỡ trao đổi tem với nhau.
Tôi và vợ bắt đầu sưu tầm tem Việt Nam cách đây hơn 10 năm. Đầu tiên, tôi mua tất cả những con tem mình có thể mua, bắt đầu từ bộ tem đầu tiên của Chính phủ Việt Nam phát hành năm 1946. Về sau, chúng tôi mua theo từng đợt phát hành mới trong các năm.
Tôi thường đến cửa hàng của công ty tem trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Hơn chục năm nay, cứ mỗi khi có bộ tem mới tôi lại đến. Tôi đã gặp rất nhiều nhà sưu tầm người Trung Quốc, Pháp, Mỹ… đến đây mua.
Đến giờ, tôi có bộ sưu tập trọn vẹn từ năm 1946 đến nay, ngoại trừ còn thiếu 2 con tem hiếm. Bên cạnh đó là Bộ tem Đông Dương in đè và Bộ tem Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam 1963-1969, và Bộ tem Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Tôi rất quan tâm đến lịch sử của Việt Nam nên việc sở hữu những bộ tem này có ý nghĩa đặc biệt.
Với 2 con tem hiếm đang còn thiếu, tôi biết là trên mạng có người ghi giá tiền nhưng thực ra đây là những con tem vô giá, bởi chúng quá quý hiếm. Tôi đã tìm hơn chục năm nay nhưng vẫn chưa mua được. Ở một góc độ nào đó, những ô trống này chính là lý do để nhà thám tử tem là tôi tiếp tục các cuộc truy lùng.
- Đến nay, ông sưu tầm được bao nhiêu con tem rồi?
Rất nhiều, tôi không thể nhớ chính xác nhưng cũng lên tới con số 150.000. Ngoài những bộ tem để ở đây (nhà ở hiện nay tại Hà Nội - PV), phần lớn bộ sưu tôi cất giữ ở bên Mỹ. Tôi có 3 cái rương rất lớn chứa đầy tem.
Bộ sưu tầm lớn nhưng thực ra không nhiều tiền đâu. Có những bộ sưu tập rất nhiều tem, song giá trị chỉ nằm ở một số con tem nhất định, còn lại giá không quá đắt đỏ. Như bộ tem Việt tôi sưu tập được đầy đủ vì giá tương đối rẻ.
Nhiều khi giá đắt rẻ cũng tuỳ thuộc vào người sưu tầm là ai. Bộ sưu tầm đồ sộ, song không có những con tem quý hiếm thì giá trị không cao.
Có một điểm đáng lưu ý là có những con tem khi chúng ta nhìn giá được in trong Danh mục tem sẽ thấy rất cao nhưng đừng mừng vội bởi thực tế sẽ không phải như vậy. Thông thường, những con tem đó khi những nhà buôn bán cho người sưu tầm thì giá sẽ chỉ bằng một nửa giá trong Danh mục, và cũng con tem đó người sưu tầm bán cho các nhà buôn thì chỉ bằng 1/10 giá trong Danh mục.
Vậy nên thấy giá in trên cuốn Danh mục, bạn có thể sẽ hân hoan nghĩ "ôi mình quá giàu" vì có cả một bộ sưu tập tem như vậy. Thực ra, giá trị cả bộ sưu tập chỉ bằng 10% giá in trong đó mà thôi.
- Nói nhiều tới giá tem, vậy khoản tiền lớn nhất ông từng bỏ ra để mua một con tem là bao nhiêu?
Cách đây khoảng 30 năm tôi đã chi 800 USD để mua con tem từ thời đế chế Đức. Đó không phải là tem lẻ, trong giới sưu tầm gọi là block tem (một tờ nhỏ thường bao gồm một hoặc nhiều mẫu tem). Đây là một block rất hiếm của tem Đức, và cũng rất thú vị là tôi tìm được ở Mỹ.
Thật ra, bỏ một số tiền lớn như vậy để mua con tem cũng là việc rất hiếm hoi tôi làm trong đời. Bây giờ chắc tôi sẽ không bỏ số tiền lớn như vậy. Bởi, lúc nhìn vào album thấy còn thiếu thì sẵn sàng chi tiền mua, nhưng khi bán lại thì không bao giờ thu được mức tiền mình đã bỏ ra. Thế nên, cảm giác bây giờ nghĩ lại thấy việc đó giống như “đốt tiền”.
- Có những con tem rất quý, giá thành cũng vô cùng đắt đỏ. Làm thế nào để không mua phải tem giả?
Theo ước tính của Cơ quan Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ, việc sản xuất và buôn bán tem giả đã trở thành một ngành kinh doanh trị giá nhiều tỷ USD.
Giới chơi tem có chia sẻ một số cách để xác định tem giả, nhưng cũng chẳng có cách nào có thể đảm bảo hoàn toàn rằng sẽ không có lúc một tay chơi chuyên nghiệp vẫn có thể biến thành “anh khờ”.
