Theo cô Phương, để có một bài làm tốt, trước hết, các học sinh cần nắm được cấu trúc của đề thi. Đề thi gồm 2 phần với các câu hỏi với đủ các mức độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng thấp và vận dụng cao, trong đó, với phần I sẽ khai thác ngữ liệu trong sách giáo khoa, gắn với bài văn nghị luận văn học.
Ở phần II, sẽ kiểm tra kiến thức tiếng Việt/làm văn, kiểm tra một nội dung có liên quan đến ngữ liệu và gắn với đó là viết bài hoặc đoạn văn nghị luận xã hội về vấn đề được rút ra từ ngữ liệu đã cho.
Ở dạng câu hỏi phát hiện, thông hiểu, những vấn đề cần lưu ý cụ thể như sau:
Với dạng câu hỏi phát hiện yêu cầu học sinh nhận biết, tái hiện, trình bày, kể tên, nêu, xác định… được nội dung vấn đề. Câu hỏi thường gặp: hãy nêu, kể tên, trình bày…?:
Những lỗi học sinh thường gặp: Câu hỏi phát hiện tưởng đơn giản nhưng học sinh không hiểu, không nhớ được kiến thức hoặc nhớ không đủ, không hiểu bản chất của vấn đề nên xác định phương thức biểu đạt, ngôi kể còn nhầm lẫn, nêu hoàn cảnh sáng tác không đầy đủ.
Giải pháp:
+ Với câu hỏi về phương thức biểu đạt: Cần xem kĩ đề yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt chính hay những phương thức biểu đạt. Với phương thức biểu đạt chính thì chỉ nêu 1 phương thức chính, còn với những phương thức biểu đạt thì nêu phương thức biểu đạt chính kết hợp với những phương thức biểu đạt khác.
Lưu ý: khi xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn vừa phải đặt trong tổng thể của văn bản, tác phẩm, vừa căn cứ vào đặc trưng riêng của đoạn văn đó.+ Với câu hỏi về ngôi kể: Cần xác định các kiểu ngôi kể (chú ý đặc trưng của từng loại ngôi kể) và nêu tác dụng của từng ngôi kể (với nhân vật và toàn bộ tác phẩm).
Chẳng hạn: ngôi kể thứ nhất, người kể xưng "tôi", người kể trực tiếp tham gia vào câu chuyện, kể ra những gì mình nghe, thấy, trải qua. Tác dụng là giúp câu chuyện trở nên chân thực hơn, nhân vật dễ dàng bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, từ đó người đọc có thể hiểu rõ hơn về nhân vật, đồng thời cũng góp phần thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Hay với ngôi kể thứ ba, người kể tự giấu mình đi, gọi tên nhân vật bằng chính tên gọi của chúng. Cách kể bằng ngôi kể này rất linh hoạt, tự do, sự việc được thuật lại khách quan, không gian truyện mở rộng hơn, đồng thời cũng góp phần thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
+ Với câu hỏi về nêu hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của hoàn cảnh sáng tác: các học sinh cần: Xác định hoàn cảnh rộng (bối cảnh lịch sử, xã hội); Xác định hoàn cảnh hẹp (năm sáng tác, hoàn cảnh cụ thể về cuộc đời, tâm lí của tác giả khi sáng tác); Nêu ý nghĩa hoàn cảnh sáng tác trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm.
Với dạng câu hỏi phát hiện (Phân tích, giải thích ý nghĩa của một chi tiết hình ảnh. Các câu hỏi thường gặp: “Vì sao? Tại sao? Như thế nào? Có ý nghĩa gì?...):
Những lỗi học sinh thường gặp là trả lời ngắn hoặc chỉ nêu một từ, một cụm từ, một câu…Tuy nhiên, với dạng câu hỏi này học sinh không được điểm tối đa thì cũng không bị mất nhiều điểm.
