Khám phá vũ trụ
Đêm cuối tuần, nền trời trong vắt, Nguyễn Ngọc Quyền (23 tuổi, sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội) nheo mắt nhìn vào chiếc kính thiên văn. Quyền đắm mình trong vô số điều lạ lẫm mà cậu quan sát được từ vũ trụ bao la.
Quyền theo đuổi thú chơi kính thiên văn từ năm 2012. Năm đó, Quyền mới chỉ là cậu học sinh lớp 7. Dẫu vậy, phong trào tự chế kính thiên văn và các hoạt động quan sát thiên văn nghiệp dư đã hấp dẫn trí tò mò của cậu.
Nam sinh bắt đầu tự mày mò chế tạo kính thiên văn để có thể quan sát rõ hơn mặt trăng cùng những vì sao lấp lánh. Quyền tham gia diễn đàn, câu lạc bộ thiên văn để học hỏi kinh nghiệm tự chế kính thiên văn từ kính lão, kính lúp...
Nam sinh viên kể: “Nhờ người đi trước hướng dẫn, cuối cùng tôi cũng chế được chiếc kính thiên văn riêng cho mình. Bằng chiếc kính này, tôi quan sát được bề mặt Mặt trăng, thấy được miệng núi lửa”.
“Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Mặt trăng gần đến thế. Cảm xúc lúc đó thật khó tả. Sau lần ấy, tôi càng khát khao được quan sát vũ trụ. Sau này có điều kiện hơn, tôi tự mua linh kiện về ráp kính thiên văn với chất lượng không thua kém kính phổ thông ngoài thị trường”, Quyền chia sẻ thêm.
Trong khi đó, anh Phạm Hồng Chương (SN 1975), hội viên Hội thiên văn Hà Nội (HAS) đã chơi kính thiên văn được 15 năm. Hiện, anh là chuyên gia tự chế kính thiên văn hàng đầu ở khu vực miền Bắc.
Sau 15 năm theo đuổi giấc mơ quan sát Hệ Mặt trời, tính đến nay, anh Chương trở thành người tự chế chiếc kính thiên văn to nhất. Anh nói: “Hiện nay, thú chơi kính thiên văn ngày càng phổ biến và thu hút nhiều người chơi từ học sinh, sinh viên đến tuổi trung niên”.
“Đa số người chơi kính thiên văn đều có chung sở thích tìm hiểu về thiên văn học và đam mê quan sát bầu trời một cách trực tiếp. Kính thiên văn cho phép chúng ta phóng to hình ảnh, giúp người chơi thấy được và ghi lại nhiều thứ không thể quan sát bằng mắt thường”, anh nói thêm.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại kính thiên văn phù hợp với nhu cầu, “túi tiền” của từng người chơi. Tùy vào chất lượng, kính thiên văn được bán với giá từ vài trăm nghìn đồng đến cả tỷ đồng.
Người chơi kính thiên văn cũng giao lưu, kết nối với nhau tạo thành các hội, nhóm, câu lạc bộ… Tại đây, những người này trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tự chế, giới thiệu các loại kính thiên văn cũng như trải nghiệm của bản thân trong việc khám phá vũ trụ bằng mắt.
Dựng đài quan sát, “gặt hái” sao trời
Nhiều người chơi kính thiên văn nhận định, sau khi đã quan sát bầu trời, “chạm” được vào những thiên thể, tinh vân bằng mắt, họ đều vô cùng phấn khích. Sự phấn khích ấy kích thích trí tò mò, lòng ham muốn khám phá, ghi lại những vẻ đẹp trong vũ trụ mà không phải ai cũng có thể chiêm ngưỡng một lần trong đời.
Thế nên không quá khó hiểu khi ngày càng nhiều người chơi sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để sở hữu, nâng cấp các loại kính thiên văn mới, hiện đại. Cá biệt, có người chơi còn tự dựng đài quan sát trên nóc nhà của mình để thỏa mãn giấc mơ chiêm ngưỡng vũ trụ, “gặt hái” sao trời.
Ngọc Quyền chia sẻ: “Càng ngắm vũ trụ, tôi càng mê mẩn với những phát hiện của mình. Nhiều đêm, tôi quên ngủ mà cứ ra sân với cái kính thiên văn để quan sát bầu trời. Hiện, thiên thể xa nhất mà tôi có thể quan sát là sao Thổ”.
“Tôi cũng có thể quan sát cả những chòm sao hoàng đạo mà nhiều bạn trẻ lầm tưởng là không có thật. Trong thực tế, chúng rất sáng, rất đẹp, có thể dễ dàng quan sát mỗi đêm. Để quan sát, chiêm ngưỡng các đối tượng xa hơn cần phải có đài quan sát thiên văn”, Quyền nói thêm.
Anh Nguyễn Trần Hạ (SN 1989, Hà Nội) cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 đài quan sát thiên văn cá nhân. Và, anh sở hữu một trong số này.
Anh Trần Hạ theo đuổi thú vui quan sát thiên văn từ năm 2016 . Tuy nhiên, không giống như những người chơi thông thường, anh Hạ theo đuổi deepsky, thể loại chụp các đối tượng nằm sâu trên bầu trời, vượt ra ngoài ranh giới Hệ Mặt trời.
“Ở đó, tôi tìm thấy được vẻ đẹp hoang sơ của vũ trụ. Nó giúp tôi thỏa mãn trí tò mò về vũ trụ bao la. Đối với tôi đó là những vẻ đẹp đặc biệt nhất mà không thứ gì trên trái đất có thể so sánh được”, anh nói.
Tuy vậy, phía sau niềm đam mê “gặt hái” sao trời, Trần Hạ còn nung nấu khát vọng góp phần vào sự phát triển của thiên văn nghiệp dư tại Việt Nam. Thế nên, anh đầu tư hơn nửa tỷ đồng để xây dựng đài quan sát thiên văn trên sân thượng nhà mình.
Sau khi tìm ra cách lắp đặt và làm chủ thiết bị, anh mày mò tìm phương pháp chụp các tinh vân, cụm sao, thiên hà sao cho đẹp, phù hợp khoa học...
Sau nhiều năm, Trần Hạ trở thành cái tên nổi tiếng trong cộng đồng chơi ảnh thiên văn nghiệp dư. Nhiều tác phẩm của anh được trang web chuyên về thiên văn Astrobin lựa chọn là Top Pick.
Hiện, anh Hạ và người bạn của mình đang thực hiện chương trình cho thuê đài thiên văn. Toàn bộ tiền cho thuê sẽ được anh và bạn của mình dành vào mục đích từ thiện.