Một con tem mình không biết chắc được đó là hàng thật hay giả thì cách tốt nhất là đặt nó cạnh một con tem thật, đã được giám định để so sánh đối chiếu.
Trong trường hợp không có mẫu tem thật làm chuẩn, người sưu tập sẽ phải tìm hiểu kỹ các chi tiết như hình vân chìm (hoạ tiết được thiết kế đặc biệt nằm chìm trong giấy in tem, được tạo ngay trong quá trình sản xuất giấy). Việc này được thực hiện bằng cách soi tem ngược ánh sáng, dùng hoá chất hoặc đèn đặc biệt. Các chi tiết khác bao gồm răng tem đục không chuẩn, sự sai lệch về màu sắc do giấy in, mực in không đúng chủng loại, đường nét in không chuẩn, và dấu huỷ rởm...
Với mỗi nhà sưu tập, dù mới vào nghề hay đã lành nghề, việc tìm hiểu và cập nhật thông tin không bao giờ là cũ, bởi việc làm giả các mẫu tem bưu chính quý hiếm với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại cũng trở nên tinh xảo hơn, ngày càng thách thức người chơi.
Trong nhiều trường hợp, tin hoàn toàn vào lời đảm bảo của các cửa hàng buôn bán tem hoặc các nhà sưu tập tem cũng khiến người mua trở thành nạn nhân của sự gian lận.
Mấy hôm trước, tôi tra cứu một con tem trên một nền tảng mua sắm trực tuyến rất nổi tiếng và phát hiện ra tại thời điểm đó đang có 10 phiên bản khác nhau được rao bán. Trong số đó, chỉ một chắc chắn là tem thật, 3 con khác rất đáng ngờ và 6 con còn lại nhiều khả năng là tem giả.
Để biết được “thân phận” thực sự của chúng, chỉ có duy nhất một cách là giám định tích xác thực.
- Ông đi hơn 50 quốc gia, sưu tập được hàng trăm nghìn con tem. Vậy ông có hay viết thư, dùng những con tem dán lên bì thư gửi cho bạn bè, người thân?
Tôi thích sưu tầm tem nhưng lại chưa gửi thư cho ai bao giờ. Một lần đặc biệt, vì rất muốn sưu tầm những con tem vũ trụ, tôi đã gửi thư cho chính bản thân tôi.
Đó là những con tem được phát hành vào năm Mỹ bắt đầu phóng vệ tinh lên vũ trụ. Khi phóng vệ tinh như thế, sẽ có tàu hải quân ra biển đón các nhà du hành vũ trụ trở về. Ở trên tàu có thư ký phụ trách mảng thư tín. Thư đó sẽ được đóng dấu của tàu Apollo.
Người sưu tầm tem rất thích những bì thư có những con tem đó. Song quy định chỉ cho mỗi người một bì thư. Cuối cùng, tôi tự gửi thư cho chính tôi để có thể sở hữu hơn một bì thư cùng con tem đó.
Ngày con gái chúng tôi, Phương Nhi còn học cấp 3, cô bé được khuyến khích viết thư tay bằng tiếng Anh rồi gửi qua đường bưu điện cho bạn bè của tôi ở nước ngoài. Mục đích là luyện cho cháu học tiếng Anh tốt hơn. Và chúng tôi đã nhận được thư tay hồi đáp của mọi người bạn gửi về hòm thư khi đó chúng tôi thuê tại Bưu cục Cửa Nam ở Lê Duẩn.
Đặc biệt, trong số đó có một tấm bưu thiếp được làm thủ công bằng 1 tấm gỗ, với chữ viết tay và dán tem của một người bạn Ba Lan. Đây thực sự là một điều bất ngờ đầy thú vị bởi giữa thời đại công nghệ phát triển, những người bạn của tôi ở các châu lục khác vẫn gửi về đây những lá thư tay.
- Tiến sĩ có dự định gì với bộ sưu tập của mình?
Tôi không có ý định sau này sẽ bán chúng đi.
Nếu tính về giá trị thì chúng không quá đắt, nhưng lại là những con tem khó mà tìm được. Thế nên, tôi sẽ hiến tặng tem cho những tổ chức đặc biệt.
Năm ngoái, tôi đã quyết định gửi đi hiến tặng rất nhiều tem. Tôi lựa chọn điểm đến là các tổ chức sưu tập nhận những con tem này, sau đó gửi tặng cho các bạn nhỏ, từ đó giúp nuôi dưỡng sở thích sưu tầm tem cho thế hệ trẻ.
Tôi cũng hiến tặng tem cho các tổ chức từ thiện, nhà thờ để họ bán đấu giá. Tiền thu được sẽ dành giúp đỡ người tàn tật.
Việc hiến tặng mang lại cho tôi cảm giác vô cùng dễ chịu, giống như khi bản thân tôi đi tìm kiếm và sưu tầm những con tem này.
Bài, ảnh: Tâm An
Thiết kế: Nguyễn Cúc