Giải pháp:
+ Với dạng câu hỏi “Em có suy nghĩ như thế nào…? Hiểu như thế nào về một ý kiến, vấn đề trong văn bản/ Em hiểu như thế nào…? Em có đồng ý với quan điểm của người viết không? Vì sao? / Lý giải một ý kiến, suy nghĩ, một lời khẳng định,... của tác giả/ Liên hệ, so sánh, rút ra bài học thông điệp gì?”, cách làm là: Đọc kĩ ngữ liệu; xác định từ ngữ, hình ảnh, vấn đề được đề cập nằm ở đâu trong văn bản. Chọn ý để trả lời, nên trích dẫn nguyên văn cách trình bày của người viết. Dùng các từ đồng nghĩa hoặc các từ ngữ trong văn bản và diễn đạt ngắn gọn bằng lời văn của mình. Bám sát nội dung văn bản và kiến thức cá nhân thực tế, lí giải vấn đề. Giải thích cách hiểu của mình về hình ảnh, từ ngữ, ý kiến gắn với ngữ liệu cụ thể (Giải thích từ khóa; Lý giải của bản thân từ hiểu biết cuộc sống; Đưa ra nhận xét, bình giá nâng cao vấn đề).
Đặc biệt cần chú ý giải thích theo trình tự: giải thích – phân tích – nhận xét vấn đề được hỏi. + Với dạng câu hỏi giải thích ý nghĩa của một chi tiết truyện, cách làm là: Nắm vững diễn biến, sự việc của truyện; Nắm vững hoàn cảnh, tình huống xảy ra với nhân vật; Nắm vững tâm lý, tính cách nhân vật. Đặt chi tiết truyện đó trong ngữ cảnh cụ thể để giải thích đồng thời đặt trong tương quan với các chi tiết truyện trước và sau đó. Diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục.
+ Với dạng câu hỏi phân tích, cảm thụ, giải thích từ ngữ hoặc hình ảnh thơ, cách làm là: Nắm vững giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ chứa chi tiết, hình ảnh đó. Giải nghĩa từ ngữ, nắm vững các bước làm về biện pháp tu từ. Nêu ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục cảm nhận về chi tiết, hình ảnh thơ đó. Bám sát nghệ thuật....
Cách làm dạng bài về biện pháp tu từ
Học sinh cần làm theo các bước như sau:
- Bước 1: Gọi tên biện pháp tu từ (dựa vào những nét đặc trưng của biện pháp tu từ đó để nhận diện)
- Bước 2: Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh có sử dụng biện pháp tu từ
- Bước 3: Nêu tác dụng:+ Gắn với khái niệm của biện pháp tu từ (đặc trưng riêng)+ Gắn với nội dung của câu (gợi liên tưởng gì? giá trị ra sao?)+ Gắn với chủ đề của tác phẩm hay tư tưởng, tình cảm của tác giả. (nếu có)
- Bước 4: Có thể liên hệ, mở rộng với các đoạn thơ, đoạn văn khác cũng sử dụng hiệu quả biện pháp tu từ đó.
Cách làm dạng bài tập thay từ
Học sinh nên làm theo các bước như sau:
- Bước 1: Khẳng định không thay được (cách dùng từ là dụng ý nghệ thuật).
- Bước 2: Chỉ ra điểm chung của hai từ.
- Bước 3: Chỉ ra điểm khác biệt của từng từ (đặt vào ngữ liệu cụ thể).
- Bước 4: Khẳng định việc lựa chọn từ ngữ của tác giả làm tăng giá trị biểu cảm cho câu thơ đồng thời thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả.
Cách làm dạng bài tập cảm nhận chi tiết
Học sinh nên làm theo các bước như sau:
- Bước 1: Giới thiệu và nêu cảm nhận chung về chi tiết.
- Bước 2: Tái hiện chi tiết và xác định vị trí của chi tiết trong tác phẩm.
- Bước 3: Cảm nhận về vai trò nghệ thuật của chi tiết trong mạch truyện.
- Bước 4: Cảm nhận về ý nghĩa của chi tiết trong việc khắc họa nhân vật và thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
- Bước 5: Đánh giá khái quát về chi tiết.
>>>Chi tiết lịch thi vào lớp 10 của 63 tỉnh, thành phố
Thanh Hùng (ghi)